08/09/2017 05:20 GMT+7

Làm ăn kiểu chớp nhoáng ở các giải quần vợt

THÁI HÀ
THÁI HÀ

TTO - Robin Soderling, VĐV quần vợt người Thụy Điển gây một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử làng banh nỉ khi hạ “ông vua sân đất nện” Rafael Nadal ở Giải Pháp mở rộng 2009.

Tại vòng 1 Giải Pháp mở rộng năm 2014, tay vợt xếp hạng 111 thế giới Virginie Razzano đánh bại số 1 nữ thế giới Serena Williams. Đầu năm nay, tại Giải Úc mở rộng, tay vợt hạng 117 hạ số 2 thế giới Novak Djokovic.

Lô-gô “đẻ” ra tiền

Điểm chung của các tay vợt tạo ra những bất ngờ trên sân quần vợt này là họ đều đeo miếng lô gô quảng cáo của hãng Guinot trên áo. Guinot là một hãng mỹ phẩm, bán các sản phẩm chăm sóc da, sắc đẹp của Pháp. Cách giới thiệu nhãn hàng của Guinot ra với thế giới không giống ai: họ ký hợp đồng chớp nhoáng với các tay vợt ít tên tuổi, và có khi hợp đồng đó chỉ kéo dài có một trận đấu. Chiến thuật này được họ bắt đầu thực hiện vào năm 2008, với sự trợ giúp của IMG, công ty quản lý các VĐV thể thao lớn nhất thế giới.

Khi có kết quả bắt thăm xếp cặp ở các giải đấu lớn, có lịch xếp sân thi đấu, Guinot thông qua IMG tiếp xúc với tay vợt ít danh tiếng, là đối thủ các ngôi sao quần vợt, để soạn thảo hợp đồng ngay. Ví dụ, như ở Giải Mỹ mở rộng (US Open), một trong bốn giải quần vợt lớn nhất hàng năm, đang diễn ra, khi tay vợt người Serbia Dusan Lajovic được bắt thăm đấu với Nadal ở vòng đầu tiên, trên sân đấu trung tâm, sẽ được truyền hình khắp thế giới, Guinot tìm đến Lajovic.

Dusan Lajovic trong trận đấu với Nadal. Ảnh: REUTERS

Như vậy, nhãn hiệu của Guinot cùng với Lajovic sẽ được xuất hiện rộng rãi trước bàn dân thiên hạ. Một hợp đồng như vậy tốn của Guinot vài ngàn USD, nhiều nhất là 10.000 USD, tùy theo thứ bậc của các tay vợt trên bảng xếp hạng. Trong khi để “mua” Nadal là không thể, hợp đồng của Nadal ký với hãng trang phục thể thao Nike trong 5 năm (2014-2018) có giá trị 50 triệu USD.

Quy định về lô-gô quảng cáo trên trang phục các tay vợt khá nghiêm ngặt, đặc biệt là tại các giải thuộc hệ thống Grand Slam như Mỹ mở rộng: chỉ được hai miếng lô-gô trên áo, quần hoặc mũ (ngoài lô-gô của hãng sản xuất trang phục), mỗi miếng không vượt quá 6 inch vuông (38,7 cm2). Nếu tay vợt mới chỉ quảng cáo cho một hãng thì Guinot sẽ nhảy vào lấy nốt vị trí còn lại. Nếu tay vợt vẫn còn hai chỗ để dán lô-gô, Guinot sẽ đưa thêm nhãn hàng Mary Cohr của họ vào nữa. Các tay vợt đính (khâu hoặc ủi) lô-gô Guinot đưa cho họ, nộp cho ban tổ chức kiểm tra trước khi vào thi đấu.

Hợp đồng chớp nhoáng

Tại Giải Úc mở rộng 2015, tay vợt Mỹ Tim Smyczek bắt thăm đấu với Nadal ở vòng đầu tiên. Anh cũng ký hợp đồng chớp nhoáng với Guinot. Anh mang 8 chiếc áo đính lô-gô đến ban tổ chức nhưng chỉ được duyệt có 5 cái. Trận đó, Smyczek chơi hay bất ngờ, kéo Nadal đến 5 ván đấu. Cuối trận, hết áo, Smyczek phải dùng đến chiếc áo không dán lô-gô. Nhưng Guinot vẫn “lời”, và Smyczek ra về có thêm một khoản tiền nữa, ngoài tiền thưởng từ ban tổ chức.

Hợp đồng quảng cáo có thể kéo dài đến khi nào tay vợt bị loại khỏi giải. Trong tuần đầu ở giải, các tay vợt quảng cáo cho Guinot là Radu Albot, Timea Babos, Viktoria Kuzmova, Dusan Lajovic, Feliciano Lopez, Elise Mertens bị loại. Tay vợt hạ Maria Sharapova ở vòng 4 để lọt vào tứ kết là Anastasija Sevastova cũng quảng cáo cho Guinot và đó là cú làm ăn tuyệt vời của Guinot. Nhưng chưa vụ làm ăn nào tuyệt vời bằng ở Giải Wimbledon 2013, khi Marion Bartoli đeo cả lô-gô Guinot lẫn Mary Cohr và giành cúp vô địch đơn nữ.

Tay vợt Đức Angelique Kerber quảng cáo cho Porsche. Ảnh: REUTERS

Nếu so hiệu quả thì chắc chắn Guinot ăn đứt hãng xe Porsche tài trợ cho tay vợt Angelique Kerber, đương kim vô địch giải mà bị loại ngay tại vòng 1 US Open năm nay. “Ký hợp đồng dài hạn có nhiều rủi ro, chúng tôi biết, và cách làm của Guinot rất hay. Nhưng chiến lược đó không phù hợp với vị thế của chúng tôi”, bà Viktoria Wohlrapp, người phát ngôn Porsche, trả lời phỏng vấn tờ The New York Times.

Một vài hãng trang phục cấm các vận động viên của họ quảng cáo cho nhãn hàng khác vì hợp đồng của họ quá lớn, ví dụ như Nike, nên Nadal hay Roger Federer thường là mặc áo “sạch”. Một số tay vợt không bị bắt buộc như vậy, nhưng cũng từ chối quảng cáo chớp nhoáng, như Svetlana Kuznetsova, bởi cô xem mình cũng là một thương hiệu có giá, chỉ ký những hợp đồng dài hạn.

Svetlana Kuznetsova chỉ kí những hợp đồng dài hạn. Ảnh: REUTERS

Nhưng thường các tay vợt không “chảnh” quá mức. Tay vợt Mỹ Sam Querrey đeo lô-gô Guinot hạ số 1 thế giới Andy Murray trong trận tứ kết Wimbledon 2017. Đến trận bán kết, anh tháo lô-gô của Guinot ra đeo lô-gô của hãng máy bay tư nhân Wheels Up với số tiền thù lao cao hơn. “Tôi không quan tâm tôi đeo lô-gô của hãng nào, đến Guinot hay Mary Cohr tôi còn không biết họ sản xuất hàng gì, tôi chỉ quan tâm đến việc tôi có thêm tiền”, Querrey nói.

THÁI HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: US Open