17/10/2016 12:10 GMT+7

Làm sao để không xảy ra những “thảm họa áo dài”?

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Nhà thiết kế Minh Hạnh đặt câu hỏi: Biện pháp nào để không xảy ra những “thảm họa áo dài”? Nhà thiết kế Lan Hương đáp rằng "cần đưa ra quy chuẩn cho tà áo dài Việt Nam".

Một số thiết kế áo dài tham gia Festival áo dài Hà Nội 2016 Ảnh: NAM TRẦN
Một số thiết kế áo dài tham gia Festival áo dài Hà Nội 2016 - Ảnh: NAM TRẦN

 Với mong muốn trước khi bàn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thì cần hiểu lịch sử của áo dài, hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch được tổ chức trong khuôn khổ Festival áo dài Hà Nội 2016 (diễn ra từ ngày 14 đến 16-10) dành nhiều thời gian lắng nghe nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày về nguồn gốc, ý nghĩa, sự thay đổi của tà áo dài Việt qua nhiều thời kỳ.

“Áo dài ngày càng phong phú để phụ nữ Việt tự tin diện vào không chỉ trên sân khấu, mà cả trong sinh hoạt đời thường. Người nước ngoài nhìn tà áo dài biết ngay đó là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Vì vậy các nhà thiết kế cần có trách nhiệm tạo nên những bộ y phục phù hợp từng hoàn cảnh” - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhấn mạnh.

>> Xem clip Festival áo dài:

Buổi hội thảo thật sự sôi nổi khi nhà thiết kế Minh Hạnh đặt câu hỏi: Festival áo dài được tổ chức để làm gì? Biện pháp nào để không xảy ra những “thảm họa áo dài”?

Đáp lại, nhà thiết kế Lan Hương cho rằng cần đưa ra quy chuẩn cho tà áo dài Việt Nam. Đồng tình với ý kiến này, nhà thiết kế Lan Anh bày tỏ các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cần xây dựng quy chuẩn về áo dài, cách phân biệt áo dài truyền thống, áo dài hiện đại để không dẫn đến “thảm họa áo dài”.

Tuy nhiên, nhà thiết kế Hữu La La lại đặt câu hỏi: việc đặt ra quy chuẩn tà áo dài có làm gò ép và mất sự sáng tạo, tự do của các nhà thiết kế?

Ở một góc nhìn thực tế khác, nhà thiết kế Minh Hạnh góp ý nếu các sự kiện như festival áo dài được tổ chức tốt, sẽ không cần “kêu gào” hay biện pháp gì, thị trường sẽ tự sàng lọc để cho chúng ta những tà áo dài có vẻ đẹp đúng nghĩa.

Để áo dài có tính đời sống cũng là trăn trở của nhiều người tham gia hội thảo, như đề xuất của ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Công ty du lịch TransViet: “TP Hà Nội nên kêu gọi người dân, học sinh sinh viên, du khách mặc áo dài đến với phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm”.

Theo ý tưởng đó, các buổi tối cuối tuần trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ có trình diễn áo dài. Các cửa hàng kinh doanh quanh phố đi bộ có thể chuyển đổi sang kinh doanh may và cho thuê áo dài.

“Khi áo dài tràn ngập không gian phố đi bộ sẽ tạo thành hình ảnh đẹp. Khách quốc tế chụp ảnh áo dài bên bờ hồ và chia sẻ trên Facebook thì hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam càng được quảng bá miễn phí. Hà Nội sẽ thành trung tâm thời trang - ít nhất là áo dài - của cả nước” - ông Đạt chia sẻ.

>> Xem hình ảnh trình diễn áo dài tại Festival TẠI ĐÂY

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên