07/10/2017 10:25 GMT+7

Làm thể thao kiểu... Mỹ

HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Buổi tối cuối tuần, trời mưa như trút nước nhưng bên trong nhà thi đấu Trường quốc tế CIS (Q.7, TP.HCM), các VĐV bóng rổ hầu như không cảm nhận được điều đó khi bao quanh họ là bầu không khí cuồng nhiệt từ khán đài, từ MC, từ tiếng nhạc rộn rã…

Các trận bóng rổ của VBA luôn đông kín khán giả. Ảnh: HỮU THUẬN

Đó là hình ảnh quen thuộc của Giải bóng rổ chuyên nghiệp VN - VBA trong mùa giải thứ hai. Đặc biệt là trong những trận derby như giữa Saigon Heat và HCMC Wings hôm 30-9 mới đây.

Khán giả là trung tâm

Tuy 17h15 trận đấu mới bắt đầu nhưng từ khoảng 16h, nhà thi đấu nằm ở Q.7 đã tấp nập hàng trăm khán giả. Không vào nhà thi đấu sớm, thay vào đó, họ nán lại ở khu vực vui chơi giải trí bên ngoài - nơi có những gian hàng bán quần áo, sản phẩm của đội bóng, những quầy ăn uống và trò chơi giải trí... Không khí sôi động của một trận đấu thể thao đã được hình thành từ bên ngoài sân, các CĐV chuyền tay nhau những tấm băngrôn cổ vũ, khăn, nón mang thương hiệu của đội nhà trước khi vào sân đấu.

Với 4 hiệp đấu, một trận đấu bóng rổ thường tạo ra cảm giác bị “cắt nhỏ thời gian” cho khán giả. Nhưng với VBA, điều đó hầu như không hề tồn tại bởi những khoảng thời gian nghỉ giữa các hiệp đấu sôi động chẳng kém lúc thi đấu với các màn biểu diễn của hoạt náo viên (cheerleading), những chú linh vật sặc sỡ, những trò chơi dành cho khán giả của ban tổ chức, tiếng nhạc sôi động...

Các trò chơi giữa hiệp dành cho khán giả. Ảnh: HỮU THUẬN

Các trận đấu VBA là như thế, giống như một ngày hội thể thao chứ không chỉ đơn thuần là 4 hiệp đấu bóng rổ. Mức giá cao từ 100.000 - 900.000 đồng/vé trở thành mức hợp lý khi các CĐV được tận hưởng bầu không khí giải trí xuyên suốt 2 giờ đồng hồ. Những ai thường theo dõi hệ thống các giải thể thao lừng danh của Mỹ như MLS (giải bóng đá nhà nghề), NFL (bóng bầu dục), NBA (bóng rổ) hay NCAA (giải thể thao sinh viên)... sẽ nhận ra hình ảnh quen thuộc nơi VBA - một mô hình thể thao giải trí của Mỹ.

Ông Connor Nguyễn - giám đốc điều hành VBA - cho biết: “Chúng tôi muốn xây dựng VBA theo mô hình thể thao giải trí thực thụ. Trong đó, CĐV là trung tâm, họ là những người bỏ tiền mua vé và chúng tôi phải tỏ ra xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Các CĐV phải cảm thấy hứng thú nhất, vui vẻ nhất khi đến với sân đấu”.

Các gian hàng ngoài nhà thi đấu luôn tấp nập khách. Ảnh: HỮU THUẬN

Ở mùa thứ hai, tuy VBA vẫn chưa mang quy mô của một giải đấu lớn khi mới chỉ có 6 đội đến từ 4 thành phố gồm Saigon Heat, HCMC Wings (TP.HCM), Thang Long Warriors, Hanoi Buffaloes (Hà Nội), Cantho Catfish (Cần Thơ) và Danang Dragon (Đà Nẵng), nhưng lượng người xem đã đạt đến một con số ổn định. Theo đó, trong trận derby hôm 30-9 giữa Saigon Heat và HCMC Wings, khán đài có sức chứa 1.200 chỗ ngồi của nhà thi đấu CIS gần như kín chỗ dù giá vé lên đến 100.000 - 900.000 đồng (mức vé các trận ở V-League chỉ là 50.000 - 70.000 đồng, và nhiều lúc còn miễn phí).

Văn hóa cổ vũ

Sự chuyên nghiệp của VBA đến từ cách thức tổ chức, từ chất lượng chuyên môn trong sân đấu và cả trên khán đài. Giải đấu nào cũng có những sai sót, trục trặc kỹ thuật, điều đó tất nhiên không ngoại lệ với một giải đấu tuổi đời còn rất ngắn như VBA. Đơn cử là sự cố cúp điện khiến trận đấu bị gián đoạn đến hơn 20 phút giữa lúc trời mưa to trong đêm thi đấu 30-9.

Khán đài luôn sôi động và giữ thái độ đúng mực nhờ các hội CĐV được xây dựng. Ảnh: HỮU THUẬN

Nhưng thay vì sự hỗn loạn của hơn ngàn khán giả khi chìm trong bóng tối, bầu không khí trong nhà thi đấu lại trở nên ấm áp với những hành động rất đẹp của các CĐV. Hàng trăm CĐV của đội chủ nhà đồng thanh hô vang tên đội bóng, cùng mở đèn điện thoại để thắp sáng nhà thi đấu và vẫn kiên nhẫn dành những tràng vỗ tay cho các cầu thủ đến khi có điện trở lại. Bầu không khí càng sôi động hơn với những phương pháp “chữa cháy” của ban tổ chức, khi chú linh vật sư tử của Saigon Heat lên ngồi cạnh các khán giả trong khi những đội hoạt náo viên tiếp tục ra sân. 20 phút “tăm tối” trong đêm 30-9 để lại một hình ảnh đẹp của khái niệm “văn hóa cổ vũ”.

Video clip khán giả tỏ thái độ văn minh khi nhà thi đấu bị cúp điện. Thực hiện: HỮU THUẬN

Để làm được điều đó là cả một chiến lược xây dựng các hội CĐV của VBA từ những ngày đầu. Ông Connor Nguyễn giải thích: “Chúng tôi xây dựng một tinh thần vì đội nhà cho các CĐV, dựa trên tình cảm với địa phương. CĐV sẽ cảm thấy tự hào khi ra sân, khoác trên mình màu cờ sắc áo để cổ vũ cho CLB nhà. Vì tinh thần đó, họ sẽ luôn đồng hành cùng CLB bất chấp mọi khó khăn. Trong năm đầu tiên tổ chức giải, thực sự chúng tôi phải tự chiêu mộ các CĐV, cho họ vào sân xem thử. Nhưng qua năm thứ hai, các hội CĐV đã được hình thành, tiêu chí, tinh thần của đội bóng cũng đã được định hình”.

Đội hoạt náo viên vẫn phục vụ khán giả dù cúp điện. Thực hiện: HỮU THUẬN

Hào nhoáng, rực rỡ và đắt đỏ, các ngôi sao của VBA vẫn được đưa đến gần gũi với người hâm mộ một cách khéo léo. Các đội bóng đều có một chương trình xã hội riêng. Trong đó, các cầu thủ tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa như làm bánh trung thu cho trẻ em nghèo, giao lưu với các học sinh...

Tránh vết xe đổ V-League

Có bước khởi đầu quá tốt với lượng khán giả đông đảo, những cầu thủ ngoại và cả HLV ngoại trong từng đội bóng, VBA mang dáng dấp của V-League một thời khi những ông bầu giàu có bắt đầu lao vào giải vô địch bóng đá VN. Tuy nhiên, ông Connor Nguyễn khẳng định VBA sẽ không đi theo vết xe đổ của các giải thể thao khác tại VN.

“Với chúng tôi, thể thao là kinh doanh, là phải có doanh thu... Chúng tôi không cho phép xảy ra tình trạng các ông chủ giàu có lao vào giải đấu, vung tiền kiểm soát toàn bộ giải đấu. Lấy ví dụ giữa Giải bóng đá ngoại hạng Anh (Premier League) và các giải đấu ở Mỹ. Các CLB của Premier League luôn rất đình đám, nhưng họ lời hay lỗ? Luôn lỗ nặng. Điều đó trái ngược với các đội bóng ở Mỹ. Ở Mỹ, các giải thể thao có nhiều nguyên tắc để kiểm soát giải đấu không bị các tỉ phú giàu có chi phối” - ông Connor Nguyễn giải thích.

Chất lượng của trận đấu là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Ảnh: HỮU THUẬN

Một ví dụ cho việc này là mức lương tối đa mà các giải đấu ở Mỹ thường quy định để qua đó hạn chế việc các CLB có ông chủ giàu có vung tiền tới tấp chiêu mộ những ngôi sao. Thay vì “đi đường tắt” như các đội bóng ở V-League hay Premier League, VBA được xây dựng theo mô hình của một công ty. Trong đó, các CLB sẽ cùng đầu tư ở một mức tương ứng như nhau, lợi nhuận cũng được chia đều theo tỉ lệ...

VBA thực sự đang mang đến một luồng gió mới cho thể thao VN khi thể thao không chịu tác động của những hình ảnh tiêu cực. Thay vào đó, nó mang một bầu không khí sôi động, trẻ trung và đậm tính giải trí đúng nghĩa.

Siết chặt kỷ luật

Trong những vòng đấu gần đây, những sự cố cũng đang bắt đầu xảy đến với VBA, tiêu biểu là vụ trọng tài bấm sai giờ trong trận Hanoi Buffaloes - Saigon Heat cũng như một số xô xát bạo lực giữa các cầu thủ trong sân. Nhưng sau mỗi sự cố, cách xử lý của ban tổ chức cũng thể hiện tính cầu thị khi đều lên tiếng nhận lỗi và có hình phạt nặng dành cho mọi đối tượng. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình xây dựng tính chuyên nghiệp nên sai sót là vẫn còn. Điều quan trọng là phải cho CĐV thấy giải đấu thực sự không có yếu tố tiêu cực” - ông Connor Nguyễn nói.

Theo mô hình công ty, “Thay vì “đi đường tắt” như các đội bóng ở V-League hay Premier League, VBA được xây dựng theo mô hình công ty, trong đó, các CLB sẽ cùng đầu tư ở một mức tương ứng như nhau, lợi nhuận cũng được chia đều theo tỉ lệ

Ông Connor Nguyễn

(giám đốc điều hành VBA)

 
HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên