Lối thoát nào cho những dự án đắp chiếu?

LÊ THANH - NGỌC AN 17/05/2017 03:05 GMT+7

TTCT - Chính phủ đã đưa ra thông điệp khá cương quyết với việc xử lý 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ của ngành công thương. Nhưng đưa các nhà máy này hoạt động trở lại hay chờ đến lúc quyết định bán để thu hồi vốn thì chỉ còn là đống sắt vụn vẫn là chuyện đang bàn cãi.

Khung cảnh hoang tàn của dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (ảnh chụp tháng 11-2015)-Nguyễn Khánh
Khung cảnh hoang tàn của dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (ảnh chụp tháng 11-2015)-Nguyễn Khánh

 Sau câu chuyện thua lỗ đau lòng mang tên Vinalines, Vinashin, Chính phủ có hẳn nghị định về giám sát doanh nghiệp nhà nước, đã đưa ra đầy đủ các hình thức giám sát trước, sau, trong ngoài, trực tiếp và gián tiếp... Vậy mà 12 dự án nghìn tỉ đồng thua lỗ vẫn cứ xảy ra.

 Đừng đổ tiền vào 12 dự án đó nữa dù là tiền của bất cứ ai vẫn là tiền của quốc gia này. Hãy để thị trường quyết định bán mức giá nào chứ không thể áp đặt ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý.

(TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

Nhiều phương án, ít khả thi

Để có đánh giá đầy đủ về thực trạng "bệnh tật" của 12 dự án này, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, ban chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, thua lỗ nhằm đưa ra các giải pháp xử lý để sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ hoặc hạn chế tối đa thiệt hại của Nhà nước.

Về lý thuyết, đến hết năm 2017, phải tích cực xử lý để đến năm 2018, cơ bản giải quyết xong các tồn tại của các dự án. Nguyên tắc xử lý là Nhà nước không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách để xử lý, giải quyết các khó khăn của các dự án, bảo toàn tài sản của Nhà nước ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, việc xử lý từng dự án thực sự không đơn giản khi mà khoản lỗ quá lớn và việc xử lý còn phụ thuộc nhà thầu, trong đó không ít là nhà thầu Trung Quốc.

Đơn cử dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ liên tục bị lỗ trong quá trình hoạt động. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của dự án là 6.004 tỉ đồng, tổng số lỗ lũy kế là 3.459 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 7.213 tỉ đồng. Khó khăn lớn nhất của dự án là công tác quyết toán dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành do còn vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu thi công gói thầu EPC của dự án...

Cơ quan chức năng cũng đã tính đến phương án cho phá sản dự án này nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài hiện nay.

Nếu dự án này bị phá sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phải đứng ra trả ngay khoản vay đầu tư cho dự án là 224 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỉ đồng do PVN đứng ra bảo lãnh thông qua BIDV. Các cổ đông PVN sẽ mất khoản tiền đang cho dự án này vay hơn 430 tỉ đồng...

Cân nhắc thiệt hơn, một số ý kiến nghiêng về hướng xem xét tái khởi động nhà máy nếu có đủ 256 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án có tái khởi động vẫn có nguy cơ chìm trong thua lỗ... Một hướng đi khác là hợp tác với đối tác nước ngoài, sau đó sẽ thoái vốn, hoặc bán luôn dự án cho chủ đầu tư khác vào cải tổ để dự án có thể vận hành trở lại...

Đối với nhóm ba nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, để xử lý, Chính phủ đã tính đến nhiều phương án, kể cả cho phá sản, dừng sản xuất hoặc thoái vốn.

Song, với hai nhà máy ở Phú Thọ và Bình Phước, phương án chuyển nhượng vốn góp của PVN sang các cổ đông chính có thể được ưu tiên.

Hiện nay, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đang nắm 29% vốn tại dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước và gần 40% vốn tại dự án ở Phú Thọ, vì vậy việc chuyển nhượng, thoái vốn cho cổ đông chi phối sẽ giúp thu hồi vốn nhanh.

Riêng đối với dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, ưu tiên lựa chọn là bán đấu giá để xử lý thua lỗ một lần. Ông Lê Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc PVN, cho biết hiện nay tại dự án nhiên liệu sinh học ở Dung Quất, đối tác vẫn chưa hoàn thiện xong hạng mục xử lý nước thải nên chưa thể quyết toán.

Đối với nhóm nhà máy sản xuất phân đạm đều do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, nắm tỉ lệ vốn chi phối, mặc dù đều đã đi vào vận hành thương mại nhưng cũng liên tục gặp thua lỗ.

Theo Vinachem, tính đến cuối năm 2016 chỉ riêng 4 nhà máy đạm thua lỗ tới trên 3.300 tỉ đồng, đã khiến cho tập đoàn bị lỗ phát sinh 627 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, chủ tịch Vinachem, cho biết những vướng mắc với nhà thầu cũng chưa thể giải quyết theo đúng kế hoạch mà Chính phủ đặt ra. Bởi, khối lượng công việc nhiều, nội dung phức tạp nên việc xử lý phải thận trọng, dự kiến kéo dài đến hết quý 2 mới có thể đàm phán xong.

Với Nhà máy đạm Ninh Bình, giải pháp được các chuyên gia xử lý đưa ra là đề xuất sửa luật để chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; giãn trả nợ gốc thêm 5 năm, đồng thời miễn trả lãi; với Nhà máy đạm Hà Bắc cũng sẽ hỗ trợ cho vay vốn lưu động, cơ cấu và giảm lãi suất vay các khoản dư nợ, điều chỉnh giá than.

Với Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, các chuyên gia xử lý đề xuất Chính phủ xem xét, có ý kiến với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho phép kéo dài thời gian trả nợ gốc vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam thêm 24 tháng, trả nợ gốc đến năm 2020 và giữ nguyên lãi suất 3%/năm...

Nhà máy đạm Hà Bắc từng là cánh chim đầu đàn trong sản xuất phân đạm ở miền Bắc đang rơi vào thua lỗ -Ngọc An
Nhà máy đạm Hà Bắc từng là cánh chim đầu đàn trong sản xuất phân đạm ở miền Bắc đang rơi vào thua lỗ -Ảnh: Ngọc An

Ngân sách không bỏ một đồng nào

Quan điểm của Bộ Tài chính là không bỏ một đồng nào của ngân sách nhà nước. Còn hiện nay, để chọn phương án tối ưu nhất, mỗi dự án đều được tính toán cân nhắc một số hướng xử lý. Phương án nào cũng có hai mặt nhưng đều phải có điều kiện để thực hiện, như doanh nghiệp đề xuất gia hạn nợ, giảm lãi vay... thì phải được chủ nợ là ngân hàng đồng ý mới thực hiện được.

Hay muốn khôi phục dự án thì điều quan trọng nhất là phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sản phẩm phải cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại. Để dự án hiệu quả, trước tiên phải giảm được giá thành, chi phí sản xuất. Mặt khác, một số dự án đắp chiếu như dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên... được đề xuất là nên bán luôn. Nhưng phương án nào cũng phải làm rõ việc quản trị như thế nào, gắn với quản trị tài chính là dòng tiền có thu về được không, tính được chi phí giá thành là bao nhiêu? Nếu làm rõ được cái này thì sẽ chọn được phương án tốt nhất. Dự án này như là bệnh nhân, muốn chữa khỏi bệnh thì phải được bác sĩ khám, làm các xét nghiệm... để tìm nguyên nhân gây ra bệnh. Sau khi biết được nguyên nhân rồi, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị ban đầu, và sau đó thì chọn phương án điều trị tối ưu nhất. 

Ông Đặng Quyết Tiến (phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính)* 

Cấp cứu nhưng sao lại lúng túng?
“Những gì có thể được, từ cơ chế, bảo hộ sản phẩm... để tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động trở lại" - ông Dũng nói.
Tại cuộc họp đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ để xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, nêu lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy hoạt động trở lại.

Một trong những nhóm giải pháp lớn là hỗ trợ về thuế. "Các chuyên gia đang rà soát các thuế suất, nhập khẩu đối với các mặt hàng là sản phẩm và nguyên nhiên liệu của các dự án, doanh nghiệp khó khăn, thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm than, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu phân bón, thuế bảo vệ môi trường... để tìm ra phương án tối ưu.

Trên cơ sở đó sẽ có đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với cam kết quốc tế và khuyến khích, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ" - một chuyên gia cho biết.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết ngày 30-3 Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng báo cáo về việc sửa đổi một số điều liên quan đến các luật về thuế.

Trong nội dung này có nêu rõ các vấn đề về thuế liên quan đến nhà máy, dự án thua lỗ, yếu kém của của ngành công thương. Tuy nhiên, thẩm quyền sửa đổi luật là của Quốc hội nhưng trong kỳ họp tháng 5 không có nội dung này, nên các giải pháp hỗ trợ về thuế có thể lại bị tắc.

Bộ Công thương cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để hỗ trợ sản xuất trong nước theo quy định đối với các sản phẩm của các dự án.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp phân bón yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.

Các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ngãi... nơi có các dự án được chỉ đạo có chính sách hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để tái cơ cấu và giải quyết việc làm cho người lao động, lên phương án để các nhà máy hoạt động trở lại có hiệu quả.

Đánh giá các phương án đang được cơ quan quản lý nhà nước xem xét, nhiều chuyên gia cho rằng làm như vậy quá chậm và do dự là không cần thiết. Theo ông Bùi Nguyên Khoa - trưởng bộ phận vĩ mô và thị trường Công ty Chứng khoán ngân hàng đầu tư và phát triển (BSC), thông thường nhà đầu tư trên sàn chứng khoán có quan điểm ngắn hạn.

Bởi nhà đầu tư mong muốn có lợi nhuận mới mua ngay và bán ngay. “Những dự án này thời gian đầu tư lâu, vốn đầu tư quy mô lớn nên mục tiêu nhắm tới chủ yếu là những nhà đầu tư mang tính chất chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài mua vào.

Những nhà đầu tư này chờ đợi một chu kỳ kinh doanh, chu kỳ sản phẩm mới và một vài năm sau khi doanh nghiệp phục hồi lên thì họ có khả năng thu lãi” - ông Khoa nói.

Đánh giá hướng xử lý bằng các biện pháp hỗ trợ, giãn thời gian khấu hao hoặc áp dụng biện pháp chống phá giá, can thiệp bằng thuế để vực doanh nghiệp lên... một số chuyên gia cho rằng phương án này là đúng hướng và có hi vọng thu hút được nhà đầu tư. Còn việc mang ra bán trên sàn là khó khả thi. Bởi đấu giá trên thị trường hiện rất khó vì lượng cổ phiếu đấu giá rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác nhau nên rất khó để thu hút nhà đầu tư.

“Những dự án này không hiệu quả vì đầu tư kéo dài, chi phí giá thành cao... nên để phục hồi phụ thuộc nhiều vào chính sách. Những dự án này có lợi thế duy nhất là tiềm năng thị trường, quy mô thị trường, nên tạo chính sách tốt để doanh nghiệp phục hồi. Chỉ khi nào thấy triển vọng nhà đầu tư mới vào, còn không có hỗ trợ, chi phí sản xuất lại cao thì khó có thể thu hút đầu tư” - ông Bùi Nguyên Khoa đánh giá. ■

12 dự án/nhà máy của ngành công thương thuộc 6 nhóm ngành gồm sản xuất phân bón, sản xuất nhiên liệu sinh học, sản xuất thép, xơ sợi polyester, đóng tàu và sản xuất giấy. Trong số 12 dự án/nhà máy (gọi chung là dự án) đến thời điểm này thì 6 dự án đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ.

Gồm: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Nhà máy đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung.

3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn gồm dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam và dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất.

Tổng mức đầu tư của 12 dự án trên 60.000 tỉ đồng. Số lỗ lũy kế dự án trên 15.000 tỉ đồng và nợ phải trả là trên 50.000 tỉ đồng.

 

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận