01/09/2017 17:08 GMT+7

Làng binh phu

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Ngư dân làng Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) ra Hoàng Sa từ những ngày theo lệnh triều đình nhà Nguyễn cách đây vài thế kỷ.

Làng binh phu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi

“Ngư dân Định Tân giờ chỉ khác xưa là có tàu to, máy lớn. Chứ những gì tôi nghiên cứu thì thế hệ cũ và mới có cùng suy nghĩ đi Hoàng Sa đánh bắt chính là đi bảo vệ chủ quyền Ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi

Họ cũng là những "hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải" mà sử sách ghi lại như một lời khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Giờ đây, người dân làng Định Tân vẫn dong buồm ra khơi làm nghề lưới chuồn với một niềm tự hào: "Không có ngôi làng nào trên đất Việt này đánh cá chuồn giỏi như người Định Tân cả".

"Đội thuyền Định Tân"

Miếu Hoàng Sa - nơi các binh phu thời triều Nguyễn mở cõi hải đồ tiến ra Biển Đông - nằm ngay trước mặt làng Định Tân, chỉ cách bởi con sông Sa Kỳ. Dòng sông ấy là minh chứng của biết bao con tàu ra đi và trở về từ Hoàng Sa. 

Cho đến bây giờ, đây vẫn là nơi có số tàu thuyền thẳng tiến Hoàng Sa nhiều nhất.

Câu chuyện về ngôi làng biển Định Tân nằm cuối dòng Sa Kỳ đứng ngay trước mũi sóng Biển Đông lại cuộn về trong suy nghĩ của tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi. 

Là người gần như dành trọn cả đời mình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, ông Vũ luôn dành cho làng Định Tân một chỗ đứng trang trọng trong lịch sử mở cõi về Biển Đông của nước Nam.

Trong những tài liệu về việc triều đình nhà Nguyễn cử binh phu dong thuyền đi Hoàng Sa luôn có tên "Đội thuyền Định Tân" đi xuyên qua 3 thế kỷ (17, 18 và 19). Với ông Vũ, đó chính là thế hệ trước của những ngư dân trong ngôi làng nằm ngay chân sóng này.

Ông Vũ nói chẳng hiểu vì biến cố lịch sử nào mà hiện trong làng Định Tân không còn lưu giữ tài liệu nào liên quan đến làng mình. 

"Nhưng có thể khẳng định rằng đội thuyền Định Tân mà sử sách ghi chính là làng Định Tân bây giờ, bởi tên ngôi làng có từ rất lâu. Họ am hiểu Biển Đông, sinh ra đã thấy Biển Đông" - ông Vũ nói.

Ý thức chủ quyền của ngôi làng có từ rất sớm, vậy nên giờ đây người Định Tân luôn coi Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường mà thế hệ cha ông họ từng bỏ xương máu để khẳng định chủ quyền.

"Trong máu họ ngấm một niềm tin bất diệt, một sự thật không thể chối cãi Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, là chủ quyền của Việt Nam" - ông Vũ nhấn mạnh.

Làng binh phu - Ảnh 3.

Niềm vui của ngư dân Định Tân - Ảnh: TRẦN MAI

Binh phu thời hiện đại

Cuối tháng 8, Biển Đông lại nổi bão, sóng gió ầm ầm nhưng đây vẫn là mùa cá chuồn. Những ngư dân Định Tân "kẹt" lại làng, đang chờ biển khơi qua cơn thịnh nộ để tiến ra Hoàng Sa đánh cá. 

Thuyền trưởng Nguyễn Leo (thôn Định Tân) da đen trũi, giọng nói như sóng rền quả quyết: "Nếu làng Gành Cả đi Hoàng Sa hành nghề lặn thì làng tôi đi Hoàng Sa đánh lưới chuồn. Họ đi bao nhiêu năm, tụi tui cũng đi bấy nhiêu năm. Họ bám đảo lặn thì tụi tui bám vùng nước nông quăng lưới. Khác nghề thôi chứ cùng một hướng Hoàng Sa cả".

Không biết câu ca dao "Ai về nhắn với nậu nguồn / Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên" có từ khi nào, mà giờ đây bất cứ đứa trẻ Định Tân nào khi hỏi cũng đều vanh vách. Cá chuồn mà người Định Tân đánh bắt được giờ theo thương lái đi xa lắm, lúc ngược ra Hà Nội, khi vào tận Tây Nguyên. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu, khẳng định chắc chắn: "Ở Việt Nam không có ngôi làng nào đánh cá chuồn giỏi như người Định Tân, họ thuộc lòng từng dòng hải lưu, từng đợt di cư của cá chuồn ở vùng biển ấy. 

Vì thế chỉ cần nửa tháng ra khơi là tàu đầy ắp cá trở về".

Nói rồi ông Hùng dẫn ra cầu cảng, nơi con tàu của thuyền trưởng Dương Văn Nam vừa cập cảng với hình ảnh cả sáu khoang tàu đầy ắp cá chuồn. 

Anh Nam cho biết chuyến ra khơi vừa rồi liên tục gặp bão và áp thấp nên vừa đánh vừa né gió, phải đi mất 20 ngày mới về đến đất liền. "Thấy gió lớn cũng tính về rồi nhưng phải bám theo đàn cá, về sớm thì tiếc lắm". 

Là người có hơn 30 năm bám biển, anh Nam đúc kết: "Chẳng nơi nào nhiều cá chuồn hơn Hoàng Sa". Có lẽ hình ảnh "từng đàn cá chuồn bay bay trên mặt nước" khiến những trai tráng Định Tân cứ vậy lao vào cuộc "truy đuổi" giữa Hoàng Sa.

Làng Định Tân có đội tàu đi biển khá lớn, trong đó riêng tàu đi Hoàng Sa khoảng 40 chiếc, còn tàu đi Trường Sa tầm hơn 30 chiếc. Nếu tàu đi Hoàng Sa mang theo những tấm lưới bắt cá chuồn thì những ngư dân đi Trường Sa mang theo tấm lưới truy đuổi cá nục đỏ. 

Loài cá này được mang về đất liền làm chả. Ngôi làng binh phu bây giờ còn nổi tiếng với món chả cá thơm ngon nức tiếng. Đó là sản vật của Trường Sa.

Trai tráng ngôi làng binh phu cùng với ngư dân Gành Cả, Lý Sơn vẫn can trường như chính cha ông họ thuở nào. Hễ nổ máy là thẳng ra Hoàng Sa như một mệnh lệnh với tiền nhân: Ngày nào xứ này còn tàu, còn ngư dân thì Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là một phần máu thịt không thể tách rời với Tổ quốc.

Di tích Vườn Đồn

Không chỉ có miếu Hoàng Sa, trước mặt làng Định Tân hiện còn có di tích Vườn Đồn, một địa điểm mà những binh phu triều Nguyễn trước đây dùng để gặp gỡ hàn huyên trước lúc ra khơi.

Bây giờ cũng vậy, "Vườn Đồn" của những ngư dân Định Tân chính là các tổ đội đánh bắt chung, tương trợ nhau trước thiên tai và nhân tai nơi đầu sóng ngọn gió.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên