Mối nguy được báo trước

HẢI MINH 06/06/2017 19:06 GMT+7

TTCT- Mối đe dọa về khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lan sang Đông Nam Á đã được nhắc tới từ sớm, không lâu sau khi IS tuyên bố thành lập nhà nước ở Syria và Iraq năm 2013, nhưng những nỗ lực ngăn chặn là không đủ.

Phiến quân Maute chiến đấu dưới lá cờ IS -YouTube
Phiến quân Maute chiến đấu dưới lá cờ IS -Ảnh: YouTube

Tuần rồi, cả thế giới và khu vực Đông Nam Á chấn động trước tin tức các lực lượng vũ trang có liên hệ với IS đã chiếm đóng nguyên cả thành phố Marawi hơn 200.000 dân ở miền nam Philippines.

Sự cố đã khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải vội vàng bỏ dở chuyến thăm Nga, đồng thời tuyên bố thiết quân luật cả miền nam Philippines.

Quân đội Philippines đã bao vây Marawi, chiến sự diễn ra ác liệt sau khi lực lượng sở tại gặp bất ngờ trước nhóm 100 tay súng Hồi giáo Maute và lực lượng của Isnilon Hapilon - người đứng đầu nhóm phiến quân Abu Sayyaf trước đó đã tuyên bố trung thành với IS.

Chấm dứt ảo tưởng

IS giờ đã thực sự hiện diện ở Đông Nam Á, và các quốc gia trong khu vực giờ phải thừa nhận điều đó, nếu muốn đối phó hiệu quả, trang tin Philippines Rappler dẫn lời nhà phân tích về khủng bố Rohan Gunaratna.

Ông cũng cho rằng Philippines giờ là “tâm điểm” của IS ở khu vực. “Đã tới lúc chúng ta phải xem xét mối đe dọa này cực kỳ nghiêm túc” - ông Gunaratna, người đứng đầu Trung tâm quốc tế về bạo lực chính trị và nghiên cứu khủng bố ở Singapore, nói.

Trước đó, đã nổ ra tranh luận khi một số quan chức Philippines yêu cầu truyền thông không gọi nhóm Hồi giáo vũ trang Maute là ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, một tên gọi khác của IS) vì “nếu gọi là ISIS thì có nghĩa là đang giúp họ tuyên truyền”.

Nhưng Gunaratna tin rằng qua việc tuyên bố trung thành với IS, nhóm Hồi giáo Maute không còn là Maute hay MILF (Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro) nữa.

Họ là IS, hoạt động như IS, đã đổi tên, và ta cũng phải gọi tên họ đúng như thế”. Ông Gunaratna cho rằng sẽ là sai lầm nếu cứ bấu víu lấy ảo tưởng không có IS ở Philippines, hay Đông Nam Á.

Những người nói như thế không hiểu rằng để IS hiện diện, những người Ả Rập, Iraq, hay Syria không cần phải tới Philippines từ Syria hay Trung Đông.

Đơn giản là các nhóm địa phương đã đón nhận ý thức hệ và phương pháp của IS - Gunaratna phân tích - Nếu chúng ta né tránh sự thật đó và cho rằng truyền thông làm to chuyện, và các thành phố rơi vào tay bọn khủng bố, lực lượng an ninh bị sát hại, người theo tôn giáo khác bị giết, thường dân bị hành hình, đó sẽ là một sai lầm lớn”.

Việc lựa chọn thời điểm của vụ tấn công ở Marawi vừa rồi của nhóm Maute cũng cho thấy tính chất “toàn cầu hóa” của ý thức hệ IS: thành phố bị chiếm giữ hai ngày trước lễ Ramadan năm nay (27-5), mùa lễ quan trọng nhất với người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Ngoài ra, không chỉ là ý thức hệ và mô hình tổ chức, những tay súng IS thứ thiệt cũng đã có mặt tại Đông Nam Á, chứ không phải chỉ các nhóm địa phương. Đó là những kẻ đã được chiêu mộ để trực tiếp cầm súng ở Syria và Iraq, nay quay về nước.

Ngày 25-5, tại Canberra (Úc), Tổng chưởng lý George Brandis đã xác nhận một hội nghị an ninh khu vực sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới để tập trung riêng cho vấn đề đó, với sự tham gia của Úc, Indonesia, Malaysia, Philippines và New Zealand.

Chúng tôi sẽ tập trung trước hết vào việc xử lý các tay súng nay trở về nhà - ABC News dẫn lời ông Brandis nói trước một ủy ban Thượng viện Úc - Đó là vấn đề đáng ngại nhất hiện nay với các chính quyền và bộ trưởng phụ trách an ninh trong khu vực”.

ABC News dẫn lời các quan chức an ninh nói hàng trăm tay súng như thế đã trở về các nước Đông Nam Á sau khi chiến đấu ở Syria và Iraq.

Chiến lược IS

Sự chuyển biến về mặt tổ chức do những tay súng đó mang về là rất rõ ràng. Nếu trước kia các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Philippines hoạt động kiểu du kích, chủ yếu nhắm vào việc bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, gây rối trị an và tấn công nhỏ lẻ, thì nay là các chiến dịch có tổ chức, với mục tiêu chiếm đóng và kiểm soát lãnh thổ, tất cả đều dưới ngọn cờ jihad lập nên một nhà nước Hồi giáo toàn cầu.

Tháng 6-2016, IS công bố một đoạn video trong đó Hapilon tuyên bố sự trung thành của Abu Sayyaf với IS.

Trang tin A’maaq - cơ quan tuyên truyền của IS - nói họ nhận được sự ủng hộ của 10 nhóm Hồi giáo vũ trang khác nhỏ hơn ở 6 khu vực khắp Mindanao.

Kể từ sau đó, sự thay đổi chiến thuật của những nhóm này là rất rõ ràng. Tháng 11-2016, nhóm Maute cắm một lá cờ đen của IS ngay trước tòa thị chính Butig, tỉnh Lanao del Sur, chiếm giữ thị trấn gần 20.000 dân này trong 6 ngày, trước khi bị quân đội Philippines đẩy lui.

Đó là một mối quan hệ thực sự mang tính hai chiều. IS gọi các tay súng ở Philippines là “những chiến binh của đế quốc Hồi giáo” và bằng việc nhận trách nhiệm cho những vụ tấn công ở rất xa đại bản doanh Syria và Iraq, họ có thể củng cố hình ảnh toàn cầu của mình.

Trong tạp chí Rumiyah số 8 vừa in của mình, IS đã dành nguyên một trang cho các tổ chức hải ngoại hoạt động dưới sự bảo trợ của ngọn cờ đen.

Phần thiết kế đồ họa nêu thống kê chi tiết về những chiến dịch đã được thực hiện ở Philippines, trong đó gọi thẳng những hoạt động khủng bố này là một phần của “Đế quốc Hồi giáo ở Đông Á”.

Trong những tuần qua, các tài khoản mạng xã hội được cho là gắn với IS bắt đầu nhắc tới những cụm từ Wilayah al-FilibinWilayah Asia Timur (tiếng Malay, nghĩa là “hành tỉnh Đông Á”).

Triển khai kế hoạch đó trên thực tế, những nhóm “đấu tranh” mới đã được thành lập và việc chiêu mộ các tay súng diễn ra ráo riết hơn, theo một nghiên cứu của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Singapore.

Theo đó, ngày 6-4-2017, nhóm Jama’at al-Muhajirin wa al-Ansar bi al-Filibin (JMAF) đã được thành lập, tuyên thệ trung thành trực tiếp với người đứng đầu tối cao của IS Abu Bakar al-Baghdadi.

Nghiên cứu cũng phân tích một số lý do dẫn tới sự thay đổi chiến lược này của các nhóm phiến quân Hồi giáo Philippines. Thứ nhất, họ đã mất kiên nhẫn với những cuộc hòa đàm bế tắc với chính quyền.

Thứ hai, có quan ngại cho rằng các nhóm vũ trang, những chính trị gia tham nhũng và quan chức chính quyền bắt tay nhau nhằm bảo trợ những hoạt động buôn bán ma túy, một nguồn lợi rất lớn và quen thuộc với IS ở Syria, Iraq cũng như những nơi khác, chẳng hạn tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria.

Cuộc chiến chống ma túy quyết liệt của Tổng thống Duterte đã đụng chạm tới nguồn lợi ích đó, các nhóm vũ trang trong vùng đã phản ứng bằng bạo lực.

Mindanao từ lâu đã là “trung tâm điều phối” của các hoạt động khủng bố Hồi giáo cực đoan trong khu vực, nay mang màu sắc quốc tế hóa hơn nhiều với những tay súng mới từ Malaysia và Indonesia, thậm chí là tận Morocco.

Mở rộng địa bàn

Đích nhắm tiếp theo của IS rất có thể là Indonesia, nơi những luận điệu Hồi giáo mang tính chất cực đoan đang có vẻ thắng thế. Tuần trước, hai thanh niên 20 và 23 tuổi đã bị đánh roi công khai trước một đám đông reo hò phấn khích vì hai người này bị buộc tội có quan hệ đồng tính.

Trước đó nữa, thị trưởng Jakarta theo Thiên Chúa giáo đã bị tuyên 2 năm tù giam vì tội phỉ báng kinh Koran.

Những mối đe dọa tại Indonesia đến từ các nhóm như Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một mạng lưới khoảng 20 tổ chức cực đoan được thành lập năm 2015 tuyên thệ trung thành với Abu Bakr Al Baghdadi.

Các thành viên JAD được cho là có liên lạc với Bahrun Naim, một người Indonesia từng chiến đấu cho IS ở Syria. JAD cũng bị cho là đứng sau nhiều âm mưu tấn công khủng bố ở Indonesia, bao gồm vụ năm 2016 tại trung tâm Jakarta làm 4 thường dân và 4 kẻ tấn công thiệt mạng.

Tháng 3 vừa rồi, cảnh sát Indonesia cũng đã bắn chết một nghi phạm JAD trong một cuộc bố ráp. Ít nhất 6 người khác bị bắt trong vụ đó. Họ bị cáo buộc chuẩn bị lập một trại huấn luyện jihad ở đông Indonesia và bị nghi ngờ có liên hệ với Abu Sayyaf.

An ninh Indonesia không xa lạ với những vụ việc như thế, khi từ những năm 1980, nhiều tay súng người nước này đã sang chiến đấu với lực lượng Hồi giáo ở Afghanistan chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô, rồi sau đó quay về tham gia các tổ chức khủng bố và phiến loạn trong nước chống chế độ độc tài Suharto.

Sự phức tạp về ngôn ngữ, chủng tộc và địa lý ở khu vực Đông Nam Á hải đảo cũng như năng lực quản trị nhà nước còn yếu kém khiến vùng này trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các nhóm phiến loạn vũ trang.

Cuối năm 2016, CNN Indonesia cho biết IS đã thành lập tiểu đoàn Katibah Nusantara hoạt động ở Syria gồm toàn các tay súng tới từ Đông Nam Á.

Báo Singapore Straits Times thì dẫn lời các quan chức tình báo khu vực ước tính có từ 1.200-1.800 tay súng Đông Nam Á đã hoặc đang chiến đấu ở Syria, rất nhiều trong số đó đã trở về sau các chiến dịch truy quét quyết liệt gần đây của quân đội Chính phủ Syria và cả quân đội nước ngoài nhắm vào IS tại Trung Đông.

Một số quan chức tình báo Thái Lan cũng tin rằng IS đã tìm cách xâm nhập miền nam Hồi giáo và nhiều bất ổn của nước này để chiêu mộ các tay súng và gầy dựng căn cứ.

Trong khi đó, tháng 7-2016, chính quyền Malaysia tuyên bố các tay súng có liên hệ với IS đứng đằng sau một vụ tấn công bằng lựu đạn ở Kuala Lumpur và nhà chức trách đã phá được ít nhất 8 âm mưu khác của các phần tử vũ trang liên quan tới IS.■

Thủ lĩnh có đầu óc

Giống như IS, những kẻ đứng đầu các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á không kém phần khôn ngoan và hiệu quả. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ chỉ biết có bạo lực.

Các nhóm này đều tổ chức hoạt động tuyên truyền và chiêu mộ người mới một cách khéo léo, sử dụng thuần thục mạng xã hội và cả các phương tiện truyền thông truyền thống.

Anh em nhà Omarkhayan Romato và Abdullah Maute, thủ lĩnh của nhóm Maute đặt theo tên họ chẳng hạn, đều rất lịch duyệt trong thế giới Hồi giáo. Họ được đào tạo ở những trường thần học Hồi giáo uy tín nhất tại Ai Cập và Jordan.

Omarkhayan kết hôn với một phụ nữ người Indonesia, con gái của một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng, cả hai từng có nhiều năm sinh sống ở Ai Cập, Jordan, UAE, Syria...

Hapilon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf, sinh năm 1966, thông thạo tiếng Ả Rập, là một người giảng đạo có bằng kỹ sư dân dụng của Đại học Philippines. Tài tổ chức của Hapilon được thể hiện qua vụ bắt cóc 20 con tin ở một khu nghỉ dưỡng tại Philippines năm 2001, trong đó có 3 công dân Mỹ.

Năm 2002, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa Hapilon vào danh sách “những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất”, kèm khoản tiền thưởng 5 triệu USD, nhưng tới nay Hapilon vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận