Mitt Romney sẽ thách đấu ông Obama

DANH ĐỨC 07/08/2012 22:08 GMT+7

TTCT - Trên trang web mittromney.com sáng 30-7-2012 chạy dài dòng chữ “Còn 100 ngày thì tới bầu cử” kêu gọi đóng góp vào quỹ tranh cử cho người đang sắp được Đảng Cộng hòa chính thức đề cử làm ứng viên tổng thống.

Một khẩu hiệu khác (“Nước Mỹ do chúng ta dựng nên”) góp phần bổ sung cho khẩu hiệu chính thức “Romney tin vào nước Mỹ”.

Phóng to

Khẩu hiệu kêu gọi ủng hộ ứng viên Mitt Romney

Có thể giả đoán rằng chuẩn ứng viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney đang muốn đưa các cử tri tương lai của ông vào một liệu pháp tâm lý nhằm khôi phục niềm tin vào nước Mỹ đại cường sau hơn một thập niên suy thoái cả về kinh tế, tài chính lẫn quốc phòng.

Hứa hẹn khôi phục đó trái với khẩu hiệu “Chúng ta có thể thay đổi” của ông Obama trong nỗ lực giải cứu ngân sách liên bang khỏi mọi tai họa trong tám năm dưới trào tổng thống Bush, khi những lợi ích nhóm của giới tài chính, ngân hàng đã nuôi dưỡng một thị trường địa ốc ngày càng căng như bong bóng và một thị trường thế chấp quá dễ dãi. Tất nhiên khi vận động tranh cử, để tự lăngxê mình, không gì bằng ra sức chứng minh rằng ông Obama đang thất bại.

Những việc cần làm ngay

“Chúng ta có một trách nhiệm đạo đức là đừng tiêu pha nhiều hơn số tiền thu vào” - ông Mitt Romney

Từ lâu rồi thế giới đã bước vào kỷ nguyên “trong thời gian thực” của thời đại kỹ thuật số, nên trên chính trường thế giới những hứa hẹn tranh cử không còn ở thì tương lai xa vời hoặc đi giật lùi phi thời gian mà là ở thì tương lai gần, thậm chí thật gần. Các kế hoạch không còn là “phải như thế này, phải như thế nọ...” chung chung, mà là “sẽ làm cái này, làm cái nọ...” cụ thể.

Cũng giống như ứng viên tổng thống Pháp đã đắc cử François Hollande vận động tranh cử bằng một chương trình gồm 50 đề án sẽ thực hiện ngay, chuẩn ứng viên Romney của Đảng Cộng hòa cũng đề ra một chương trình thật sớm sủa gọi là “Ngày đầu (nhậm chức), công việc đầu tiên” (Day one, job one) (1).

Theo đó, ngay khi bước vào Nhà Trắng, “tân tổng thống” Romney, nếu đắc cử, sẽ ký ngay năm sắc lệnh về việc bảo vệ tính cạnh tranh của nước Mỹ bằng cách hạ thuế lợi tức xuống còn 25%; về việc tăng cường quyền hạn của tổng thống trong các đàm phán mở cửa các thị trường (bị xem là còn đóng cửa); về an ninh năng lượng, theo đó chính quyền liên bang sẽ cùng các công ty năng lượng tổng kiểm kê mọi tài nguyên dự trữ nhằm khởi sự đưa vào cho thuê khai thác ngay; về chính sách tái đào tạo, chương trình nào liên bang củng cố và duy trì, chương trình nào trả về các bang và cuối cùng là sắc lệnh cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang 5%.

Cũng trong “ngày đầu nhậm chức” đó, ông Romney sẽ ký ngay năm chỉ thị chấm dứt chính sách bảo hiểm y tế đại chúng của trào Obama, lệnh cho bộ trưởng y tế cùng các cơ quan liên bang liên quan giao trả lại cho chính quyền bang quyền tự chủ về chính sách y tế sao cho thích hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi bang. Kế đến là chỉ thị cắt mọi chi tiêu “gánh nặng phụ trội” mới được đẻ ra dưới trào Obama, tỉ như kinh phí tạo công ăn việc làm bổ sung. Cùng ngày, ông Romney sẽ lệnh cho Bộ Nội vụ Mỹ thực thi một quy trình nhanh chóng cấp phép khoan khai thác các khu vực tồn trữ năng lượng đã được phê duyệt song vẫn được “để dành”, nhằm tăng sản lượng năng lượng nội địa.

“Tân tổng thống” Romney cũng sẽ hủy ngay mọi sắc lệnh mà ông Obama đã ký nghiêng về lợi ích người lao động tham gia nghiệp đoàn, kể cả sắc lệnh khuyến khích sử dụng công nhân tham gia nghiệp đoàn vào các dự án xây dựng liên bang. Và cuối cùng là ra lệnh trừng phạt Trung Quốc vì những hành vi thương mại không sòng phẳng.

Tất cả những biện pháp đó đều quy về một mục tiêu, theo ông Mitt Romney, là tạo công việc làm mới. Hoàn toàn khác với đường hướng mà ông Obama đeo đuổi từ hơn ba năm qua và bày tỏ trong thông điệp liên bang đầu năm nay với những loan báo hể hả về một đạo luật bảo hiểm y tế cho đại chúng cùng những chi tiêu ngân sách liên bang nhằm cung cấp công ăn việc làm.

Tằn tiện ngân sách

Cho dù có đồng ý hay không đồng ý với những chủ trương của ứng viên Romney, hay ngược lại vẫn tán đồng với các chính sách duy xã hội của đương kim Tổng thống Obama, tỉ như chính sách bảo hiểm y tế đại chúng hay chính sách tạo công ăn việc làm bằng những dự án xây dựng liên bang (đường sá...), vẫn thấy trong chính những kêu gào của ứng viên Romney một chân lý đang là “mệnh lệnh toàn cầu”: đó là yêu cầu cắt giảm chi tiêu ngân sách.

Tất nhiên, là “người đến sau” thật dễ chỉ trích kẻ đi trước. Ông Romney nói: “Tổng thống Obama thừa kế một ngân sách bất quân bình, song ông ta lại càng làm ngân sách thâm thủng tệ hơn nữa. Nhiều người nay đặt câu hỏi liệu chúng ta có thể quay về với một tài khóa lành mạnh hay không, chớ đừng nói là một tài khóa vững vàng. Chúng ta đang đến gần thảm họa thâm thủng ngân sách vốn kéo dài cả chục năm qua dẫn đến việc chi cho các chi tiêu then chốt và tiền lãi vượt quá khả năng chúng ta, trong khi nền kinh tế lại thiếu vốn cần thiết để tăng trưởng”.

Cái “chân lý” mà chuẩn ứng viên Romney đang ra sức tả oán (ông Obama “đổ vỏ ốc” cho ông Bush) cũng là điều mà vô số chính phủ khác, nhất là khối đồng euro, đang phải trả giá cho các chính phủ tiền nhiệm đã vung tay quá trán: khi nợ ngập đầu thì trả nợ và lãi cũng đủ chết, lấy đâu ra tiền chi cho những khoản chi thông thường song tối cần thiết?

Cứng rắn ở Đông Á

“Đổ vỏ ốc” cho ông Bush về mặt kinh tế - tài chính chưa đủ, ông Obama còn phải giải quyết hậu quả chính sách “cuộc chiến chống khủng bố” của ông Bush để rồi sa lầy ở Iraq và Afghanistan. Chuẩn ứng viên Romney cho thấy chính sách “đổ vỏ ốc” của ông tại Đông Á sẽ quyết liệt như thế nào: “Vào lúc tiềm năng xung đột với một Trung Quốc chuyên chế có thể ngày càng dâng cao khi sức mạnh của Trung Quốc không ngừng tăng trưởng, nước Mỹ phải đeo đuổi những chính sách nhằm khuyến khích Trung Quốc đi theo một con đường bớt xảy ra xung đột hơn.

Cần chiêu dụ Trung Quốc đừng tìm cách đe dọa hay thống trị các nước láng giềng. Mitt Romney này sẽ thiết lập một chính sách khiến cho con đường bành bá khu vực của Trung Quốc phải tốn kém hơn là con đường trở thành một đối tác có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế” (2). Có thể ngờ rằng trong giai đoạn chuẩn bị vận động tranh cử này, ông Mitt Romney còn phải “nổ” hơn nữa để cạnh tranh với ông Barack Obama trong việc “tái cân bằng sức mạnh” tại châu Á.

Có thể cựu thống đốc bang Massachussets, xuất thân là thầy truyền đạo trước khi quay trở lại học đại học, có cách suy nghĩ và ăn nói của thế hệ “lão trượng” (65 tuổi trở lên) ở Mỹ, khác với thế hệ của Tổng thống Obama, nên đôi khi khó nghe. Như mới đây tại London, cậy mình từng tổ chức Olympic mùa đông ở Salt Lake City (Mỹ) nên ông Mitt Romney lên tiếng bình phẩm công tác tổ chức Olympic của người Anh, khiến Thủ tướng Anh David Cameron phải cự lại: “Tổ chức Olympic ở chỗ khỉ ho cò gáy bảo sao không dễ!”.

__________

(1) http://www.mittromney.com/sites/default/files/shared/BelieveInAmerica-PlanForJobsAndEconomicGrowth-Summary.pdf.
(2)
http://www.mittromney.com/issues/china-east-asia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận