15/06/2017 14:57 GMT+7

Mặc bệnh tật, hát cho đời vui

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Khi “ca sĩ” áo xanh 70 tuổi, bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng lên sân khấu cất tiếng ca, khán giả áo xanh cũng là bệnh nhân ở dưới chăm chú như bị cuốn theo.

*** Error ***
Bệnh nhân Trương Thị Quý xin được lên hát trước để về nghỉ, tối vô thuốc. Bà được tặng hoa và các tình nguyện viên tươi tắn múa minh họa phía sau - Ảnh: V.Hùng

​Không ít người đầu lưa thưa tóc do xạ trị, nhưng ánh mắt ánh lên hi vọng theo từng nốt nhạc.

Đó là hình ảnh thường thấy vào các buổi chiều tối tại sân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, buổi văn nghệ “Hát cho nhau nghe” thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hi vọng”.

Người hát lẫn người nghe đều là bệnh nhân ung thư. Các tình nguyện viên là người tổ chức những buổi ca nhạc này. Đến nay đã có gần 100 buổi “Hát cho nhau nghe” như thế ở đây.

Những ca sĩ... bệnh nhân

Khoảng 16h, khi nắng về chiều là sân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng kín người. Bệnh nhân đủ lứa tuổi tự chọn ghế ngồi. Ai yếu quá thì được tình nguyện viên dìu tới, người mệt quá có tình nguyện viên đứng kèm. Có người tiều tụy, người mệt mỏi, có người gắn ống trợ thở, nhưng khi ngồi vào ghế là người như khỏe lại.

Dàn nhạc với những loa lớn, một nhạc công và một cây organ được một nhà hảo tâm tài trợ. Sau khi tình nguyện viên hát “mồi” bài đầu, bà Trương Thị Quý (70 tuổi, Quảng Ngãi) giơ tay xin lên hát trước để... về nghỉ, tối vô thuốc.

Bà Quý, một tay để trên bụng ngăn cơn đau âm ỉ, một tay cầm micro, biểu diễn say sưa. Các tình nguyện viên tặng hoa và múa minh họa động viên bà. Bà vừa ca dứt bài là bên dưới vỗ tay rần rần.

Bà Quý tâm sự nằm ở đây ba năm điều trị u dạ dày nên là... khách quen của chương trình, cơn đau chưa một ngày ngừng nghỉ nhưng hát cho vui với đời.

“Những hoạt động này làm chúng tôi mạnh mẽ hơn và được sẻ chia, động viên kịp thời vượt qua cơn đau. Ăn uống không quan trọng nữa, nhưng món ăn tinh thần này, sự nhiệt tình, yêu thương các cháu đã truyền cho tôi niềm hi vọng chống chọi đau đớn”, bà Quý nói.

Cụ ông Mạc Văn Diệu (người Cơ Tu ở Quảng Nam) tự nhận là bệnh nhân lâu năm ở đây cũng hát liền mấy bài. Ông nói: “Được hát ngày nào vui ngày ấy, cảm ơn các cháu mỗi ngày đem đến cho người bệnh nhiều niềm vui, là liều thuốc quý để họ vượt qua nỗi sợ hãi, nỗi đau thân xác”.

Người tham gia càng lúc càng nhiều. Từ hàng ghế khán giả, nhiều người tự tin lên sân khấu hát. Những cái cười tít mắt, những tràng vỗ tay giòn giã động viên nhiệt tình giúp các bệnh nhân say sưa hát, đủ mọi giọng hát, đủ thể loại nhạc. Cửa sổ các tầng mở ra, những người bệnh nặng không dự trực tiếp được thì thò đầu ra coi.

Khi nắng tắt, điện sáng khắp bệnh viện cũng là lúc chương trình dừng lại. Có tổng cộng 15 bệnh nhân lên hát.

Nhưng chưa phải hết. Những bệnh nhân nặng không rời khỏi giường nhưng thèm nghe hát được các TNV mang đàn ghita tới hát cho nghe tận giường bệnh.

*** Error ***
Bệnh nhân say sưa xem các bệnh nhân khác hát - Ảnh: V.Hùng

Người dẫn dắt, tiếp lửa

Dự án “Một bức tranh - nhiều hi vọng” gồm nhiều chương trình: “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”; tranh tự vẽ, hình tự chụp treo tại một số khoa, phòng ở 8 bệnh viện; đấu giá ảnh, tranh gây quỹ giúp người bệnh; cho bệnh nhân mượn sách, báo; dọn dẹp vệ sinh; tặng tóc giả...

Dự án quy tụ hơn 200 tình nguyện viên hoạt động, lan tỏa ở Huế, Hà Tĩnh, Hà Nội... Anh Hồ Dương Đông - 34 tuổi, giảng viên khoa Quản lý dự án Trường đại học Bách khoa, đại học Đà Nẵng, là người khởi xướng dự án này. Cũng bắt đầu từ một nguồn cơn...

Anh Đông có người cha ròng rã chiến đấu với căn bệnh ung thư gan quái ác rồi mất sau đó. Trải qua thời gian dài chăm sóc cha, anh Đông và người thân lo lắng, bất an, suy sụp nên chàng giảng viên trẻ nghĩ đến làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau thể xác, tâm hồn cho bệnh nhân ung thư.

Anh Đông nêu ý tưởng và được gợi ý rằng nghệ thuật là một phương pháp điều trị tích cực, là liệu pháp tâm lý giúp người bệnh thư giãn, thoát suy nghĩ tiêu cực, tiếp tục đấu tranh với bệnh tật. Thế là dự án ra đời.

Để chương trình duy trì được và lan tỏa, dự án được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn của UBND quận Hải Châu rồi bệnh viện, ngành y tế và sự tài trợ của Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều đặn ở bệnh viện mang đến nơi này bầu không khí mới, lạc quan. Người bệnh vui tươi, các thầy thuốc cũng vui tươi.

Liều thuốc kỳ diệu

Anh Đinh Gia Hoàng Việt, Trưởng phòng hành chính quản trị Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cho rằng dự án đã thổi một luồng không khí tươi mát và ấm áp vào không gian bệnh viện.

Sự nhiệt tình của tình nguyện viên và các hoạt động nghệ thuật phong phú là liều thuốc tinh thần cực kỳ quan trọng cho bệnh nhân ung thư bên cạnh việc điều trị chuyên môn, đem lại động lực sống cho người bệnh.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, nói rất cảm ơn anh Đông đã cùng anh em doanh nhân xây dựng chương trình rất có ý nghĩa này, góp phần xây dựng xã hội giàu tình yêu thương.

“Dự án đã tác động rất tốt đến tâm lý cho người bệnh, giúp họ vượt qua sự đớn đau từng giờ và tạo nên hiệu ứng xã hội khi có nhiều người tự nguyện tham gia

 

Ông Lê Anh (chủ tịch UBND quận Hải Châu)
VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên