19/06/2008 05:05 GMT+7

Lấy nước thải tưới cho... cây mía

 VÂN TRƯỜNG
 VÂN TRƯỜNG

TT - UBND tỉnh Long An vừa cho phép Công ty cổ phần mía đường Hiệp Hòa (Nhà máy đường Hiệp Hòa) tiếp tục sản xuất cồn sau hơn hai tháng bị đình chỉ do gây ô nhiễm môi trường, mặc dù nhà máy này vẫn chưa xử lý nước thải đạt loại A theo qui định.

bInyW8pt.jpgPhóng to

Nước thải của Nhà máy đường Hiệp Hòa không được xử lý đạt loại A theo qui định nhưng vẫn được phép đem tưới thử nghiệm làm phân bón cho 200ha mía ở huyện Đức Huệ - Ảnh: Vân Trường

TT - UBND tỉnh Long An vừa cho phép Công ty cổ phần mía đường Hiệp Hòa (Nhà máy đường Hiệp Hòa) tiếp tục sản xuất cồn sau hơn hai tháng bị đình chỉ do gây ô nhiễm môi trường, mặc dù nhà máy này vẫn chưa xử lý nước thải đạt loại A theo qui định.

Nhà máy đường Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nằm trong danh sách "đen" về ô nhiễm môi trường bắt buộc phải xử lý triệt để từ năm 2004. Tuy nhiên, đến tháng 4-2008 UBND tỉnh Long An mới có quyết định đóng cửa phân xưởng sản xuất cồn vì cứ tuồn thẳng nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông.

Quyết định này vừa được dỡ bỏ sau khi Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho phép đem nước thải tưới mía với mục đích khảo nghiệm làm phân bón. Lý do được cơ quan này đưa ra là: "Dung dịch thải từ nguồn sản xuất cồn đã qua xử lý còn chứa một lượng đáng kể các chất dinh dưỡng đạm, lân và một số yếu tố trung lượng và chất hữu cơ”.

Nước thải chưa đạt tiêu chuẩn

Ông Nguyễn Văn Thiệp - giám đốc Sở TN-MT Long An - cho biết dùng nước thải từ sản xuất cồn tưới mía là vấn đề rất mới, từ trước đến nay chưa có đơn vị nào tiến hành nghiên cứu và cũng chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc làm này có an toàn cho môi trường hay không. Nhà máy đường Hiệp Hòa được Cục Trồng trọt cho phép thử nghiệm nước thải làm phân bón nên tỉnh buộc phải chấp thuận.

Do lo ngại việc thử nghiệm này sẽ gây tác động xấu đến môi trường, sở chỉ đề nghị UBND tỉnh Long An quyết định cho phép nhà máy này thử nghiệm trên 200ha chứ không phải 500ha như ý kiến của Cục Trồng trọt.

Bà Huỳnh Thị Phép, phó giám đốc Sở TN-MT Long An - nói rằng hiện nay Nhà máy đường Hiệp Hòa đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hệ thống này chưa xử lý được nước thải đạt loại A theo qui định của tỉnh. Kết quả phân tích mẫu nước thải đã qua xử lý tại Nhà máy đường Hiệp Hòa (ngày 8-5) cho thấy một số chỉ tiêu quan trọng không đạt loại B và... rất xa mới đạt loại A.

Cụ thể, chỉ tiêu COD (nhu cầu oxy hóa học) là 194mg/l (không đạt loại B), chất rắn lơ lửng (SS) là 117,8mg/l (không đạt loại B). Đáng lo ngại nhất là hàm lượng COD trong nước thải vẫn còn quá cao. Với kết quả phân tích này, Nhà máy đường Hiệp Hòa không đủ điều kiện được phép hoạt động trở lại.

Có khả năng làm ô nhiễm nguồn nước

Theo báo cáo phản biện về dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy đường Hiệp Hòa lập vào tháng 12-2007, PGS-TS Phùng Chí Sỹ - Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TP.HCM - nêu rõ: "Trong thực tế, đặc biệt với nước thải sản xuất cồn, có nhiều chất hữu cơ ở dạng hòa tan và các cặn hữu cơ khó phân hủy sinh học (thời gian phân hủy dài) hoặc không thể phân hủy sinh học". Ông Sỹ còn nhấn mạnh: "Nước thải sau xử lý với công nghệ sinh học kỵ khí và hiếu khí mà Nhà máy đường Hiệp Hòa sử dụng không thể đạt tiêu chuẩn loại A".

Về kế hoạch lấy nước thải tại hồ sinh học để tưới mía, ông Sỹ khẳng định: "Với công nghệ mà Nhà máy đường Hiệp Hòa lựa chọn, nước thải sinh học còn ô nhiễm chất hữu cơ ở mức rất cao, không thể xả trực tiếp vào nguồn nước tiếp nhận (sông Vàm Cỏ Đông). Để sử dụng nước trong hồ sinh học tưới mía, cần phải nghiên cứu, tính toán và thử nghiệm kỹ trước khi thực hiện, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây mía, gây ô nhiễm môi trường đất, nước mặt và nước ngầm khu vực trồng mía".

Sau khi Cục Trồng trọt có văn bản cho phép Nhà máy đường Hiệp Hòa lấy nước thải tưới mía với mục đích thử nghiệm phân bón, ngày 25-4 Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT) cũng có văn bản gửi Cục Trồng trọt cảnh báo: "Các chất ô nhiễm còn lại trong nước thải với nồng độ vượt tiêu chuẩn nhiều lần như COD có thể gây ô nhiễm môi trường nước mặt, độ pH thấp có thể làm phèn hóa đất khu vực trồng trọt và vùng lân cận".

Trước những cảnh báo của ông Sỹ và Cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Long An đã đề nghị phải xây dựng phương án thử nghiệm thật chi tiết. Sở TN-MT Long An còn yêu cầu Nhà máy đường Hiệp Hòa phải tính toán kỹ việc đem nước thải tưới mía vào mùa mưa như hiện nay, điều này có thể làm tràn nước thải ra ngoài vùng thử nghiệm và nước thải thấm xuống đất làm ô nhiễm nước ngầm.

Ông Thiệp khẳng định: dù cho phép Nhà máy đường Hiệp Hòa thử nghiệm nước thải để tưới mía theo sự chấp thuận của Cục Trồng trọt, nhưng tỉnh sẽ đóng cửa nhà máy và đình chỉ việc thử nghiệm ngay lập tức nếu phát hiện nhà máy này lén lút xả nước thải ra sông hoặc gây ô nhiễm môi trường.

 VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên