10/09/2016 09:21 GMT+7

​LHQ bắt đầu soạn dự thảo trừng phạt Triều Tiên

D. KIM THOA - TÚ ANH
D. KIM THOA - TÚ ANH

TTO - Hội đồng bảo an LHQ thống nhất bắt tay ngay lập tức vào việc soạn thảo lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm.

Người dân xem bản tin truyền hình nói về vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên tại một nhà ga xe lửa ở Seoul - Ảnh: AFP
Người dân xem bản tin truyền hình nói về vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên tại một nhà ga xe lửa ở Seoul - Ảnh: AFP

Theo AFP trong cuộc họp kín, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân ngày 9-9 và quyết định bắt tay soạn thảo ngay nghị quyết trừng phạt mới căn cứ theo điều 41, Chương VII của Hiến chương LHQ.

Đại sứ New Zealand, ông Gerard van Bohemen, Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 9, phát biểu trong cuộc họp báo rạng sáng nay (giờ VN): "Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm thô bạo các nghị quyết của HĐBA và tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới. Các thành viên của HĐBA sẽ bắt đầu bàn bạc ngay về các biện pháp trừng phạt thích đáng và ra một nghị quyết mới".

Điều 41 của Hiến chương LHQ qui định các biện pháp trừng phạt liên quan kinh tế và thương mại chứ không sử dụng biện pháp quân sự.

Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc đều lên án vụ nổ tại khu vực thử hạt nhân Punggye Ri sáng 9-9, vụ nổ được cho là mạnh nhất từ trước tới nay của CHDCND Triều Tiên.

Theo yêu cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, Hội đồng Bảo an đã họp khẩn ngay trong chiều 9-9 để tìm kiếm những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với CHDCND Triều Tiên.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho rằng LHQ cần đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các nghị quyết trừng phạt trước đó, nhằm "cho Triều Tiên thấy rằng sẽ có những hậu quả cho các hành động phi pháp và nguy hiểm của nước này".

Đại sứ Pháp tại LHQ François Delattre cho rằng "các biện pháp trừng phạt mới là vô cùng cần thiết" và "Triều Tiên sẽ phải chịu hậu quả cho những hành động và sự khiêu khích của mình".

Đại sứ Nhật tại LHQ Koro Bessho cũng nêu mong muốn có một "nghị quyết mới" với "một loạt các biện pháp trừng phạn cứng rắn".

Trước đó, ngay sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố xác nhận thử hạt nhân, chính quyền Tokyo cũng đã xác định sẽ "thực thi các biện pháp trừng phạt đơn phương và mạnh mẽ".

Sau cuộc họp, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi lảng tránh những câu hỏi về sự ủng hộ của Trung Quốc với các lệnh trừng phạt và chỉ nói: "Chúng tôi phản đối việc thử hạt nhân và tin rằng hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải hợp tác với nhau để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên".

Ông Liu cũng đá xéo lại liên minh Hàn-Mỹ: "Cả hai phía phải kiềm chế mọi sự khiêu khích và mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng".

Ý ông muốn nói về thỏa thuận lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Đây là hệ thống đánh chặn tên lửa được cho là nhằm ngăn chặn khả năng tấn công từ Triều Tiên.

Tuy nhiên cả Trung Quốc và Nga đều cho rằng hệ thống này là mối đe dọa an ninh cả cho Trung Quốc và Nga. Phía Bắc Kinh cũng ngầm ám chỉ quyết định lắp đặt THAAD đã làm Bình Nhưỡng nổi giận và thực thi những vụ bắn tên lửa hoặc thử hạt nhân.

Kể từ vụ thử hạt nhân năm 2006, tới nay Triều Tiên đã bị LHQ áp 5 lệnh trừng phạt.

D. KIM THOA - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên