Một kho tàng giàu có đang trở nên trống rỗng

NGUYỄN VĂN THỌ 13/05/2014 03:05 GMT+7

TTCT - Bốn tháng sau khi "Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954" hoàn tất, gặp lại tác giả khảo cứu này, ông Phan Cẩm Thượng, vẫn thấy ông than buồn. TTCT mời bạn nghe cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Văn Thọ với nhà nghiên cứu văn hóa và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng (phải) và nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Ảnh: Tường Linh

Thấy được thân phận con người

* Nguyễn Văn Thọ: Năm nào, với tư cách như một nhà nghiên cứu văn hóa Việt, ông đã giới thiệu cuốn Văn minh vật chất của người Việt. Nay với tư cách nhà nghiên cứu hội họa, ông lại khảo cứu Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954 cho bộ sưu tập của nhà sưu tập Thái Tira Vanichtheeranont. Ngọn nguồn của quyển sách này là từ đâu, thưa ông?

Phan Cẩm Thượng: Năm 2012, nhà sưu tập người Thái Tira Vanichtheeranont có ý định mua toàn bộ tư liệu ký họa của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân thông qua người con trai ông là họa sĩ Tô Ngọc Thành. Ông Tira có nhờ tôi qua xem trước, tôi vô cùng ngạc nhiên về chất lượng và những vấn đề xã hội mà họa sĩ Tô Ngọc Vân ghi chép.

Tôi hình dung nếu xây dựng từ những tư liệu này sẽ là cuốn sách tốt để làm sáng tỏ lứa họa sĩ Việt Nam cùng một hoàn cảnh xã hội. Sau đó, họ tiến hành mua các ký họa làm hai đợt, việc này tôi không được tham gia, chỉ biết là với 380 ký họa sổ tay của Tô Ngọc Vân, ông Tira đã nhờ tôi dựng nên cuốn sách này. 

Cuối năm 2013 tôi viết xong, đầu năm 2014 cuốn sách được Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, ông Tira là người đầu tư làm và in sách.

Tô Ngọc Vân là họa sĩ lứa Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo giáo sư Nora A. Taylor là “một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20”. Có phải đó là lý do ông nghiên cứu Tô Ngọc Vân?

- Tôi không kén chọn nghệ sĩ, miễn là đủ tài liệu về chính họ và đủ khả năng để làm. Nhưng xem trong tất cả các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không ai bám vào hiện thực xã hội Việt Nam rõ như Tô Ngọc Vân. Nghiên cứu Tô Ngọc Vân có khả năng dựng lên bức tranh toàn cảnh về đời sống của người Việt nửa đầu thế kỷ 20, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

* Tựa đề sách rất quan trọng và ấn tượng: Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam, xin ông lý giải cụm từ này?

- Có nhiều họa sĩ vẽ đẹp, nhưng không có nhiều nghệ sĩ là tấm gương phản chiếu xã hội, hai việc đó cũng khác nhau. Thời kỳ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và chín năm kháng chiến chống Pháp, chúng ta chưa phát hiện được nghệ sĩ nào bao quát đời sống xã hội sâu sắc đến như thế, còn rõ hơn cả những tác phẩm văn học mà tôi được đọc, có thể đây là cảm giác của những người làm mỹ thuật chúng tôi.

Nhưng qua những gì ông Vân vẽ, tôi thấy được thân phận của con người, đặc biệt là người nông dân trong cuộc chiến. Tôi có đọc loạt bài của Lênin viết về Tolstoy với nhan đề “Tolstoy - tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Tôi nghĩ là ở Việt Nam, Tô Ngọc Vân cũng làm được như vậy.

* Trong từng bức ký họa chi tiết đều có những dòng nhận xét khá cụ thể, đó là ý kiến của cá nhân ông hay là một tập thể? Ông có sự giúp đỡ nào của các đồng nghiệp không?

- Để tiến hành cuốn sách, trước tiên tôi nhờ hai bạn trẻ là Nguyễn Hoàng Yến và Phan Tường Linh đến nhà họa sĩ Tô Ngọc Thành ghi chép bất kỳ tư liệu nào mà ông Thành có thể kể được, trước tiên là giải thích những gì ông Vân vẽ. 

Ngoài cung cấp ít nhiều thông tin, ông Thành cho tôi xem rất nhiều tư liệu, ghi chép, thư từ, nhật ký, bản kiểm thảo, giấy công tác, giấy quyết định của chính ông Tô Ngọc Vân giữ và viết. Đây đều là tài liệu gốc đáng quý từ chính họa sĩ - là người rất có ý thức về cá nhân mình.

Tôi còn đi hỏi vài người từng biết Tô Ngọc Vân như họa sĩ Mai Long, học trò ông Vân trong khóa kháng chiến, nhà văn Nguyên Ngọc về Đại hội văn hóa văn nghệ Việt Bắc năm 1948, ông Lại Nguyên Ân về văn bản học, hỏi nhà lịch sử quân sự Hồ Sơn Đài về những đơn vị bộ đội ông Vân đến vẽ...

Những tham khảo này không nhiều lắm, vì câu chuyện ông Vân đã qua lâu rồi, vài người có gợi ý tôi nên hỏi nhà văn Tô Hoài và nhà văn Vũ Tú Nam nhưng tôi không làm, vì nghĩ thôi tự mình tìm những dấu vết của ông Tô Ngọc Vân cũng được. Tôi dành thời gian tìm lại những địa điểm mà ông Vân di chuyển trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt ở Thái Nguyên và Phú Thọ.

Công trình Tô Ngọc Vân 421 trang, trong đó ông đã loại bỏ 28 bức ký họa mà theo cá nhân ông thiếu độ xác tín rằng của họa sĩ.

- 28 ký họa, tôi không tin chắc rằng ông Vân đã vẽ nên loại bỏ không in vào sách, vì chất lượng vẽ rất thấp, chỉ na ná giống ông Vân vẽ. Nhà sưu tập cũng nhất trí với tôi việc này. Còn một số bức khác tôi chấp nhận theo kiểu người phương Tây làm là nghi vấn nhưng có thể tham khảo về họa sĩ và đề là Artist Studio, tức là bức họa đó xuất phát từ xưởng vẽ của họa sĩ nhưng không khẳng định do chính họa sĩ vẽ ra, nhưng có giá trị tham khảo vấn đề xã hội từ đó.

Để làm được điều đó, tôi nghiên cứu rất kỹ phong cách và bút pháp của Tô Ngọc Vân, tìm ra được những đặc điểm riêng mà chỉ chính ông làm được.

Nông thôn Minh Cầu, năm 1952. Bút sắt và bút chì trên giấy

Ký họa các dáng chiến sĩ trung đoàn Thủ đô. Khoảng những năm 1949. Bút sắt trên giấy

Phác thảo thiếu nữ, khoảng những năm 1939-1942. Bút sắt và bút chì trên giấy

 Một khám phá đầy trách nhiệm

Danh họa Tô Ngọc Vân là một tài năng lớn. Đã có quá nhiều nhà nghiên cứu khai thác về ông nhưng chỉ qua Phan Cẩm Thượng, với kiến thức uyên thâm, sự làm việc cần mẫn, nghiêm túc và khoa học, thì con người và sự nghiệp của danh họa Tô Ngọc Vân mới được giải mã một cách chuẩn xác nhất.

Tôi từng nghĩ mình đã hiểu về Tô Ngọc Vân, nhưng khi đọc và xem xong tập nghiên cứu của Phan Cẩm Thượng, tôi mới vỡ và hiểu thêm nhiều điều bổ ích khác. Công trình này là một sự khám phá đầy trách nhiệm. Mọi vấn đề phức tạp được Phan Cẩm Thượng trình bày một cách hết sức giản dị, chính xác, khoa học và dễ hiểu. Tập sách là một công trình nghiên cứu có giá trị cao, bổ ích và lý thú!

(Họa sĩ Thành Chương nhận định về cuốn sách "Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954")

Hoàn thành sách, chỉ thấy buồn

* Công trình này tiến hành trong hai năm, lại hai lần sang tận Thái Lan để trực tiếp thẩm tra từng trang tài liệu gốc của họa sĩ Tô Ngọc Thành. Theo tôi đây là một công trình lớn. Vậy chủ quan, nếu ở tầm nghiên cứu, Nhà nước phải chi phí khoảng bao nhiêu ở các công trình tương tự, và cá nhân ông thực tế được trang trải bao nhiêu để dành cho công trình này?

- Tôi không giấu gì việc này. Tôi chỉ có thể đi hai lần sang Bangkok để xem tư liệu, lần đầu để làm sách, lần cuối để đối chiếu xem mình có sai gì không, các chi phí cho chuyến đi nằm trong tiền nhà sưu tập trả một lần nên đi nhiều thì tự tốn thôi. Ông Tira trả cho chi phí biên soạn sách là 9.000 USD, tức khoảng 180 triệu đồng.

Chia ra cho hai năm làm việc, đi lại, tư liệu, coi như tôi nhận lương 10 triệu đồng/tháng để làm việc. Số tiền đó hoàn toàn hết sau khi cuốn sách in xong. Nhưng tôi thấy việc làm của ông Tira là vì nền văn hóa Việt Nam, Tô Ngọc Vân cũng xứng đáng như vậy, nên tôi không thấy thiệt thòi gì cả vì mình cũng đã làm được một việc tốt.

Tôi có hai lần được Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam cho 10 triệu đồng và hai lần của Hội Mỹ thuật cho 5 triệu đồng. Tổng cộng là 30 triệu cho cả 30 năm nghiên cứu, ngoài những đồng nhuận bút ít ỏi, nên số tiền của ông Tira với tôi là quá lớn rồi. Tôi không biết Nhà nước đầu tư cho các công trình nghiên cứu là bao nhiêu. Với số công trình tôi đã xuất bản mà không có đầu tư gì, tôi nghĩ đã được trời và tổ tiên thương rồi.

* Cuốn sách, một công trình đồ sộ về Tô Ngọc Vân, đã ra đời, nhưng tác động của nó như thế nào? Có ai quan tâm tới nó không?

- Sách in ra phần lớn thuộc về ông Tira, ngoài biếu một ít ở buổi giới thiệu, nhà xuất bản chỉ nhận 100 cuốn để bán, giá hơn 1 triệu đồng, cũng ít ai muốn mua. Có nhiều người biết, nhưng thật sự quan tâm, tôi nghĩ không nhiều. Báo chí, truyền hình cũng đưa tin giới thiệu rất trang trọng, nhưng rồi cũng như mọi chuyện khác thôi. Văn hóa chưa thật sự có được quan tâm theo chiều sâu và tâm hồn. Tôi không chắc Bộ Văn hóa, hội mỹ thuật, trường mỹ thuật biết có cuốn sách này.

* Ông suy nghĩ thế nào nếu như một nền hội họa với những người như Tô Ngọc Vân lại được người nước ngoài, những nhà sưu tập tranh nước ngoài quan tâm nhiều hơn trong nước?

- Trong họp báo, tôi nói khi sách hoàn thành tôi không thấy vui mà chỉ thấy buồn. Gọi là một danh họa mà tất cả sưu tập, xuất bản sách, gìn giữ đều do một người nước ngoài, trong khi trong nước ít ai quan tâm. Việc bộ ký họa đó của Tô Ngọc Vân ra nước ngoài là điều đáng tiếc với văn hóa Việt Nam - một kho tàng giàu có đang trở nên trống rỗng. Phải chăng đời sống văn hóa đang xuống cấp hiện nay vì cái kho trống rỗng này.

* Sau Tô Ngọc Vân, ông có dự kiến nghiên cứu ai nữa trong phạm vi nghiên cứu và phê bình hội họa?

- Nếu có người đặt viết sách như ông Tira, tôi vẫn có thể làm, còn để tự nhiên thì tôi dường như không còn khả năng (kinh tế) nữa. Tôi sẽ viết một vài cuốn cuối cùng về đời sống thôi, giống như cuốn Văn minh vật chất của người Việt, vì tư liệu được chuẩn bị từ lâu rồi.

* Xin cảm ơn ông.

                                                  
                   
               

Thư của Tô Ngọc Vân gửi Matisse và Picasso

Trong tài liệu mà họa sĩ Tô Ngọc Vân để lại có hai bản thư nháp gửi danh họa Matisse và Picasso viết ngày 27-5-1951.

Kính gửi Họa sư Matisse

Tôi viết cho họa sư lá thư này ở một khu rừng rậm, chung quanh là những dẫy núi cao hiểm trở. Bên cạnh tôi mấy tấm chuyền bản in mầu một số tác phẩm của họa sư. Những chuyền bản này, khi tôi rời thủ đô Hà Nội, bị giặc tạm chiếm trở lại, tôi đã mang theo năm năm nay trong gói hành lý nhỏ của cuộc đời kháng chiến.

Lúc tôi mới vào học nghề họa năm 1926 ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm của các ông trong hàng ngũ mỹ thuật tân tạo (art modern), một số chúng tôi cảm thấy trong đó vẻ gì làm chúng tôi gần các ông lạ. Và xa lắc chúng tôi, những giáo viên người Pháp kiểu hàn lâm hồi đó có nhiệm vụ huấn luyện tại trường. Phải chăng cái vẻ ôn hòa, đầm ấm, thảnh thơi tiết ra ở mầu sắc của ông, của Marque, của Bonnard? Hay cái nhìn giản dị, hiền lành âu yếm của những tác phẩm ấy?

Ngày nay tôi được biết các ông cũng có nhiều người tranh đấu cho hòa bình, chống bọn thực dân xâm lăng, chúng tôi lại hiểu thêm tại sao chúng ta gần nhau đến thế...

...Hồi bọn Nazis Đức chiếm đóng nước Pháp, các ông tổ chức công việc họa thế nào? Những kinh nghiệm của các ông, nếu chúng tôi được biết sẽ giúp ích chúng tôi lắm.

...Chúng tôi theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau, tin tưởng chờ ngày toàn thắng. Những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức ký hình (croquis). Ngoài ra, anh em có làm một số tranh có tính chất xây dựng, nhưng chẳng là bao. Năm nay tôi hi vọng làm việc hơn nhiều. Một thời gian ngắn nữa, chúng tôi mong có sản phẩm để gửi sang các ông, trông ở các ông lời phê bình thành thực.

Ngoài tranh sơn dầu, chúng tôi đang cùng nhau cải tiến kỹ thuật sơn mài (laque), cái thứ sơn mà Dumand ở Paris dùng làm tranh trang trí, nhưng chúng tôi lại hướng nó về phía khác, phía hội họa. Sơn mài có một chất phẩm (matière) phong phú lạ kỳ, ông ạ! Giá chúng tôi được gần ông lúc này nhỉ, để ông thấy sơn mài và góp ý kiến chúng tôi...

Kính gửi Họa sư Picasso

Nhân có bạn chúng tôi sang dự Festival de Berlin, tôi trân trọng gửi lời chào họa sư. Họa sư là một người anh cả trong nghề họa, đã xây dựng hội họa Âu châu hiện đại, họa sư lại còn là người anh cả chúng tôi đứng vào hàng ngũ dân chủ để tranh đấu cho hòa bình tự do của nhân loại! Họa sĩ đã làm vinh dự cho giới họa.

Chúng tôi nghĩ rằng con người có được tự do thời người nghệ sĩ trong con người ấy mới được phát triển đầy đủ và xứng đáng. Bởi vậy bị ép nén dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, hội họa Việt Nam đã không có cơ tiến bộ. Bởi vậy những người văn nghệ chúng tôi, cùng toàn dân Việt Nam, quyết đứng dậy đuổi bọn thực dân ra khỏi nước Việt Nam, đuổi đến kỳ cùng.

Họa sư có thể ngờ rằng đã có lần bọn cai trị Pháp cấm chúng tôi triển lãm ở Hà Nội (năm 1941 thì phải), mà đề tài tranh lúc ấy chỉ là tranh đàn bà, hoa quả, phong cảnh. Thật là lố bịch. Chúng tưởng có thể kéo dài sự chà đạp ấy mãi.

Ngày nay chúng tôi không chịu thế nữa. Thế giới lành mạnh cũng không để như thế nữa. Những người văn nghệ có uy tín thế giới như họa sư cũng không muốn nhìn thấy những cảnh ấy nữa. Thì những bọn thực dân ở Pháp hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ phải tiêu diệt. Lúc ấy, cái vườn tinh hoa hội họa sẽ tươi nở khắp nơi”...

Những công trình quan trọng của nhà nghiên cứu văn hóa và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng:

+ Sách khảo cứu văn hóa: Văn minh vật chất của người Việt - Nhà xuất bản Tri Thức 2011.

+ Sách khảo cứu hội họa:

1- Những tác phẩm vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại (đồng tác giả cùng Nguyễn Anh Tuấn) - Nhà xuất bản Mỹ Thuật 2010.

2- Tôn Đức Lượng ký họa lịch sử - Nhà xuất bản Mỹ Thuật 2012.

3- Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954 - Nhà xuất bản Tri Thức 2014.

 

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận