08/12/2022 09:09 GMT+7

Miền Bắc trở lạnh, nhiều người mắc bệnh hô hấp

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Thời tiết Hà Nội chuyển lạnh đột ngột, nhiệt độ giảm sâu thấp nhất dưới 14 độ C ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người cao tuổi và bệnh nhi.

Miền Bắc trở lạnh, nhiều người mắc bệnh hô hấp - Ảnh 1.

Nhiều người già đến bệnh viện khám bệnh hô hấp khi nhiệt độ hạ thấp - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp có xu hướng gia tăng.

Lạnh đột ngột, bệnh nhân gia tăng

Những ngày qua tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn... tại khoa khám bệnh lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh đường hô hấp gia tăng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tuần qua có khoảng 500 bệnh nhân đến thăm khám các bệnh liên quan đến hô hấp, trong đó 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú.

Chị Minh Anh (Hà Nội) vừa đưa con gái 2 tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết con có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, đau họng nên đã đưa con đến bệnh viện thăm khám. Qua thăm khám bác sĩ chẩn đoán con mắc viêm họng, viêm thanh quản. "Thời tiết lạnh đột ngột, mặc dù đã mặc ấm cho con, kiêng uống nước lạnh nhưng con vẫn bị viêm họng. Không biết phải làm gì để không mắc bệnh với thời tiết này", chị Anh ngán ngẩm nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến (75 tuổi, Hà Nội) vừa ngồi chờ siêu âm phổi vừa lấy tay xoa khớp gối để bớt đau. "Năm nào đến mùa đông là tôi lại viêm phế quản, xương khớp đau nhức. Trời lạnh, người già dễ nhiễm bệnh nên mấy hôm nay tôi cũng không đi tập thể dục buổi sáng nữa. Hôm qua ho nhiều nên hôm nay đến viện kiểm tra xem phổi có vấn đề gì không", ông Tiến nói.

Theo các chuyên gia, người già và trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch không ổn định. Trong thời điểm giao mùa, đặc biệt khi nhiệt độ giảm sâu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Người bệnh nền cần cẩn trọng

Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, phó trưởng khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), nhiều nghiên cứu cho thấy ánh nắng mặt trời có lợi ích giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại, trong khi đó mùa đông thì ánh nắng mặt trời hạn chế. Bởi vậy, khi thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút phát triển, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

"Khi thời tiết trở lạnh có thể gặp vấn đề về cả đường hô hấp trên và hô hấp dưới như viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi...

Ngoài các bệnh lý hô hấp, người bệnh có thể gặp các bệnh lý về tim mạch, huyết áp tăng, nguy cơ tai biến mạch máu não... đặc biệt đối với người cao tuổi, người có bệnh lý nền", bác sĩ Đào thông tin.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay đối với những người mắc các bệnh như suy thận mãn, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư... ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh lý nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng nên dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi bị nhiễm vi rút, cơ thể không đủ sức chống lại, khiến bệnh tình diễn biến nặng hơn.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tiến cũng lưu ý với những người có bệnh lý nền, cần duy trì điều trị thường xuyên, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

"Tuyệt đối, không nên vì ngại thời tiết lạnh mà làm gián đoạn việc điều trị. Không tái khám định kỳ hay sử dụng lại đơn thuốc cũ dẫn đến khó khăn trong việc điều trị.

Người già cũng cần chú ý thói quen ăn uống, tập thể dục. Trong đó, chú ý không tập thể dục ngoài trời khi nhiệt độ giảm sâu. Có thể tập thể dục vào giờ muộn hơn, hoặc đi lại trong phòng kín để tránh nhiễm lạnh", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Giữ ấm cho trẻ đúng cách, coi chừng trẻ ngạt thở

Bác sĩ Phí Xuân Thi (khoa nhi, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh) khuyến cáo cách giữ ấm cho trẻ trong ngày lạnh, cha mẹ cần chú ý giữ ấm tay, lưng, bụng, chân và cổ cho trẻ.

Cha mẹ nên mặc áo theo lớp cho trẻ để dễ dàng điều chỉnh quần áo phù hợp với nhiệt độ cơ thể trẻ.

Đảm bảo không mặc quá 4 lớp áo, nếu không trẻ sẽ cảm thấy khó cử động và bí bách, thậm chí ra mồ hôi. Tuyệt đối không ủ hay quấn trẻ quá mức bởi có thể cản trở quá trình hô hấp của trẻ.

Tránh sử dụng những chiếc khăn dài quanh cổ hoặc mặt của em bé; thay vào đó, che chắn trẻ khỏi những cơn gió nhẹ với sự trợ giúp của xe đẩy hoặc đưa trẻ vào nơi kín gió.

Cha mẹ cũng không nên sử dụng chăn dày và nặng; chăn điện hay đệm điện, máy sưởi... Đây là những đồ vật có thể khiến trẻ đối mặt nguy cơ nghẹt thở, bỏng hay mắc kẹt.

Không kiêng tắm, gội, ăn đủ chất

Nhiều người cho rằng khi sốt, mắc bệnh hô hấp kiêng tắm, kiêng ăn uống.

Bác sĩ Đào kể lại một trường hợp bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường mắc viêm hô hấp. "Khi nhập viện, bệnh nhân đã xuất hiện những vùng đỏ phía sau cổ, gáy. Với bệnh nhân đái tháo đường rất dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm ngoài da. Khi đó, vừa phải điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, vừa phải điều trị nhiễm khuẩn ngoài da.

Vì vậy, việc vệ sinh tắm rửa đối với người bệnh là vô cùng cần thiết. Đối với những trường hợp bệnh nhân hô hấp bình thường hay có sốt, sức khỏe ổn định không cần kiêng tắm gội", bác sĩ Đào nói.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên tắm trong phòng kín bằng nước ấm, không ngâm mình quá lâu, lau khô người, mặc ấm sau khi tắm gội. Bên cạnh đó, sau khi gội đầu cần sấy khô tóc, không để tóc ướt.

Ngoài ra, với những người mắc viêm họng, viêm hô hấp thường có thói quen kiêng đồ ăn có mùi tanh. Về vấn đề này, bác sĩ Đào cho rằng không cần thiết.

Người bệnh cần duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cân đối, không ăn đồ ăn quá lạnh, nên ăn đồ ấm nóng trong mùa đông. Đặc biệt là uống đủ nước để cơ thể không bị mất nước và giữ vệ sinh mũi họng bằng nước súc miệng.

Trẻ mắc bệnh hô hấp vẫn đang tăng mạnh, bệnh viện tìm nhiều cách giảm tải Trẻ mắc bệnh hô hấp vẫn đang tăng mạnh, bệnh viện tìm nhiều cách giảm tải

TTO - Bệnh hô hấp ở trẻ vẫn đang tăng mạnh tại TP.HCM. Song song nỗ lực thăm khám, điều trị cho trẻ, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều phương án để giảm tải tình trạng này.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên