Làm lại đèn trung thu xưa vì thương con trẻ thời nay

NGỌC DIỆP 23/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Khi cho tôi xem những món đồ chơi Trung thu xưa vừa được phục dựng, ông Trịnh Bách nâng niu một con giống bột trên tay: “Những thứ này trông ngô nghê nhưng quá đỗi dễ thương, bởi nó đượm hồn dân tộc”.

Làm lại đèn trung thu xưa vì thương con trẻ thời nay - Ảnh 1.

Đèn Trung thu được làm lại theo mẫu của đèn Trung thu trước năm 1975

Đi tiếp niềm đam mê khôi phục những thứ thuộc về văn hóa truyền thống lâu nay, ông Trịnh Bách sẽ mang những chiếc đèn lồng và con giống bột đến Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, Bảo tàng Dân tộc học và Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội vào dịp Tết Trung thu năm nay.

Những chiếc đèn lồng được ông Bách kỳ công khôi phục mang đủ hình dáng dễ thương của con thỏ, con bướm, con cá... và có thể thắp sáng, khác hẳn những chiếc đèn ông sao xẹp lép đang bán hàng loạt trên thị trường.

Mang ra một đôi chuột bạch bằng bột do bà Phạm Nguyệt Ánh (nghệ nhân cuối cùng của trường phái nặn con giống bột Đồng Xuân, Hà Nội) nặn, ông Bách chỉ: “Trông nó ngây ngô, nhưng rất dễ thương. Cặp râu của nó bằng lõi của lông gà nhuộm đen đó, không phải bằng nhựa đâu”.

“Cách đây mười mấy năm, khi phục hồi vải vóc, trang phục cung đình, tôi đã muốn phục hồi con giống bột, hia, hài, nón xưa... Nhưng lúc đó thật bất khả thi.

Thế mà trong mấy tháng vừa rồi tự dưng bao nhiêu dự án ấp ủ suốt 20 năm qua lại làm được hết. Kể cũng lạ” - ông khoe.

Làm lại đèn trung thu xưa vì thương con trẻ thời nay - Ảnh 2.

Bán lồng đèn trên phố Hàng Gai (Rue du Chanvre), Hà Nội, 1915 (ảnh do Léon Busy chụp, nay thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Albert Kahn, Pháp)

Làm cách nào ông nhớ được chi tiết những chiếc đèn lồng từ trước năm 1975 để mô tả cho thợ?

 Hồi còn bé, vì có khiếu hội họa nên tôi hay vẽ lại những gì tôi có, nhất là những gì mình thích. Vì thế tôi nhớ rõ từng chi tiết của những vật đó. Tôi nhớ từng chiếc lồng đèn, từng thế nằm của các con giống bột. Trung thu nào tôi cũng được ông cụ tôi dẫn đi mua đèn con thỏ, không có là chết với tôi  (cười).

Những chiếc đèn Trung thu của thời đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội mà chúng ta thấy được ngày nay qua ảnh chụp của Léon Busy, Albert Kahn, hay hình vẽ trong sách của Henri Oger, phần lớn đều do người làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) làm.

Sau năm 1954, do các biến động lịch sử, người làng Báo Đáp ở Nam Định không làm đèn Trung thu cổ truyền nữa. Những người Báo Đáp di cư vào Nam tụ lại ở Phú Bình (khu vực P.5, Q.11 và P.Phú Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) tiếp tục làm đèn. Nhưng sau đó nghề làm đèn lồng của Phú Bình cũng mất dần. Đến những năm giữa 1980, họ cố khuếch trương lại nghề nghiệp nhưng không còn được như xưa, sau này bị đèn nhựa Trung Quốc lấn át.

Cách đây khoảng 8 năm, có lần tôi tới khu phố bán lồng đèn Trung thu trên đường Lương Nhữ Hộc ở Q.5, TP.HCM. Lần đó, tôi cố gắng chỉ cho một người buôn đèn dán lông thỏ giả vào những cái đèn tương đối còn chấp nhận được lúc đó, như một gợi ý cho anh ta về cách trang trí đèn lồng hồi xưa.

Nhưng vì không đủ thì giờ nên không thành công. Hiện nay, những người thợ vẫn dán lông giả đủ màu sắc lên đèn mà hoàn toàn không có một căn bản mỹ thuật nào, và không hiểu mục đích dán lông như vậy để làm gì.

2

Ông Trịnh Bách với chiếc đèn con thỏ

Ông Trịnh Bách sinh ra trong một gia đình dòng dõi ở Việt Nam. Ông ra nước ngoài sống từ năm 1972. Ông là học trò của những cầm thủ nổi tiếng như Dương Thiệu Tước, Sophocles Papas và Andrés Segovia. Ông đã làm nên sự nghiệp với tây ban cầm (đàn ghita) nhưng sau bỏ việc dạy nhạc tại Mỹ để trở về Việt Nam khôi phục lại các nghệ thuật truyền thống. Ông từng thực hiện dự án khôi phục trang phục cung đình, và say mê khôi phục các nghề thủ công truyền thống...

Vẽ thủ công cho đèn lồng lại khó đến thế ư, thưa ông?

- Là vì tay nghề cũ bây giờ không còn thôi. Người mới thì không biết nghề. Và vì ngày nay phần nhiều họ vẽ hàng chợ, cho nên người thợ không để ý lắm đến việc luyện tay nghề. Qua hai thập kỷ làm việc với các làng nghề, tôi rất buồn về điều đó. Tôi cũng buồn về việc không biết bao nghề thủ công truyền thống đã bị mất vì con cháu các nghệ nhân không chịu học nghề của cha ông. Nghề làm lồng đèn cũng thế thôi.

Lông thỏ để làm đèn Trung thu được đặt hàng từ mùa hạ. Lúc đó lông đẹp nhất, không quá xù. Rồi người ta phải biết chỗ nào trên đèn dán lông lưng thỏ, chỗ nào dán lông bụng. Ngày nay, vì nhiều lý do, họ không dùng lông thỏ thật nữa, nhưng dùng lông giả thì cũng phải biết cách tỉa lông sao cho giống lông lưng, lông bụng thỏ thật.

Trước năm 1975, người ta dùng giấy bóng kính Nhật Bản rất tốt, dai, nên ngoài lông thỏ, người ta còn dán mặt mài (các miếng kim loại hình tròn thúc nổi) lên lồng đèn. Giấy bóng Trung Quốc ngày nay bở và mỏng nên không dán mặt mài được vì giấy yếu không chịu nổi. Vẽ màu lên giấy Trung Quốc còn bị loang màu nên cũng khó cho thợ.

Cách vẽ vẩy cá lên đèn theo lối xưa cũng đơn giản thôi mà những người tay nghề cao nhất hiện nay tập mãi không xong. Nhưng dù sao mấy em tôi làm việc cùng hiện nay vẫn rất cố gắng khắc phục vấn đề này...

Làm lại đèn trung thu xưa vì thương con trẻ thời nay - Ảnh 5.

Hình vẽ con gà bột có đế tròn trong sách của Henri Oger đầu thế kỷ 20 (phải), và “bánh” con gà bột tẻ có đế tròn, tức là con tròn đặc sản của làng Xuân La (trái). Các vòng cuộn đa sắc là nét đặc trưng của con giống bột Xuân La

Tại sao ông dành nhiều thời gian trong đời để phục dựng nhiều thứ đến vậy?

- Vì tôi thấy văn hóa cổ truyền của nước mình quá đẹp. Tôi đã biết và được hưởng nền văn hóa đó nên niềm tự hào dân tộc của tôi rất cao. Một phần nữa là vì tôi thấy tội nghiệp trẻ con ngày nay. Những gì tôi được hưởng ngày xưa đẹp quá mà giờ chúng không được hưởng.

Trong khi đó, các nghề truyền thống trong nước cứ mất dần đi trước mắt mình. Không làm gì đó thì sẽ mất hết. Nhiều người nói tôi mất của, mất công đi “vác tù và hàng tổng” nhưng tôi không nghĩ thế.

Vì chiều con nên song thân tôi thường mua cho tôi rất nhiều con giống, đèn Trung thu hình con thỏ, con cá... mỗi năm. Sau này khi thấy con giống bột không còn nữa, tôi vẫn đau đáu tìm cách nào để mang nó trở lại được với đời sống, vì thấy thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt.

Trịnh Bách

Ông làm cách nào để động viên những người làm đồ thủ công tiếp tục theo đuổi nghiệp này?

- Đấy là do tự thân họ. Không ai có thể làm cho ai làm việc gì nếu tự thân họ không muốn. Và thứ đến là do duyên mà gặp nhau thôi. Tôi đã gặp rất nhiều thợ và nghệ nhân của mọi ngành nghề, chỉ có những người có đầu óc cầu tiến mới trụ lại và thành công với nghề của họ.

Em Đặng Văn Hậu là một ví dụ. Tôi gặp Hậu từ năm cậu ấy mới 13-14 tuổi nhưng từ lúc đó tôi đã thấy được một tiền đồ tốt đẹp, qua sự thông minh, óc cầu thị và nhất là lòng kiên nhẫn, chí thú ở em. Quả nhiên, sau hơn mười năm thầm lặng miệt mài, hiện nay Hậu đã khôi phục được nghệ thuật nặn của gần như tất cả các dòng con giống bột Trung thu cổ truyền của Việt Nam.

Dù là dòng con giống Phố Khách rất khó của Hà Nội mà những tưởng đã thất truyền từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Hay bà Nguyệt Ánh như đã nhắc đến ở trên cũng thế, tôi gặp được bà cũng là do duyên. Những mâm ngũ quả, đôi hài theo phong cách Đồng Xuân Hà Nội của bà sẽ làm xúc động bất cứ ai đã có thời được biết các con giống bột này. Tất cả đã tưởng như đã mất...

Làm lại đèn trung thu xưa vì thương con trẻ thời nay - Ảnh 8.

Bộ dụng cụ làm con going Phố Khách

Trong việc khôi phục trang phục hoàng cung, việc ông tuân thủ “niêm luật” thêu chặt chẽ đến từng milimet là dễ hiểu. Nhưng khi làm những đồ thủ công dân gian, tại sao ông cũng đòi hỏi phải chuẩn từng milimet như thế?

- Nguyên tắc khi đã khôi phục một nghề cổ truyền thì phải làm đúng như các cụ truyền lại. Bởi đó là kinh nghiệm ngàn năm đúc kết để tạo ra những sản phẩm đẹp và tiện dụng mà không ai có thể bàn cãi được.

Mới đây tôi đã thử đem vài con giống bột Trung thu cổ truyền ra phố đi bộ Hà Nội bày cùng các sản phẩm gọi là tò he hiện nay.

Thật lạ là từ người lớn đến trẻ con đều chọn những con giống bột này. Con giống bột có sức hút kỳ lạ. Điều đó cho thấy những cái gì đã được đúc kết lại từ kinh nghiệm lâu năm để trở thành cái đẹp chuẩn rồi thì khó có gì thay thế hay vượt trội được.

Khi mình chưa biết gì thì trước tiên hãy cứ học và làm đúng như những cái gốc đã được hình thành từ kinh nghiệm lâu đời và được công nhận là tiêu chuẩn đã. Có được cái căn bản rồi thì từ đó có muốn chế tác sang hướng mới nào cũng dễ được người ta tiếp nhận.

Xin cảm ơn ông.■

Làm lại đèn trung thu xưa vì thương con trẻ thời nay - Ảnh 9.

Mâm cỗ Trung Thu với đĩa con giống bột. (Ảnh: Trịnh Bách)

"Con giống bột ở miền Bắc được phân làm hai loại chính. Thứ nhất là loại làm bằng bột hoành tinh pha bột nếp, khi khô được quang dầu cho bóng. Vì bột chỉ trộn lên, vẫn để sống rồi nặn và sau đó lại quang dầu, nên không ăn được, dù trong bột có lẫn đường gần như bột làm bánh dẻo. Miền Bắc có Hà Nội, Hải Dương chuyên làm con giống bột.

Loại con giống bột thứ hai là loại làm bằng bột tẻ pha ít bột nếp, mà sau khi chơi đêm rằm xong có thể hấp lên ăn được. Loại này nguyên thủy gọi là bánh chim cò.

Ở miền trong như Huế, Quảng Nam thì con giống làm bằng bột lọc gọi là con bột hay con bột lọc, có thể hấp lên ăn được. Riêng ở Quảng Nam và Bình Thuận, hiện ngoài phố vẫn bán những con giống bằng đất nung thổi được ra tiếng do người dân Hội An và Bàu Trúc sản xuất, gọi là con tò he".

Trịnh Bách

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận