Liệu có còn chỗ cho giá trị truyền thống?

HẢI MINH 04/07/2017 19:07 GMT+7

TTCT - Câu hỏi đó không phải là sự tiếc nuối quá khứ nghìn năm lều chõng và lối học hành khoa bảng, nhưng cách dạy và học kiểu Khổng - Mạnh, cùng những ảnh hưởng hữu hình và vô hình kéo dài sau đó, chắc chắn vẫn còn mạnh mẽ ở nhiều quốc gia châu Á.

Giáo dục Á Đông có những giá trị riêng cần gìn giữ -pond5.com
Giáo dục Á Đông có những giá trị riêng cần gìn giữ -pond5.com

 

Giáo dục Á Đông từng, và vẫn đang, có những giá trị riêng mang tính bản sắc, đặc biệt rõ nét ở các trình độ phổ thông, mà việc phủ nhận sạch trơn và cố gắng sao chép giống hệt mô hình phương Tây có thể khiến những thế hệ tiếp theo phải trả giá đắt.

Xung đột giá trị

Trong cuốn sách in năm 2012, Cultural Foundations of Learning: East and West (tạm dịch: Những nền tảng văn hóa của học tập: Đông và Tây), tác giả Li Jin (Lý Cẩn) - sinh ở Trung Quốc và là giáo sư Đại học Brown (Mỹ) - đã chỉ ra những khác biệt cơ bản trong tư duy học tập phương Đông và phương Tây.

Theo bà, những học trò chịu ảnh hưởng của truyền thống Khổng - Mạnh coi việc học tập là điều quan trọng nhất trong đời, là mục đích của cuộc sống; học hành giúp một người không chỉ giỏi giang hơn mà còn lương thiện hơn; học tập là cả đời; tri thức giúp ta khác biệt không tới một cách tự nhiên và hành trình tìm kiếm tri thức đó đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và tự nhận thức bản thân.

Ngược lại, các học trò phương Tây tiếp cận học vấn dựa trên các nguyên tắc: sự tò mò về thế giới bên ngoài là nguồn cảm hứng cho việc học tập; tinh thần nghi vấn liên tục với vũ trụ xung quanh ta sẽ dẫn tới những tri thức mới; khả năng tư duy của con người là vô song và khả năng tư duy duy lý sẽ dẫn dắt quá trình chúng ta tìm hiểu thế giới; từng cá nhân là một thực thể tham gia vào cuộc khám phá đó.

Ngay cả với một người am hiểu và có nền tảng tốt như giáo sư Li, những định hình giá trị giáo dục của bà ắt vẫn còn gây tranh cãi, nhưng trên cái nền đó, ta có thể hiểu được một cách cơ bản về sự khác biệt trong hai hệ thống tư duy liên quan đến việc dạy và học.

Những nhà nghiên cứu được dẫn trong cuốn sách đã tìm hiểu các mô hình học tập ở Đông Á và phương Tây và thấy những kết quả đáng kinh ngạc.

Họ thấy học trò, các bậc phụ huynh và thầy cô ở Mỹ giải thích sự thành công của trẻ nhỏ dựa trên năng lực, trong khi những người tương ứng ở châu Á dựa trên sự nỗ lực. Qua nghiên cứu của bà Li thấy rằng học sinh Đông Á luôn chăm chỉ hơn học trò phương Tây.

Một trong những khía cạnh hay được nói tới với hệ thống giáo dục phương Đông là bệnh thành tích và những kỳ thi cử cực kỳ căng thẳng, thậm chí ngay từ khi mới bắt đầu.

Sự chỉ trích nhắm vào lối khoa cử rõ ràng chịu ảnh hưởng mạnh của tư duy Khổng giáo này thì rất nhiều: nó chỉ tập trung vào giáo viên, độc đoán, khuyến khích học vẹt và bóp chết sáng tạo, gây ra bệnh thành tích, ảnh hưởng tới tâm lý trẻ...

Tuy nhiên, chuyên gia Samuel Peng được dẫn lời trong cuốn sách đã đưa ra lời giải thích hợp lý: các xã hội Đông Á nói chung mắc kẹt với hệ thống thi cử vì đó là giải pháp duy nhất cho tình huống mà các nền văn hóa Đông Á phải đối mặt.

“Người Trung Quốc coi trọng một nguyên tắc đạo đức do Khổng Tử nêu ra: sự bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người không kể xuất thân... Những kỳ thi đại trà khắc nghiệt là cách duy nhất để giải quyết vấn đề đó trong các xã hội Đông Á”.

Giáo sư Li đặt ra nhiều câu hỏi nền tảng với giáo dục phổ thông. Trẻ con phát triển lòng tin vào việc học tập ở đâu?

Liệu chúng sinh ra bẩm sinh đã thế hay đón nhận điều đó từ gia đình và nhà trường? Phụ huynh cũng như thầy cô ở phương Tây và phương Đông hành xử khác nhau.

Trong bối cảnh Đông Á, học trò ít được khen ngợi và bị đối xử nghiêm khắc hơn hẳn, điều cũng hay bị chỉ trích, nhưng giáo sư Li tin rằng cách tiếp cận đó mới thực sự tạo ra tình yêu học vấn cả đời.

Giáo sư Li thu thập dữ liệu từ các cuộc trò chuyện mẹ - con và thấy rằng cha mẹ ở phương Tây cũng muốn con phát triển tình yêu với việc học, nhưng sợ rằng nếu họ quá đòi hỏi thì điều đó cản trở sự phát triển tự nhiên của đứa trẻ.

Ngược lại, các cuộc trò chuyện mẹ - con ở Á Đông nhấn mạnh vào những giá trị như sự bền chí, chuyên cần và nỗ lực.

Trong quan niệm Khổng giáo truyền thống, tình yêu học tập là một đặc điểm mang tính đạo đức chỉ có thể đạt được thông qua sự rèn luyện liên tục bản thân suốt thời gian dài.

Ngược lại, ở Mỹ, học trò được dạy những giá trị như sự độc lập, tự lập và nỗ lực cá nhân để đạt tới những “phần thưởng” trong đời sống, như điểm số, thu nhập, địa vị xã hội...

Nhưng các xã hội châu Á, đang chuyển mình mạnh mẽ và ngày càng hướng vào các giá trị phương Tây, đang thay đổi. Các thế hệ trẻ hơn đã “thấm nhuần” nếu không phải là tư tưởng thì ít ra cũng là một lối sống kiểu phương Tây thông qua mạng xã hội, Internet, phim ảnh và rất nhiều trao đổi liên văn hóa khác.

Hoạt động mang tính kỹ năng sống gần đây được chú ý nhiều hơn ở VN . LNM
Hoạt động mang tính kỹ năng sống gần đây được chú ý nhiều hơn ở VN . LNM

 

Học ngược?

Việc nhiều nước Đông Á tìm cách áp dụng mô hình giáo dục phương Tây, cả ở quy mô nhà nước, có tính tổ chức cao, lẫn ở quy mô nhỏ hơn, ở cấp độ trường học, lẫn cá nhân, là điều đã phổ biến từ lâu.

Nhưng khi bước vào thế kỷ mới, đang xuất hiện một xu hướng ngược lại ngày càng mạnh mẽ: các nước phương Tây muốn tìm hiểu, lý giải, thậm chí áp dụng cách làm Á Đông trong giáo dục vào nền giáo dục của họ, mà họ luôn thừa nhận là đầy rẫy vấn đề.

Nghiên cứu lớn mới nhất, và cũng gây tranh cãi nhất ở Việt Nam, có lẽ là của tổ chức RISE (Nghiên cứu cải thiện các hệ thống giáo dục) tìm hiểu tại sao Việt Nam lại “làm tốt” khi thành tích của học trò tốt hơn so với ở các nước giàu hơn Việt Nam nhiều. Nhưng đó không phải nghiên cứu đầu tiên.

Năm 2014 từng có một nghiên cứu gây tranh cãi không kém của Viện giáo dục, Đại học London (Anh) tìm hiểu về thành công của giáo dục ở Trung Quốc và Hàn Quốc, những hệ thống mà Anh đang tìm hiểu để áp dụng.

Nghiên cứu này, của tiến sĩ John Jerrim, thấy rằng ngay cả trẻ nhỏ ở các gia đình nhập cư châu Á cũng đi trước những bạn bè cùng trang lứa ở phương Tây tới hai năm rưỡi về học vấn khi các em ở tuổi 15, ngay cả khi các em học cùng nhau trong một môi trường kiểu phương Tây.

Tiến sĩ Jerrim kết luận rằng điều đó cho thấy các giá trị văn hóa Á Đông có vai trò quyết định ra sao.

Nghiên cứu được thực hiện với hơn 14.000 học trò người Úc đã tham gia cuộc thi toán PISA nổi tiếng vào năm 2012, và thấy rằng thế hệ người nhập cư thứ hai từ các nước Đông Á (chủ yếu là Trung Quốc) có điểm trung bình 605, nhiều hơn 102 điểm so với những học trò Úc bản xứ.

Ở Anh và Mỹ, nhóm trẻ có gốc Á Đông cũng gần như luôn có điểm thi GCSE (Chứng chỉ giáo dục phổ thông tổng quát) và SAT (Kiểm tra đánh giá học vấn) cao nhất.

Lấy ví dụ, trong năm 2013, tỉ lệ trẻ gốc Á Đông đạt ít nhất 5 điểm A trong kỳ thi GCSE ở Anh là 78%, so với mức trung bình cả nước chỉ là 60%.

Những con số là quá rõ ràng, và vào tháng 7-2014, Bộ Giáo dục Anh đã thông qua một đề án bỏ ra 11 triệu bảng đưa 50 giáo viên toán từ Thượng Hải sang Anh nhằm giúp Anh nâng cao trình độ.

Đó mới chỉ là bước thứ nhất trong một chương trình rộng lớn hơn. 50 giáo viên này sẽ được cấy vào 32 “trung tâm chuyên toán” với hi vọng tạo ra một mạng lưới trường học xuất sắc trên khắp nước Anh!

Tuy nhiên, Jerrim cũng cảnh báo những người làm chính sách không chỉ nên dựa vào điểm PISA. “Những nước có điểm PISA cao có thể mang tới cho những người làm chính sách ở phương Tây các hiểu biết giá trị về việc hệ thống giáo dục của họ cần được cải thiện ra sao.

Nhưng những chính sách đi theo phải dựa trên một cơ sở bằng chứng rộng lớn hơn”. Tiến sĩ Jerrim tin rằng: “Thái độ và lòng tin mà các bậc phụ huynh châu Á truyền cho con cái họ đóng góp quan trọng vào thành tích học vấn.

Các yếu tố đó chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa và môi trường gia đình, nhiều khả năng là ngoài tầm kiểm soát của nhà trường”.

Nghiên cứu của ông kết luận rằng các yếu tố có tính cách gia đình chiếm tới 20% trong khác biệt 102 điểm trong thống kê của ông ở Úc.

Sự hiếu học cũng sẽ di truyền, dù có thể không phải mang tính cách sinh học: một nửa trong 276 trẻ Đông Á thế hệ thứ hai trong nghiên cứu có cha tốt nghiệp ít nhất là đại học.

Con số đó chỉ là 1/4 với phần còn lại. Dễ hiểu là nếu bạn đã học xong đại học, bạn có xu hướng rất cao muốn con mình cũng thế.

“Tôi cũng thấy rằng trung bình, các gia đình châu Á luôn ưu tiên chọn trường tốt hơn cho con cái họ - Jerrim nói thêm - Sự lựa chọn này tất nhiên phản ánh quan điểm coi trọng học vấn của các bậc cha mẹ châu Á”. Trẻ châu Á, vốn mang tiếng học gạo, cũng dành nhiều thời gian cho việc học ở nhà hơn (15 tiếng mỗi tuần) so với bạn bè bản xứ (9 tiếng).

Họ cũng được tạo cảm hứng hơn bởi việc học lên cao: 94% học trò Á Đông nghĩ mình sẽ vào đại học, so với chỉ 58% ở người bản xứ.

Sẽ là vô lý nếu cho rằng học thuộc lòng, sự trọng bằng cấp và các kỳ thi mệt nhoài là một hệ thống giáo dục hoàn hảo; nhưng cũng sẽ là vội vàng không kém khi tìm cách áp đặt chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối vào một nền văn hóa dạy và học đã lâu đời theo kiểu “tôn sư trọng đạo”, có những giá trị riêng đáng trân trọng của nó.

Khổng Tử nói: “Trung dung chi vi đức dã, kỳ chí hĩ hồ!”, nghĩa là “Trung dung trong các đức tính, là đức tính tốt cực điểm”. Đó có lẽ vẫn cứ là một lời khuyên đáng để các nhà hoạch định chính sách giáo dục, cả ở Đông và Tây, tiếp nhận và suy nghĩ.

Giúp trẻ yêu thiên nhiên bằng các hoạt động ngay tại môi trường thiên nhiên đã tăng lên ở VN.
Giúp trẻ yêu thiên nhiên bằng các hoạt động ngay tại môi trường thiên nhiên đã tăng lên ở VN.

 

Lớp đông chưa chắc đã dở

Trái với quan niệm thông thường, không phải lớp cứ ít học trò là tốt, một điểm nữa có thể giải thích cho thành tích giáo dục ở Á Đông, nơi phần lớn các lớp học đông đúc hơn nhiều so với phương Tây.

Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu học thuật ở Mỹ và châu Âu. Chẳng hạn, nghiên cứu của Viện Thomas B. Fordham tại Mỹ năm 2013 cho thấy không có khác biệt gì trong năng lực của các học trò ở những lớp được coi là lớn và nhỏ.

Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard về giáo dục Singapore còn đi xa hơn khi cho rằng các lớp lớn (trên 30 học sinh) mang lại những lợi ích của việc học trò phải tự lập (không thể dựa cả vào giáo viên), học được cách hợp tác với nhau và khuyến khích tư duy phê phán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận