09/05/2007 03:43 GMT+7

Lên núi vỡ đất nuôi heo rừng

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Chia tay với cuộc sống thị thành và mức lương 3,8 triệu đồng/tháng, một thanh niên chưa vợ 28 tuổi đã quyết định một mình lên núi vỡ đất lập trang trại, nuôi heo rừng. Đó là ông chủ trẻ Trần Đức Quốc (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

on9vcxtC.jpgPhóng to
Ông chủ trẻ Trần Đức Quốc bên đàn heo rừng giống chuẩn bị xuất chuồng - Ảnh: Đ.Nam
TT - Chia tay với cuộc sống thị thành và mức lương 3,8 triệu đồng/tháng, một thanh niên chưa vợ 28 tuổi đã quyết định một mình lên núi vỡ đất lập trang trại, nuôi heo rừng. Đó là ông chủ trẻ Trần Đức Quốc (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Lướt web gặp... heo rừng

Trang trại heo rừng của Quốc nằm sâu dưới chân triền núi Bà Nà (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Với khuôn mặt rất nông dân dù sinh ra và lớn lên ở thành thị, Quốc bắt đầu kể lại những ngày đầu lên núi mua đất lập trang trại với một ý tưởng táo bạo mà khi ấy ai cũng cho là “điên rồ”.

Trong một lần lang thang trên Internet, Quốc đã đọc được mẩu tin lôi cuốn sự chú ý của Quốc “đã nhân giống thành công loài heo hoang dã ở Bình Phước”. Ý tưởng lập trang trại nuôi heo rừng hình thành ngay trong đầu của chàng thanh niên 28 tuổi chưa một lần tận mắt thấy con heo đó ra sao. Hôm sau, Quốc rao bán lô đất mà mình dành dụm tiền mua trước đó. Hơn một tuần lặn lội khắp vùng bán sơ địa Hòa Ninh, cuối cùng Quốc cũng đã chọn mua được một triền đồi rộng 3,2ha đầy những lau lách và cỏ gai với giá 312 triệu đồng.

Sau khi tậu được đất, Quốc nhảy xe vào Bình Phước tìm đúng địa chỉ người đàn ông trong bản tin, khệ nệ ôm về sáu chú heo rừng con. Có đất, có heo giống, Quốc thuê ba nhân công cùng mình đánh vật với khát vọng làm giàu từ loài heo hoang dã. Tháng 4-2006, trang trại heo rừng đầu tiên ở miền Trung chính thức ra đời.

Chân dung ông chủ trẻ

dN48pTSv.jpgPhóng to

Trần Đức Quốc vừa là chủ trang trại vừa là bác sĩ thú y, vừa là tài xế lái xe đi thu gom rau củ quả tại các chợ đầu mối về cho đàn heo của mình Ảnh: Đ.Nam

Quốc nói như tâm sự: “Từ ngày có trang trại, ít khi mình về phố. Thi thoảng tạt qua ngân hàng rút tiền rồi lại vội lên, đôi lúc cũng thèm ly cà phê ở góc phố...”.
“Khi bắt tay vào việc mới thấm thía. Không dễ nuôi loài động vật hoang dã này” - Quốc bảo. Vừa lên mạng tìm kiếm thông tin về lối sống, thức ăn, bệnh thường gặp của giống heo rừng, vừa đi tìm kinh nghiệm trong dân gian, Quốc có được những loại lá cây, củ quả mà loài heo này thích. Với anh, đó là một bí quyết giúp thành công trong việc nhân giống. Từ một đàn giống ban đầu chỉ sáu con, giờ đây đàn heo của anh đã lên đến 128 con, trong đó có 21 con heo mẹ, 10 con heo bố; số còn lại đang trong thời kỳ trưởng thành. “Trong nay mai chúng sẽ trở thành heo giống hết. Tôi sẽ khai thác tối đa đàn heo chuẩn này”, Quốc nói giọng đầy phấn khởi.

Với giá 250.000 đồng/kg heo giống, ngay trong năm đầu Quốc đã xuất lứa heo giống đầu tiên thu về hơn 74 triệu đồng. “Từ nay đến cuối năm xuất thêm vài tạ heo giống là chuyện trong tầm tay”.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông chủ trẻ này còn trồng và cung ứng cỏ voi - một loại cỏ mà các trang trại nuôi đà điểu ở Quảng Nam, Đà Nẵng đang rất cần. “Học được kỹ thuật trồng cỏ voi trên Internet, mình liền ứng dụng. Giờ thì 0,5ha cỏ voi của mình đủ cung cấp thức ăn cho cả đàn heo. Ngoài ra một tháng cũng kiếm thêm được 6 triệu từ việc bán cỏ cho các trang trại đà điểu. Số tiền đó đủ trả chi phí nhân công lẫn sinh hoạt trong trang trại. Phần heo bán là lãi ròng đó”. Cứ ba ngày một lần, tự tay ông chủ lái xe tải về tận chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) thu gom cà chua, bắp cải úng, sâu mà các chủ hàng bỏ đi: “Chi phí chuyến đi chỉ khoảng 100.000 đồng mà đàn heo ăn được ba ngày. Quá rẻ”.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên