22/12/2007 08:34 GMT+7

Làm phim về giới trẻ không khó!

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Nếu như giờ phim Việt trên VTV1 theo đuổi thể loại phim nghiêng về đề tài xã hội thì một loạt phim của HTV hiện tập trung vào đề tài giới trẻ.

US30B4Zu.jpgPhóng to
Bỗng dưng muốn khóc - một trong số nhiều bộ phim về giới trẻ sẽ được phát sóng
TT - Nếu như giờ phim Việt trên VTV1 theo đuổi thể loại phim nghiêng về đề tài xã hội thì một loạt phim của HTV hiện tập trung vào đề tài giới trẻ.

Một điều thú vị là các phim này đang thu hút khán giả truyền hình, nhất là khán giả trẻ - điều mà từ trước đến nay rất hiếm thấy ở phim Việt.

Ngay sau khi Gọi giấc mơ về kết thúc, HTV7 trình làng bộ phim KTX - nói về cuộc sống của những sinh viên ngồi trên ghế giảng đường. HTV9 có phim Giọt đắng cũng là câu chuyện lập nghiệp của chàng sinh viên học y khoa nhưng lại đam mê kinh doanh cà phê. Không đề cập đến giới sinh viên nhưng Tôi là ngôi sao lại là câu chuyện của các bạn trẻ với nghề MC còn khá mới mẻ.

Hiện các hãng phim đang có rất nhiều dự án phim dành cho giới trẻ. Vũ Ngọc Đãng đang quay bộ phim Bỗng dưng muốn khóc - câu chuyện về nghị lực và tình yêu của cô gái bán sách dạo. Lê Bảo Trung thực hiện phim Mưa thủy tinh - câu chuyện tình cảm của hai chị em ruột tên Như và An. Đạo diễn Mỹ Khanh và Đinh Đức Liêm gần hoàn tất hai bộ phim có cùng đề tài âm nhạc là A CappellaĐam mê...

Sức hút từ sự gần gũi

Ngoài Tôi là ngôi sao bị phê phán khá nhiều, ba bộ phim còn lại đều được khán giả đón nhận dù còn bộc lộ nhiều khuyết điểm. Nhiều khán giả trẻ nhận định Gọi giấc mơ về , KTX, Giọt đắng hấp dẫn ở chỗ đã bớt đi yếu tố "già nua" như những bộ phim trước đây. Sự trẻ trung của phim không chỉ nằm ở sắc vóc diễn viên, khung hình đẹp, mà còn ở kịch bản được chăm chút kỹ lưỡng nên thiết thực, bớt giáo điều và gần gũi cuộc sống.

Đề tài về giới trẻ không còn là những chuyện tình yêu tay ba tay tư mà còn là chuyện học hành, mối quan hệ bạn bè, gia đình, thầy cô và những hoài bão trong cuộc sống. Đặc biệt, yếu tố hài hước vui nhộn - một tác nhân quan trọng để giữ chân khán giả trước màn ảnh - đã được khai thác một cách khéo léo...

Những gì mà ba bộ phim trên thể hiện cho thấy làm phim về giới trẻ quả không khó như "hái sao trên trời" như nhiều người nghĩ. Vậy tại sao dù phim dành cho giới trẻ vẫn đều đặn ra mắt khán giả nhưng có quá ít phim đi vào lòng người? Trong thời gian qua, không ít bộ phim dành cho giới trẻ được phát sóng.

Hầu hết những bộ phim này đều được đầu tư rất kỹ, diễn viên toàn là ngôi sao, người mẫu như 39 độ yêu, Đi về phía mặt trời... Thậm chí có phim như Vòng xoáy tình yêu, Hoa dã quì, Nhật ký Vàng Anh… được chế tác từ kịch bản nước ngoài. Tôi là ngôi sao lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật hiện đại để tạo nên hai nhân vật sinh đôi rất thật... Thế nhưng diễn viên đẹp, trang phục model, cảnh quay đẹp không thể cứu vãn được nếu như chuyện phim vô lý, mâu thuẫn và xa rời thực tế...

Đau đầu về kịch bản

Oigy6csq.jpgPhóng to
Đạo diễn Xuân Cường cho rằng: "Một kịch bản phim hay chiếm đến 60% sự thành công của một bộ phim. Chúng ta có nhiều phim đề tài về giới trẻ nhưng thật sự đó chỉ là cái cớ để người làm phim truyền tải một vấn đề khác khiến giới trẻ không đồng cảm được".

Vấn đề kịch bản phim hiện nay khiến nhiều đạo diễn phải đau đầu. Đạo diễn Mỹ Khanh từng phải ở nhà "cửa đóng then cài" đến hơn một tháng cũng chỉ để chỉnh sửa kịch bản A Cappella cho hợp thời cuộc.

Mỏi mắt tìm kịch bản hay không ra nên Vũ Ngọc Đãng đã quyết định tự mình viết kịch bản cho "chắc ăn". Để cho ra đời kịch bản Bỗng dưng muốn khóc, anh đã tiêu tốn thời gian hơn... một năm rưỡi. Thanh Phương, một gương mặt mới trong làng viết kịch bản phim, là đồng tác giả của bộ phim KTX, nhận định: "Hầu hết kịch bản lấy từ kinh nghiệm trong cuộc sống. Theo tôi, điều quan trọng nhất với người viết kịch bản đó là viết phải cho thật".

Đạo diễn Đinh Đức Liêm khẳng định: "Phim làm cho đối tượng trẻ thì nhân vật và ngôn ngữ trong phim cũng phải trẻ chứ không thể đem tiêu chuẩn thẩm mỹ của người lớn áp đặt. Vì thế các nhà làm phim luôn cần phải làm mới mình. Mặt khác trên thế giới có đánh giá riêng cho từng thể loại phim.

Còn ở VN ta vẫn đánh đồng thể loại. Một bộ phim có thể có một nhóm người thích hoặc không thích. Quan trọng mục đích của phim là gì, phim phục vụ cho đối tượng nào? Chúng ta không thể đưa những nhận định bằng suy nghĩ già nua để phê phán phim giới trẻ là nhí nhố, nhảm nhí”.

bTsMnekN.jpgPhóng to

"Hãy làm phim chân thật và gần gũi" - yêu cầu từ khán giả trẻ với người làm phim Việt tại buổi giao lưu với đoàn phim Gọi giấc mơ về

Trong buổi giao lưu giữa đoàn làm phim Gọi giấc mơ về với Trường đại học Hoa Sen diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ ý kiến sự yêu thích bộ phim bằng những cụm từ rất đơn giản: "lần đầu tiên trong phim nhìn học trò giống học trò”, "các nhân vật thoát khỏi hình ảnh "những con rối bị giật dây", "xem phim thấy bóng dáng mình"...
HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên