23/10/2016 07:00 GMT+7

​Làm sao giảm tai nạn liên quan đến xe buýt?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Theo các chuyên gia, tai nạn liên quan đến xe buýt có phần lỗi rất lớn của cơ sở hạ tầng giao thông, ý thức của người đi xe máy, bên cạnh một bộ phận tài xế xe buýt lái xe chưa an toàn.

Hai người đang chở nhau trên xe máy tại đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thì va chạm với xe buýt đang tấp vào trạm nên họ bị ngã xuống đường. Người cầm lái xe máy bị xe buýt cán chết tại chỗ. Người nhà nạn nhân ngồi bần thần khi tới hiện trường - Ảnh: P.K
Một vụ tai nạn xe buýt. Người nhà nạn nhân ngồi bần thần khi tới hiện trường - Ảnh: P.K

Nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe buýt làm nhiều người thảng thốt. Nhiều người gọi xe buýt là “hung thần” và mỗi lần ra đường là phải né vì “xe buýt chạy vừa nhanh, vừa ẩu, lại hay bấm còi inh ỏi” làm người đi xe máy giật mình, có khi loạng choạng tay lái.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng vì đường quá chật hẹp, không có làn riêng cho xe buýt, xe máy chạy không đúng luật, tài xế xe buýt do vội vã và khuất tầm nhìn nên mới gây ra tai nạn.

Tai nạn do hạ tầng kém, nhiều phương tiện chen chúc?

Tiến sĩ (TS), chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đánh giá có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đau lòng có liên quan đến xe buýt, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Thứ nhất là hạ tầng giao thông yếu kém, các tuyến đường chật hẹp phải tải một lượng lớn các phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng như xe buýt. Vì thế, dù đã phân chia làn đường nhưng hai loại phương tiện vẫn chạy lộn xộn, trộn lẫn và dẫn đến tai nạn.

Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Nguyên (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng vào giờ cao điểm, tài xế xe buýt khuất tầm nhìn, không thể quan sát hết những xe máy dày đặc đang đi bên hông hay quá gần trước mặt mình, vì thế, xác suất xảy ra va chạm, tai nạn sẽ cao hơn.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển TP.HCM nhận định cùng trên một tuyến đường vừa có xe buýt, xe máy, taxi, xe ô tô cá nhân và cả người đi bộ thì dù tài xế có giỏi đến mấy cũng có lúc sẽ không linh hoạt, xoay sở kịp. Hơn nữa, xe buýt lớn thì rất cồng kềnh, có khi đầu xe đã vào đến trạm rước khách mà đuôi xe vẫn còn nằm ở giữa làn đường, gây khó khăn cho người đi xe máy.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là những người lái xe buýt luôn có áp lực phải chạy đúng giờ, đúng lịch trình nên có thể xảy ra hiện tượng chạy nhanh, chạy ẩu, chạy không đúng làn đường. 

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, dường như việc giáo dục, nâng cao ý thức của những người lái xe buýt vẫn chưa cao.

"Có những lái xe vẫn chưa thấy được trách nhiệm của mình là phải đảm bảo an toàn, tiện tợi và thân thiện với người đi xe. Họ chỉ thấy mình phải đúng giờ, đúng tuyến mà thôi. Bên cạnh đó, cần phải kiểm tra thường xuyên và loại trừ ngay những tài xế có biểu hiện sử dụng rượu bia, ma túy và không đủ năng lực điều khiển xe buýt”, ông Thủy nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hữu Nguyên phân tích ở các đô thị hiện đại, quỹ đất dành cho giao thông ít nhất phải chiếm 20% trên quỹ đất tổng thể tự nhiên. Trong khi đó, tại TP.HCM, tỉ lệ này là dưới 10%.

“Một thực tế mà chúng ta đều thấy là ở TP.HCM, không gian nội thành hẹp, mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông không đủ sức chứa cho các phương tiện. Theo tôi được biết, chỉ có 1/3 trên tổng số đường ở thành phố là xe buýt lớn có thể hoạt động tốt, 2/3 số còn lại là đường nhỏ, đường hẹp.

Trong khi đó, chúng ta lại phát triển xe buýt kích cỡ lớn, sức chứa 50 người trở lên. Tôi đã từng chứng kiến ba chiếc xe buýt chạy hàng ngang trên đường. Hai, ba chiếc xe buýt chạy hàng ngang thì quả thật không còn chỗ cho bất kỳ phương tiện nào”, ông Nguyên đánh giá.

Phát triển phương tiện công cộng ra sao?

Về vấn đề làn đường riêng cho xe buýt như các nước khác, ông Nguyên cho rằng với hạ tầng giao thông như hiện nay, giải pháp này là không khả thi.

“Nếu tạo làn đường riêng cho xe buýt thì e rằng các phương tiện cá nhân khác không có chỗ để đi. Lúc đó lại dẫn đến ùn tắc xe máy nặng nề hơn”, ông Nguyên nói.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, không thể tuyến đường nào cũng áp dụng được nhưng với những tuyến đường có diện tích mặt đường đủ lớn, có thể cân nhắc đến giải pháp này.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng với những siêu đô thị như Hà Nội hay TP.HCM, không thể chỉ có xe buýt là phương tiện công cộng duy nhất mà phải phát triển tàu điện ngầm, tàu điện trên cao hoặc những phương tiện khác tận dụng không gian đô thị. Từ đó sẽ chuyển được lượng hành khách lớn sang sử dụng các loại phương tiện này, giải phóng mặt đường, giảm ùn tắc, giảm tai nạn.

Về giải pháp, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng phải đa dạng kích cỡ của xe công cộng để giải quyết vấn đề chiếm chỗ trên mặt đường và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân từ khu vực đường nhỏ, đường nhánh đến đường trung tâm.

Ủng hộ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng ở nước ngoài, xe buýt lớn luôn có làn riêng, có rào chắn và không một phương tiện nào được đi vào khu vực đó, có như vậy mới đảm bảo an toàn. Trong khi ở VN, điều kiện hạ tầng không cho phép có làn riêng cho xe buýt thì nên sử dụng những loại xe buýt cỡ trung và nhỏ, có tính linh hoạt, cơ động cao hơn.

Theo các chuyên gia, từ các giải pháp tổng hòa này mới mong giải quyết được tình trạng xe buýt, xe máy, ô tô chen chúc nhau trên đường và giảm xác suất của những tai nạn đáng tiếc do va chạm giữa các phương tiện trên đường phố.

Sợ nhất lúc xe buýt đón trả khách

“Tôi là nam, từng nhiều lần bị xe buýt ép, nếu là nữ chắc không khỏi bị tai nạn. Đã chạy xe trên đường thì tài xế xe buýt phải nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho người dân, dù có lý do gì, cũng không được xem thường tính mạng người khác”, Nguyen Hùng viết.

Độc giả Hoài Nam cho rằng tai nạn nhiều còn nguyên nhân ở hạ tầng giao thông, trạm xe buýt thì ở lề đường, làn xe buýt thì ở phía trong, lúc cần thì không ai nhường ai, khi đón trả khách, xe tấp vào cũng chẳng dễ...

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục