17/10/2015 09:35 GMT+7

Làm mới nghệ thuật múa rối

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Lần thứ tư được tổ chức, Liên hoan múa rối quốc tế đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà hát, đoàn, nhóm rối gia đình đến từ 10 nước ở cả Á, Âu.

Trò Hồ thiên nga trong tiết mục Bay lên từ mặt nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long - Ảnh: Đ.Triết
Trò Hồ thiên nga trong tiết mục Bay lên từ mặt nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long - Ảnh: Đ.Triết

Trong suốt sáu ngày (từ ngày 10 đến 16-10) diễn ra liên hoan tại Hà Nội, rối Việt Nam đã được biểu diễn tưng bừng với những thử nghiệm khá táo bạo trong những suất diễn gần như chật kín khán giả.

Gần 80 nghệ sĩ đến từ ba đơn vị múa rối lớn là Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long và Đoàn múa rối Hải Phòng đã có bảy vở diễn và tiết mục được dàn dựng quy mô, mang tính thể nghiệm.

Với rối cạn, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thể nghiệm đưa opera vào vở rối cạn Trái tim người mẹ (cảm tác theo truyện Hai cây phong của Liên Xô cũ). Khi đó, người nghệ sĩ không chỉ đứng sau tấm bình phong để điều khiển con rối mà có lúc còn trực tiếp xuất hiện trên sân khấu, đeo con rối lên người, trực tiếp bày tỏ nỗi lòng, tâm sự của mình qua… opera.

Bên cạnh đó, Hào quang từ quá khứ của Nhà hát Múa rối Thăng Long là cách dẫn chuyện là lạ qua studio giữa vị khách Tây Roberto và MC về các trích đoạn xưa. Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh của Nhà hát Múa rối Việt Nam là sự kết hợp biểu diễn giữa rối và người.

Đặc biệt, tiết mục Vũ điệu hoa quỳnh của Nhà hát Múa rối Việt Nam - tiết mục lần thứ hai (sau chương trình Nhịp điệu quê hương) đưa chất liệu mây tre vào tạo hình con rối nhưng là sự thể nghiệm với rối dây. Trong đêm biểu diễn, khán giả đã ồ lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp đến duyên dáng của rối tre hoa quỳnh cũng như lâu lắm rồi mới được xem rối dây Việt Nam trở lại (khoảng 20 năm).

Chẳng kém cạnh, hai đại diện của rối nước là Bay lên từ mặt nước (Nhà hát Múa rối Thăng Long) và Chuyện tình Dạ Trạch (Nhà hát Múa rối Việt Nam) cũng có nhiều cách tân. Bay lên từ mặt nước, chú Tễu không kể câu chuyện của Việt Nam mà kể những nét văn hóa đặc sắc của các nước phương Tây như đấu bò tót, hồ thiên nga.

Thật ra, trước đó rối nước cũng đã kể truyện cổ Andersen và đã thành công với những chuyến lưu diễn ở Pháp năm 2014. Nhưng cái lạ hơn ở tiết mục này là lần đầu tiên rối nước biểu diễn ballet trên nền nhạc giao hưởng của Tchaikovsky. “Nếu như trong các trò diễn của Việt Nam, âm nhạc gần như mang tính chất tượng trưng thì ở đây nghệ sĩ phải ăn xăm với từng nốt nhạc.

Mặt khác, để sáu con rối thiên nga cùng múa ballet đòi hỏi sự phối hợp và tập trung rất cao độ của các nghệ sĩ” - nghệ sĩ Quốc Toản phụ trách rối thiên nga chia sẻ. Trong khi đó, Chuyện tình Dạ Trạch là cả một câu chuyện về mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử được kể bằng rối nước. Cách tạo hình con rối, các trò không có gì mới nhưng ở đây lần đầu tiên có sự kết hợp với màn hình led phía trên.

Để có thể mạnh dạn đưa những yếu tố mới mẻ ấy vào nghệ thuật múa rối, đặc biệt rối nước, đó là sự cố gắng rất lớn của các nghệ sĩ. Khán giả có thể chấp nhận hay chưa chấp nhận những điều mới lạ nhưng rõ ràng các thế hệ nghệ sĩ hôm nay đang tìm tòi bằng cách này hoặc cách khác để trả lời câu hỏi: rối nước còn “ăn mày dĩ vãng” đến bao giờ?

Cũng có một câu hỏi khác không kém phần quan trọng: những tiết mục, vở diễn sau liên hoan sẽ có đời sống như thế nào? Nhưng dường như câu hỏi này đã trở thành lạc hậu khi ai cũng biết chúng sẽ được… cất kho là chính, nếu có diễn thì bị chia nhỏ thành trò hoặc đợi mùa vụ trung thu, thiếu nhi diễn đôi tuần.

“Đấy là điều vừa đáng tiếc vừa lãng phí đối với nghệ thuật múa rối nước nhà” - họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, người cả đời gắn liền với rối, nói.

Học gì từ những gánh rối gia đình?

Gia đình múa rối HTWE OO (Myanmar) giới thiệu tiết mục rối dây cổ truyền - Ảnh: Đ.Triết
Gia đình múa rối HTWE OO (Myanmar) giới thiệu tiết mục rối dây cổ truyền - Ảnh: Đ.Triết

Phần lớn các đơn vị quốc tế (42 nghệ sĩ các nước Anh, Bỉ...) tham gia liên hoan dịp này đều là các nghệ sĩ cá nhân (4 đơn vị) hoặc nhóm, gánh rối gia đình, có cả sự tham gia của những nghệ sĩ nhí chỉ 5-6 tuổi. Không quá ồn ào, họ chỉ biểu diễn trò và kể những câu chuyện vui nhộn hoặc cổ truyền của dân tộc mình.

Thế nhưng, các suất diễn của họ vẫn kín khán giả tại các điểm rạp và liên tục nhận được sự cổ vũ khi họ không chỉ khoe kỹ thuật cá nhân điêu luyện mà còn rủ rê được cả khán giả lên sân khấu cùng điều khiển con rối. Trong số đó, điển hình là gánh rối gia đình Myanmar - HTWE OO với 10 trò diễn cổ truyền đều khoe được tài của bốn thành viên.

“Gia đình tôi tự thành lập gánh rối và sinh sống bằng nghề trong suốt 20 năm qua, không nhận được sự hỗ trợ gì từ nhà nước. Chúng tôi thường xuyên biểu diễn ở các đình, đền và có “nhà hát mini” tại nhà phục vụ khách du lịch” - ông chủ gia đình múa rối HTWE OO nói.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên