24/09/2007 16:33 GMT+7

Làm thức dậy những trang sách cổ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Cô sinh viên Lê Thị Tâm săm soi những bức tranh về nghề đánh dậm, cất vó của người Việt Nam xứ bắc đầu thế kỷ XX đang được trưng bày tại thư viện Khoa học Tổng hợp.

WBC8xJGW.jpgPhóng to
Một trang sách gốc của Oger. Ảnh: LĐiền

Không chỉ với cô, cách đây ngót 100 năm, những hình ảnh lạ lẫm này cũng đã gây ấn tượng cho một thanh niên Pháp - Henri Oger - và ông tìm cách lưu giữ lại những hình ảnh vô cùng quý giá ấy...

Đó là một phần kết quả của dự án số hóa các tài liệu cổ bằng tiếng Pháp tại ba nước Đông Dương được tiến hành từ năm 2004 đến nay. Tính đến tháng 8-2007, riêng tại thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, số tài liệu được số hóa đã lên đến 280.000 trang.

Chương trình số hóa kho tài liệu Pháp ngữ cổ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM nằm trong khuôn khổ dự án của Quỹ đoàn kết ưu tiên (VALEASE) của Pháp với nội dung “Phát huy mạng lưới phát hành sách và thư viện tại Đông Nam Á” (được tài trợ hoàn toàn bởi Chính phủ Pháp), không chỉ để bảo quản tài liệu mà còn đưa ra phục vụ công chúng.

Tài liệu số hóa bao gồm các sách, báo, tạp chí, bản chuyên khảo, tư liệu hành chính, tác phẩm văn học, sách chuyên ngành khoa học xã hội (văn hóa, chính trị, giáo dục), tài liệu về quan hệ ngoại giao giữa Pháp và một số nước từ khi người Pháp hiện diện ở Đông Dương cho đến năm 1954.

Một chuyên gia người Pháp trực tiếp chọn tài liệu để ưu tiên số hóa. Giải pháp kỹ thuật cho việc chụp lại các trang tài liệu tuổi đời trên dưới 100 năm được công ty Direx với máy scan chuyên dụng i2s đảm trách.

Dự án này quả thật như “nắng hạn gặp mưa” đối với các cán bộ thư viện Khoa học tổng hợp. Từ nhiều năm trước, bà Nguyễn Thị Bắc – giám đốc thư viện – đã luôn trăn trở vì có quá nhiều tư liệu quý chưa được đầu tư, chuyển sang dạng tài liệu nhằm bảo quản tốt hơn. Dự kiến, đến cuối năm 2007 sẽ có khoảng 260.000 trang nữa được hoàn tất.

Kho báu

Ông Nicolas Wanery – Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM – cho biết: “Các thư viện của Việt Nam cũng như của Lào, và Campuchia lưu giữ rất nhiều sách và tạp chí bằng tiếng Pháp có từ thời thộc địa những năm 1858 – 1954”. Ông không ngần ngại nhấn mạnh: “Những tài liệu này chứa đựng một khối lượng kiến thức khoa học khổng lồ về các nước thuộc Đông Dương cũ và là một nguồn tài liệu tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu cũng như độc giả. Tiếc rằng cho đến thời điểm hiện nay, rất ít người tiếp cận được kho tàng này và nó có nguy cơ biến mất nhanh chóng”.

Theo khảo sát của nhiều chuyên gia Pháp, đã có một số lượng lớn các ấn phẩm cổ bị hư hại trong các kho sách, thư viện của ba nước Đông Dương. “Điều kiện khí hậu và tình trạng bảo quản bấp bênh có thể khiến chúng tan thành bụi trong thời gian ngắn. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ xóa sạch cả một mảng ký ức về Việt Nam, Lào và Campuchia cũng như một nhân chứng không thể thay thế được của lịch sử nước Pháp trong một giai đoạn lịch sử cùng chia sẻ với ba nước Đông Dương…”, ông Wanery nói thêm.

bL3PxjtC.jpgPhóng to AFG6n5bT.jpg
Tranh cô đầu hầu rượu Cúng lễ trên đường phố ngày xưa
LHoFcJP7.jpg sfa5DHQb.jpg
Đánh tam cúc Một đám lợp nhà. Đây là những trang đầu tiên bộ sách của Oger được số hóa.

Một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất của đợt số hóa này là bộ sách “Kỹ thuật của người An Nam” của tác giả Henri Oger thực hiện từ năm 1908 – 1909 khi ông tham gia cơ quan hành chính dân sự Đông Dương. Sách gồm những hình ảnh về phong tục, tập quán, các nghề thủ công, sinh hoạt… của người Việt Nam thời ấy đã được Henri Oger thuê người vẽ lại một cách chi tiết.

Bộ sách hơn 4000 tranh khắc của ông được thực hiện trong hơn một năm. Không chỉ "vẽ" lại tất tật những gì mắt thấy tai nghe, ông còn tiến hành nghiên cứu và thống kê đầy đủ, sâu sát về các thuật ngữ nghề nghiệp. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu về các gia đình ngươi An Nam theo phương pháp chuyên khảo xã hội học.

Hiện nguyên gốc của tập sách này chỉ có tại thư viện Khoa học tổng hợp. Đây là tài sản quý, nên sau khi số hóa, phía Pháp đã đề cập đến việc tái bản tác phẩm.

Chia sẻ tài liệu xuyên Đông Dương

gwhGr9PW.jpgPhóng to
Bạn đọc đang truy cập kho tư liệu vừa số hóa ở Thư viện KHTH. Ảnh: LĐiền

Song song với việc số hóa tài liệu, một dự án thành lập thư viện điện tử kết nối Việt Nam - Lào - Campuchia có tên Bibliotheca Vietnamica cũng đang hình thành, với ý định trước mắt sẽ tập hợp các tài liệu dưới dạng số hóa của Pháp từ trước năm 1937 và chia sẻ cho cả ba nước. Dự án này cũng thuộc Quỹ Valease và hướng đến hai mục tiêu quan trọng: bảo vệ và giữ gìn một di sản quốc gia, cũng là di sản của thế giới, khỏi sự sự hủy hoại của thời gian và mang đến cho công chúng một kho tàng bách khoa thư thực sự.

Thực ra, từ năm 1917, ba nước Đông Dương đã có một hệ thống thư viện đặt dưới sự quản lý của viên giám đốc tên là Paul Boudet. Và ý tưởng về một hệ thống thư viện chung cho ba nước đã được Cục quản lý sách và thư viện của Pháp hình thành từ năm 2001. Tất cả đi đến quyết định cần phải gìn giữ một di sản chung, trong đó cần quan tâm đến việc phát triển thư viện vùng bằng cách đào tạo người trong nghề cho các nhà xuất bản và các thư viện.

Theo ông Jean - Jacques Donard - trưởng dự án Valease chương trình thư viện xuyên Đông Dương có tên “Phát huy mạng lưới phát hành sách và thư viện tại Đông Nam Á”, với tổng chi phí lên đến 1,5 triệu Euros, kéo dài đến năm 2008.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên