04/02/2009 06:04 GMT+7

Lời Bác dặn cho mai sau

TS CHU ĐỨC TÍNH (giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) VÕ VĂN THÀNH ghi
TS CHU ĐỨC TÍNH (giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Bốn mươi năm đã qua từ ngày Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng và để lại bản Di chúc lịch sử. Hiện nay bản gốc các bút tích Di chúc của Bác đang được lưu trữ tại Văn phòng Trung ương Đảng.

8JdcGn6o.jpgPhóng to
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại công viên Thống Nhất mở đầu tết trồng cây do Người phát động (11-1-1960)

“Hiện nay thế giới nói nhiều đến vấn đề bảo vệ, thân thiện với môi trường. Từ mùa xuân năm 1960, Bác Hồ đã phát động toàn dân thực hiện Tết trồng cây “để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Trong bản Di chúc viết năm 1965, ở phần việc riêng một lần nữa Bác thể hiện tư tưởng này. Trong dịp này, chúng tôi đang cùng với các cấp có thẩm quyền đăng ký với một tổ chức bảo vệ di sản thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc, để đưa bản Di chúc cũng như nhiều tài liệu bút tích khác của Bác vào những văn bản lưu trữ học là di sản của nhân loại”.

Trong số các bản lưu trữ này có một tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam phát hành ngày 3-5-1969. Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc từ năm 1965, đến năm 1969 toàn bộ đoạn mở đầu của Di chúc đã được Bác viết lại vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt đó. Những người đã quen với phong cách tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ không cảm thấy lạ khi một vị Chủ tịch nước dùng mặt sau của một bản tin để viết Di chúc.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi đang lưu trữ nhiều bức thư của Bác, viết trong năm 1947, gửi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam. Đó là những bức thư ngắn gọn, Bác đã cắt trang giấy ra (khoảng 1/3 hoặc 1/4) để có thể viết được nhiều bức thư với mỗi phần được cắt ra từ một trang giấy trắng.

Bốn mươi năm đã qua, những lời Bác dặn trước lúc đi xa vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh đang phối hợp với Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuẩn bị tổ chức hội thảo về những giá trị lịch sử của bản Di chúc Bác Hồ. Một trong những vấn đề đầu tiên mà chúng tôi đã và đang tập trung nghiên cứu cũng là “việc cần phải làm trước tiên” mà Bác Hồ căn dặn trong phần viết thêm vào bản Di chúc tháng 5-1968. Bác dặn ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn thành thắng lợi thì “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Chiến tranh đã lùi xa, chứng kiến những thành tựu to lớn cũng như không ít yếu kém và khuyết điểm trong công cuộc xây dựng đất nước kể từ ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đến nay, mới thấy thời gian chỉ càng tôn thêm giá trị lời dặn của Bác, tầm nhìn chiến lược của Người.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong bản Di chúc đầu tiên Bác viết vào tháng 5-1965, trong một đoạn văn ngắn có 65 từ, Bác Hồ dùng đến bốn chữ “thật”. Đó là: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, vốn là thư ký riêng của Bác, nhiều năm liền Bác viết bốn chữ “thật” cho lúc bấy giờ và cho cả mai sau, khi đất nước hết chiến tranh, bước vào xây dựng. Mà có lẽ chủ yếu là Bác viết cho mai sau.

Kỷ niệm bốn mươi năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với mỗi đảng viên, mỗi người dân càng trở nên ý nghĩa. Với riêng tôi, luôn tâm niệm trong thời đại thông tin ngày nay, không có gì giấu được tai mắt của nhân dân.

TS CHU ĐỨC TÍNH (giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên