27/08/2016 11:25 GMT+7

Live show nhạc eo sèo vì khán giả thích xem... miễn phí?

CUNG TUY
CUNG TUY

TTO - Tính trong hai quý từ đầu năm 2016 đến nay, trong khoảng hơn 20 live show lớn tại hai miền thì TP.HCM chỉ vỏn vẹn có ba live show, một con số ngày càng khiêm tốn so với thời vàng son nhiều năm trước.

Ca sĩ Thu Phương diễn trong Liveshow Dòng sông lơ đãng tối 29-7 tại TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến

 

TP.HCM từng là nơi khởi phát của những chương trình ca nhạc lớn đầu tiên tại Việt Nam, từng được xem là bãi đáp vàng của thị trường biểu diễn, nhưng giờ đây xu hướng này lại thổi về phương khác. Hà Nội đã thay thế TP.HCM trở thành miền đất hứa của những hoạt động biểu diễn âm nhạc.

Lệch cân

Trong vài năm qua, công chúng thưởng thức âm nhạc tại Hà Nội no nê với rất nhiều chương trình âm nhạc luôn được đổi món liên tục. Nếu như những năm trước hương vị được bày dọn với những món ăn theo bốn mùa thì năm nay hương vị được hướng vào những câu chuyện chủ đề với gần 20 live show kín chỗ.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, xét từ những nhà hát tầm cỡ thì dường như những live show có trọng lượng vắng hẳn bóng dáng. 

Ngoài ba live show của Mạnh Quỳnh, nhạc sĩ Việt Anh, nhóm 365 mà chất lượng âm nhạc và sân khấu gần như không có gì mới mẻ thì gần như tuyệt nhiên các ngôi sao ca nhạc “bỏ bê” hẳn thị trường một thời được xem là rất phồn thịnh này.

Ngay cả live show tưởng chừng sẽ đắt khách, Đời nghệ sĩ, quy tụ nhiều ngôi sao hàng đầu, phút cuối cũng bỏ của chạy lấy người vì mãi lực bán vé sụt giảm nghiêm trọng. 

Tương tự, nhà tổ chức show rock IMME từng tuyên bố như đinh đóng cột rằng sẽ làm live show rock định kỳ hằng tháng với hơn 3.000 người tham dự.

Cuối cùng, dự án tham vọng với ý nghĩa kéo lại khán giả đến với rock của nhà tổ chức này tắt ngúm sau hai show với mỗi show bán được chưa tới... 100 vé.

Cán cân của thị trường biểu diễn rõ ràng đã lệch hẳn về phía Bắc khi sự hấp dẫn của chương trình cũng như sự tính toán của nhà tổ chức đã quyết định được sự thành bại của cả thị trường. Lý giải điều này, nhạc sĩ Quốc Trung, người đang rất thành công với chuỗi chương trình Monsoon thường niên, cho rằng:

“Cách làm thị trường của những nhà tổ chức trong Nam thiên về các show truyền hình thực tế. Những show đấy thường là miễn phí và thậm chí thuê fan đến vỗ tay. Dần dà tạo cho người xem thói quen không mua vé, không có nhu cầu được xem nghệ sĩ trình diễn, chờ đón những chương trình ca nhạc”.

Ban nhạc 365 trong live show chia tay khán giả vào cuối tháng 7-2016 - Ảnh: CUNG TUY
Ban nhạc 365 trong live show chia tay khán giả vào cuối tháng 7-2016 - Ảnh: CUNG TUY

 

Thị trường khắc nghiệt?

Thừa nhận một thực tế “cả thành phố hiện chỉ có vài phòng trà lớn nhưng rất ít chương trình đông khách”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc phòng trà Đồng Dao, cho rằng TP.HCM là một thị trường đang rất khắc nghiệt theo nghĩa là không bán được vé. 

Live show Đời nghệ sĩ công ty ông dự định tổ chức ở nhà hát Hòa Bình cách đây vài tháng đã phải hủy vào phút cuối vì quá thưa khán giả.

Trước đó, Đồng Dao thắng lớn ở Hà Nội với show Khánh Ly mà không chỉ một lần. Nhưng ở phía Nam, sau lần đầu tiên “hành quân” xuống Biên Hòa và thắng lợi rực rỡ với show Như cánh vạc bay thì ở lần hai, chỉ cách đó chưa đầy một tháng, công ty này phải hủy show ngay trước ngày diễn vì khán giả chẳng mặn mòi.

“Công chúng phía Nam nguội nhanh lắm, họ luôn tò mò và háo hức với những cái đầu tiên, còn sau đó gần như không quan tâm” - ông Sơn phân tích.

Nhiều bầu show trong Nam cho rằng bây giờ muốn thắng thì chương trình phải thật sự hấp dẫn, chịu khó đầu tư sân khấu, nội dung, như thế thì chi phí đội lên quá cao, nhiều ca sĩ tên tuổi muốn làm mà không dám “trèo”.

“Hoặc thị trường này phải có ca sĩ mới hấp dẫn nhưng chính họ lại không mặn mòi chuyện làm live show có bán vé. Họ thích đi event (sự kiện) hơn, thích biểu diễn ở show có tài trợ, nơi mà công chúng được đi xem miễn phí hơn” - ông Sơn nói thêm.

Không ít người đánh giá rằng TP.HCM đang trở thành thị trường khắc nghiệt cho live show có bán vé. Cái khắc nghiệt nhất chính là các sự kiện quảng bá nhãn hàng, các chương trình nghệ thuật miễn phí trên truyền hình.

Nhiều ca sĩ trong live show Việt Anh tại TP.HCM - Ảnh tư liệu TT

 

Khi khán giả hình thành thói quen không phải trả tiền để thưởng thức nghệ thuật thì chẳng lý do gì phải trả tiền cho những show diễn với các gương mặt nghệ sĩ như vậy. Ông Ngô Đăng Duy, CEO của TDL - công ty vừa tổ chức live show Việt Anh, cũng ngao ngán: “Bạn bè gặp tôi đều hỏi lỗ bao nhiêu chứ chẳng ai hỏi lời bao nhiêu”.

Việc các ca sĩ rủ nhau nô nức lên truyền hình đã trở thành cú đánh mạnh gần như “knock out” vào thị trường biểu diễn phía Nam. Họ không còn thời gian đầu tư cho âm nhạc, đào sâu ý tưởng mới cho công việc biểu diễn để hấp dẫn khán giả, thì đương nhiên xu hướng live show tại mảnh đất vàng một thời này sẽ phải bốc hơi đi tìm mảnh đất khác.

Chất lượng ít khác biệt

Ông Nguyễn Hải Triều, ngụ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho rằng sở dĩ thị trường ca nhạc tại TP.HCM thiếu những chương trình hay là do công chúng đang dễ dàng có cơ hội gặp gỡ thần tượng của mình hằng ngày trên tivi, hoặc nếu không thì có thể mua vé rất rẻ ở những tụ điểm ca nhạc bình dân. “Một tấm vé hơn triệu đồng với một tấm vé chỉ hơn 100.000 đồng có sự cách biệt khá lớn.

Nhưng thực tế nhiều chương trình ca nhạc lớn vợ chồng tôi đi mua vé, xem xong thấy cũng chẳng khác gì với việc ngồi xem ở phòng trà hay các tụ điểm bình dân, thậm chí thua cả ở trên tivi. Vậy có gì khác biệt? Cách đây chưa lâu, đi xem ca nhạc ở nhà hát Hòa Bình, nhiều khi tôi phải tìm vé chợ đen mới vào được, còn bây giờ đến sát giờ diễn, vé giảm gần như tối đa” - ông Triều chia sẻ.

Ca sĩ Đức Tuấn:

Công chúng làm sao rời khỏi tivi để đến nhà hát!

Có hai điều thấy rất rõ, một là rating của những game show ca nhạc đang tập trung rất nhiều ở phía Nam, trong khi đó rating của live show lại tăng đều ở phía Bắc. Cái gu của game show bây giờ, từ đài VTV cho đến đài Vĩnh Long..., đều được xây dựng theo thói quen thưởng thức của khán giả phía Nam.

Những nhà tổ chức, các nhà sản xuất đánh mạnh vào gu này trong những chương trình truyền hình cuối tuần, vào những giờ vàng đông công chúng, vậy thì làm sao lôi được khán giả phía Nam ra khỏi màn hình tivi để đến nhà hát xem ca nhạc? Cùng với đó, các công ty sản xuất đang ngày càng đối mặt với sức ép “mất sóng” vì cạnh tranh nên họ lại càng ra sức tìm chiêu trò thu hút để tăng rating.

Mà muốn thế, hàng loạt ngôi sao ca nhạc thay vì đầu tư thời gian và tiền của làm live show thì họ lên truyền hình, vừa dễ dàng mà lại được chú ý hơn. Dòng chảy này chưa thấy có dấu hiệu ngưng lại. Và một khi nó còn chảy mạnh mẽ thì thị trường biểu diễn phía Nam sẽ càng teo tóp dần.

*Bạn có tán thành ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung: “Cách làm thị trường của những nhà tổ chức trong Nam thiên về các show truyền hình thực tế. Những show đấy thường là miễn phí và thậm chí thuê fan đến vỗ tay. Dần dà tạo cho người xem thói quen không mua vé, không có nhu cầu được xem nghệ sĩ trình diễn, chờ đón những chương trình ca nhạc”. Mời bạn để lại ý kiến ở phần Bình luận bên dưới.

CUNG TUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên