12/06/2015 10:04 GMT+7

Làng báo sôi động ra đời từ đây…

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - 150 năm, báo chí quốc ngữ ở Sài Gòn từ một cây duy nhất đã trở thành cánh rừng rậm rạp, xanh tươi, đủ màu sắc và là món ăn tinh thần không thể thiếu, dù trong hoàn cảnh nào.

Đám tang của nhà báo Nam Quốc Cang ở Bệnh viện  Chợ Rẫy - Ảnh: Thiện Mộc Lan
Đám tang của nhà báo Nam Quốc Cang ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Thiện Mộc Lan

Từ tờ báo chỉ để người học quốc ngữ “làm quen mặt chữ và tập đọc”, làng báo Sài Gòn đã lớn vụt lên, đóng góp lớn vào công cuộc mở mang dân trí và canh tân đất nước. Báo chí cách mạng cũng đã ra đời và góp phần đáng kể vào những trang sử giành độc lập và thống nhất đất nước.

Ngày 15-4-1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên, Gia Định Báo đã ra đời tại dinh thượng thơ Sài Gòn.

Thời điểm này quốc ngữ vẫn còn rất xa lạ với người Việt. Ngay những người sau này nổi tiếng là “rành quốc ngữ” như Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản cũng mới chỉ bắt đầu học chữ quốc ngữ. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng của tờ báo này là để cho người học chữ quốc ngữ tập đọc, làm quen mặt chữ.

Truyền bá quốc ngữ

23 năm sau, năm 1888, Trương Vĩnh Ký cho xuất bản tờ nguyệt san Thông Loại Khóa Trình. Đây là tờ báo chuyên nghiên cứu, sưu tầm văn hóa đầu tiên do người Việt làm chủ.

Và chín năm sau, năm 1897, tờ Nam Kỳ “ra vào ngày thứ năm hằng tuần” do ông Alfred Schreiner làm chủ. Sau đó một năm là tờ Phan Yên Báo.

35 năm cuối của thế kỷ 19, làm báo và kinh doanh báo chưa được người Việt quan tâm dù luật lệ báo chí thoáng. Luật báo chí năm 1881 cho tự do xuất bản, chỉ cần thông báo trước cho chính quyền 24 giờ. Đến năm 1898 thì muốn ra báo quốc ngữ “phải xin phép toàn quyền Đông Dương”.

Mặc dù quốc ngữ chưa thông dụng trong nước, nhưng vào thời kỳ này báo chí đã là mảnh đất tốt cho văn xuôi quốc ngữ ra đời và lớn dần.

Những mẩu chuyện của Ésope đã được Trương Minh Ký dịch đăng trên Gia Định Báo từ cuối năm 1881, tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ của ông Nguyễn Dư Hoài, truyện Nghìn lẻ một đêm đã xuất hiện trên báo Nam Kỳ năm 1898.

Sang thế kỷ 20, báo chí được người Việt quan tâm hơn và trong 20 năm đầu thế kỷ nhiều báo quốc ngữ là các tờ tuần báo Nông Cổ Mín Đàm (1901), Lục Tỉnh Tân Văn (1907), Nam Kỳ Địa Phận (1908), Công Luận Báo (1916), An Hà Báo (1917), Nữ Giới Chung (1918), Nam Trung Nhựt Báo (1917), Đại Việt Tập Chí (1918) ra đời. Những năm này báo chí đã có ý thức chủ quyền dân tộc, đã biết sử dụng báo chí làm vũ khí kêu gọi người dân tham gia cạnh tranh kinh tế...

Có thể nói 55 năm đầu, báo chí Sài Gòn chỉ có tuần báo và còn mang dáng dấp của công báo. Mở tờ báo ra chỉ thấy những thông báo của chính quyền, những bài ca ngợi nhà nước, vài tin “xe cán chó chó cán xe” và một trang văn học.

Đến khi tờ Lục Tỉnh Tân Văn Nam Trung Nhựt Báo được ông Nguyễn Văn Của, một nhà kinh doanh có thế lực ở Sài Gòn, nhập thành một với tên Lục Tỉnh Tân Văn xuất bản hằng ngày vào tháng 10-1921 thì hoạt động báo chí dần dần đổi khác.

Nữ Giới Chung, tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Sài Gòn - Ảnh tư liệu
Nữ Giới Chung, tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Dấn thân cùng thời cuộc

Có một thuận lợi là từ năm 1919, chữ quốc ngữ đã phổ biến ở cả ba miền, báo Lục Tỉnh Tân Văn đã có chi nhánh ở miền Bắc. Từ thời gian này, báo chí gắn bó nhiều hơn với xã hội, thông tin nhiều hơn và từng bước rời xa “chất công báo”.

Báo chí Sài Gòn đã tác động người đọc bằng nhiều phong trào xã hội như phong trào “tẩy chay khách trú” vì chiếm hết các nguồn lợi kinh doanh ở Sài Gòn năm 1919, phong trào “tẩy chay hàng Bombay” năm 1924, “tẩy chay tiệm cầm đồ” năm 1926, phong trào ủng hộ Bùi Quang Chiêu (1923), phong trào đưa đám tang cụ Phan Chu Trinh (1926), phong trào đua xe đạp, phong trào Thơ mới...

Nổi bật trong các phong trào này là các tờ Công Luận Báo, Trung Lập, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn. Bước tiến dài hơn là báo chí ủng hộ Đông Dương đại hội (1936-1939)...

Đến thời gian này, dường như người Việt đã thấy được ích lợi của báo chí. Và tác động của báo chí đối với người đọc ngày càng mạnh hơn.

Người đọc hào hứng với loạt phóng sự “Sài Gòn - Thượng Hải - Hoành Tân” của nhà báo Vân Trình, loạt ký sự đường xa đầu tiên của làng báo Sài Gòn, trên Đông Pháp Thời Báo. Loạt bài này đã đưa Vân Trình từ một nhà báo ít tiếng tăm lên đứng ngang hàng với “tứ trụ làng báo” thuở ấy là Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhất, Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ.

Người đọc cũng hào hứng theo dõi và hưởng ứng lời kêu gọi của báo giới trong đám tang cụ Phan Chu Trinh do ông Huỳnh Đình Điển, một nhà kinh doanh từng tham gia phong trào Minh Tân của Trần Chánh Chiếu hồi đầu thế kỷ, tổ chức.

Đám tang này trở thành đám tang đông người đi đưa đầu tiên ở Sài Gòn. Rồi người đọc miền Bắc hào hứng chờ đợi báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học.

Cũng vì vậy mà tờ báo này bị đóng cửa sáu tháng, từ cuối năm 1930 tới giữa năm 1931 và bị cấm bán ra miền Bắc. Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo đầu tiên bán ra cả nước. Người đọc cũng kéo đến tòa soạn để chờ đợi những thông tin về vụ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh bị bắt, theo dõi kết quả Đông Dương đại hội...

Cuối năm 1939, chính quyền thực dân đàn áp làng báo Sài Gòn. Hàng loạt tờ báo bị đóng cửa, kể cả Hội Ái hữu báo chí Nam kỳ do Nguyễn Văn Sâm làm chủ tịch, hàng loạt nhà báo bị bắt, bị trục xuất khỏi Sài Gòn như Diệp Văn Kỳ (về sinh quán là Huế), Bùi Thế Mỹ (về Quảng Nam), Đào Trinh Nhất (về Hà Nội), Nam Đình (trốn ra Hà Nội), Nguyễn Văn Sâm (an trí ở Sóc Trăng)...

Từ năm 1945 trở đi, báo chí lại khởi dậy, mạnh miệng đòi thống nhất đất nước, ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh của phong trào báo chí thống nhất từ năm 1946 - 1950. Báo chí công khai đăng hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, ủng hộ kháng chiến, đả kích chính quyền Nam kỳ tự trị...

Chính quyền đương thời ra tay đàn áp báo chí bằng việc đóng cửa hàng loạt tờ báo, bắt nhà báo, đập phá tòa soạn, nhà in và cuối cùng là ám sát nhà báo.

Đầu năm 1950, các nhà báo Đinh Xuân Tiếu (chủ nhiệm báo Thời Cuộc), Huỳnh Hoài Lạc, Nam Quốc Cang (có tư liệu cho rằng có cả nhà báo Lư Khê, chủ nhiệm báo Ánh Sáng) đang ngồi uống cà phê trong một con hẻm đường Frère Louis (Nguyễn Trãi) thì bị bắn. Đinh Xuân Tiếu, Nam Quốc Cang (có tư liệu cho rằng cả Lư Khê) bị bắn chết tại chỗ, Huỳnh Hoài Lạc bị thương. Đây là vụ bắn nhà báo đầu tiên diễn ra ở Sài Gòn.

Dù bị đàn áp nhưng báo giới Sài Gòn không ngừng đấu tranh. Từ 1954 - 1975, báo chí không ngừng đứng lên đòi hỏi hòa bình cho dân tộc, chống chiến tranh... dù việc quản lý báo chí rất gắt gao và thô bạo.

Có tờ báo một tuần hai lần bị tịch thu. Có tờ tự đốt báo ngay tại tòa soạn khi bị tịch thu. Nhiều nhà báo nằm trong danh sách “ủng hộ cộng sản” thường xuyên bị cảnh sát theo dõi. Song báo giới không sờn chí...

Qua các trang báo, quốc ngữ mỗi ngày mỗi lớn lên và trở thành thứ chữ viết duy nhất của người Việt trên toàn thế giới. Cũng qua các trang báo, nền văn học quốc ngữ hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Từ thói quen viết văn vần, bên cạnh những truyện dịch của nước ngoài, các nhà báo Sài Gòn đã viết các tác phẩm văn xuôi. Ngày nay tiểu thuyết không còn xuất hiện trên báo nữa nhưng chúng ta không thể nào quên cái nôi đầu tiên của tiểu thuyết: báo chí!

Báo chí quốc ngữ Sài Gòn cũng mở màn những hoạt động xã hội sau mặt báo như tổ chức đua xe đạp (báo Trung Lập), quyên góp tài trợ học bổng cho học sinh nghèo, thành lập Hội Dục anh giúp trẻ em nghèo, quán cơm bình dân cho người nghèo (báo Phụ Nữ Tân Văn), thi sáng tác văn học (Nông Cổ Mín Đàm)... những điều mà làng báo Sài Gòn hiện nay vẫn còn tiếp tục thực hiện.

___________

Kỳ tới: Lục Tỉnh Tân Văn và thuở đầu nhật báo

 

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên