07/01/2016 11:27 GMT+7

Lấy mẫu xét nghiệm vụ hàng ngàn m3 bùn thải tràn ra môi trường

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Cơ quan chức năng Cao Bằng đã cho khoanh vùng, ngăn bùn thải chì kẽm chảy ra môi trường và lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá nguy hại khi bùn thải này tràn cả ra sông Gâm.

Một phần bãi thải chì đã bị sụt trôi ra môi trường - Ảnh: Xuân Thành
Một phần bãi thải chì đã bị sụt trôi ra môi trường - Ảnh: Xuân Thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ cả nghìn khối bùn thải chì của Công ty TNHH CKC tại Cao Bằng tràn ra môi trường, ông Nguyễn Thành Hải, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh cho biết các lực lượng đã khoanh vùng, ngăn được bùn thải chì kẽm không chảy tiếp ra môi trường.

Hàng ngàn m3 bùn thải tràn cả xuống sông

Theo Sở TN-MT tỉnh Cao Bằng, số bùn thải chì kẽm tràn ra môi trường là của nhà máy khai thác và chế biến chì kẽm do Công ty TNHH CKC (xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm) làm chủ đầu tư. Vụ việc xảy ra từ chiều 5-1.

Vị trí xảy ra tràn nước và bùn thải chì được xác định do vỡ tấm bê tông đáy bể tại khu vực bể chứa chất thải chì, kẽm.

Ông Hải cho biết ngay trong sáng 6-1, tỉnh Cao Bằng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và giao Sở TN-MT chủ trì, vào kiểm tra trực tiếp tại hiện trường. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận bùn thải chì kẽm ngoài chảy tràn ra môi trường cũng đã tràn cả xuống sông Gâm.

“Khoảng bao nhiêu bùn thải đã tràn xuống sông Gâm trong đêm thì không ước tính được. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán trên bề mặt đất sụt đi thì số lượng bùn tràn ra tới hàng ngàn m3, Đây là số liệu tính toán thực tế khối lượng bùn thải mất đi trên bãi thải” - ông Hải cho hay.

Lấy mẫu để xét nghiệm độc hại

Cũng trong sáng 6-1, phía Công ty TNHH CKC đã huy động máy móc và hàng trăm công nhân sử dụng lưới thép B40, đá hộc bịt vị trí tấm bêtông bị vỡ, xử lý lỗ thủng tại bể chứa bùn thải chì, kẽm của nhà máy.

Ông Hải khẳng định, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã có đánh giá bước đầu về sự cố này. “Có một nhà dân có khả năng bị ảnh hưởng, vì vậy chính quyền địa phương và phía Công ty cũng đã chủ động di dời” - ông Hải cho biết thêm.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 6-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, huyện vẫn chưa tính toán được thiệt hại từ sự cố tràn bùn thải chì kẽm ra môi trường.

“Trước mắt đã ngăn được bùn thải chảy ra sông, còn để xác định được mức độ nguy hại thì chưa. Chúng tôi đã cho lấy mẫu để phân tích xác định mức độ nguy hại” - ông Hải nói tiếp.

Trả lời câu hỏi tỉnh Cao Bằng có giải pháp, chỉ đạo gì sau sự cỗ vỡ đáy bể chứa bùn thải chì kẽm, ông Nguyễn Thành Hải, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Cao Bằng cho biết, trước mắt đoàn kiểm tra đã chỉ đạo phía Công ty thực hiện ba giải pháp cấp bách.

“Thứ nhất, phải dẫn dòng nước suối chảy ra vị trí khác, không cho chảy vào nơi có bùn thải nữa. Thứ hai, đã yêu cầu và phía Công ty cũng đã thực hiện đắp đập ngăn không cho bùn thải chảy ra sông. Thứ ba, yêu cầu Công ty dùng máy bơm để hút bùn trở lại, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng khẳng định đó mới chỉ là những giải pháp ban đầu. Đoàn liên ngành sẽ tiếp tục xem xét nguyên nhân, đánh giá mức độ nguy hại để có những chỉ đạo tiếp theo.

Cùng ngày, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, Bộ cũng đã có yêu cầu Sở TN-MT Cao Bằng báo cáo toàn bộ sự việc và giải pháp xử lý về môi trường cũng như những chỉ đạo với doanh nghiệp.

Bùn thải chì kẽm pha loãng trong nước rất nguy hiểm

GS. Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm phát triền cộng đồng khằng định như vậy. Ông Dinh cho biết việc khoanh vùng, ngăn không cho bùn thải chì kẽm chảy ra môi trường tiếp là rất kịp thời.

“Nếu để khối lượng lớn bùn thải chì kẽm tràn xuống nước sẽ rất nguy hiểm” - GS.Dinh nói.

Theo ông Dinh, trong bùn thải không chỉ có chì mà còn có các kim loại nặng khác. Vì vậy, sẽ rất nguy hiểm và độc nếu bị pha loãng trong nước.

“Nguy hiểm ở chỗ nếu con người và các sinh vật, động vật dùng phải nguồn nước có ô nhiễm bùn thải chì kẽm.

Vì vậy, ngoài việc ngăn bùn thải chảy tiếp ra môi trường, giải pháp hiệu quả nhất là phải đưa toàn bộ lượng bùn thải đã tràn ra các khu vực xung quanh như đường, đất trở lại bãi thải, sau đó xử lý phục hồi lại môi trường” - GS Dinh cho hay.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên