16/02/2017 00:58 GMT+7

Kỳ tích không gian mang tên Ấn Độ

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Kỳ tích không gian mang tên Ấn ĐộSáng 15-2, Ấn Độ làm nên lịch sử ngành hàng không vũ trụ thế giới khi phóng thành công 104 vệ tinh vào không gian chỉ với 1 tên lửa, phá kỷ lục phóng 37 vệ tinh năm 2014 do Nga nắm giữ.

Người dân Ấn Độ theo dõi vụ phóng tên lửa mang vệ tinh lập kỷ lục ngày 15-2 - Ảnh: Reuters
Người dân Ấn Độ theo dõi vụ phóng tên lửa mang vệ tinh lập kỷ lục ngày 15-2 - Ảnh: Reuters

Trong lần phóng mới nhất này, tên lửa PSLV C37 mang theo 3 vệ tinh của Ấn cùng 101 vệ tinh nano, mỗi cái nặng chưa đến 10kg, từ 6 quốc gia là Mỹ, Kazakhstan, Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) tuyên bố đây là lần phóng phức tạp nhất và có thời gian đếm ngược ngắn nhất trong lịch sử tên lửa PSLV. Năm 2016, Ấn Độ từng phóng 20 vệ tinh một lần, nhưng vẫn không là gì so với 104 vệ tinh lần này.

Tham gia thị trường tiền tỉ

Theo nhật báo Hindustan Times của Ấn Độ, tên lửa PSLV có tải trọng 1.500kg, và lần phóng này mang theo tổng khối lượng vệ tinh là 1.378kg. Vệ tinh nặng nhất là CartoSat-2 của Ấn Độ có khối lượng 714kg và nhẹ nhất là Nayif của UAE chỉ 1,1kg.

Trước tiên, PSLV phóng vệ tinh CartoSat-2 làm nhiệm vụ quan sát Trái đất, sau đó thả tiếp 103 vệ tinh khác vào quỹ đạo đồng bộ với quỹ đạo mặt trời, cách Trái đất khoảng 520km.

Các vệ tinh này sẽ được dùng cho việc thiết lập bản đồ Trái đất, theo dõi tàu thuyền để giám sát việc đánh bắt trái phép và cướp biển, cũng như tiến hành các thử nghiệm không trọng lực.

Theo phân tích của Hindustan Times, ý nghĩa thực sự của vụ phóng lần này còn là cho phép ISRO kiểm tra khả năng phóng nhiều vệ tinh nhỏ.

"Các vệ tinh thứ cấp thường không lớn lắm, vì vậy có thể mang được số lượng nhiều - ông Ramabhadran Aravamudan, cựu giám đốc Trung tâm vệ tinh của ISRO, giải thích - Công nghệ chính là làm sao phóng theo một trình tự để các vệ tinh này không vướng vào nhau và đi vào quỹ đạo riêng biệt”.

Điều này là rất quan trọng nếu Ấn Độ muốn xâm nhập thị trường vệ tinh nano và vi vệ tinh toàn cầu, dự kiến sẽ đạt đến 3 tỉ USD trong 3 năm tới.

Khảo sát của ISRO cũng chỉ ra rằng khoảng 3.000 vệ tinh dự kiến sẽ được phóng vào quỹ đạo trong 10 năm tới để phục vụ công tác điều hướng, hàng hải, giám sát và các ứng dụng vũ trụ khác.

Đồng thời, việc mang một số lượng lớn các vệ tinh nhỏ thay vì chỉ mang một vài cái nặng vào quỹ đạo cũng có nghĩa là công tác thu thập hình ảnh có thể diễn ra thường xuyên hơn.

Việc này có khả năng làm nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp không gian vũ trụ về cách mà người ta sử dụng vệ tinh, thậm chí có thể giúp ngư dân xác định và theo dõi sản lượng khai thác, hoặc phát hiện thiên tai như động đất.

Số liệu của chính phủ cho thấy đến trước khi phóng PSLV C37, Ấn Độ đã phóng 79 vệ tinh của 21 nước, trong đó có cả vệ tinh của các công ty lớn như Google và Airbus, mang về cho nước này ít nhất 157 triệu USD.

Thời của châu Á

Tiếp nối thành công của PSLV C37, Ấn Độ sẽ phóng tiếp tàu chinh phục Mặt trăng thứ hai của mình trong nửa đầu năm 2018, tức 10 năm sau khi trở thành quốc gia thứ 4 cắm cờ trên Mặt trăng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Sau khi đáp xuống Mặt trăng, tàu Chandrayaan-2 dự kiến phóng ra một xe thăm dò bề mặt để thu thập đất đá.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng có kế hoạch phóng tàu thám hiểm Mặt trời và sao Kim, cũng như phát triển tàu thám hiểm có người lái với nhiều hi vọng thành công.

Các chuyên gia nhận định cuộc chạy đua vào không gian hiện đang xoay trục sang châu Á với nhiều kế hoạch đua nhau thăm dò không gian trong những năm tới.

“Từ lâu tôi đã nói rằng cuộc đua thực sự là ở châu Á” - Đài CNN trích phát biểu của giáo sư Joan Johnson-Freese, chuyên gia không gian của Trường cao đẳng Hải quân Mỹ.

Một đối thủ nặng ký của Ấn Độ ở châu Á là Trung Quốc, hiện cũng đang khá tất bật với nhiều kế hoạch.

Tháng 4 này, Trung Quốc dự kiến thử tàu chở hàng và tiếp tế vũ trụ Tianzhou-1, một bước quan trọng cho trạm không gian của nước này dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2022.

Bên cạnh mong muốn đáp một xe thăm dò lên sao Hỏa, cuối năm nay Trung Quốc cũng sẽ gửi một tàu thăm dò và thu thập mẫu đất trên Mặt trăng, trước khi trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống bề mặt che khuất của Mặt trăng vào cuối thập kỷ này như kế hoạch đã vạch ra.

Một quốc gia khác đang đẩy mạnh nghiên cứu không gian là Nhật Bản, với kế hoạch đáp một cỗ xe thăm dò không người lái trên bề mặt Mặt trăng vào năm 2018.

Tháng 11 năm ngoái, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản cũng ban hành hai dự luật cho phép các công ty tư nhân đi vào không gian dễ dàng hơn.

Rẻ mà chất lượng

Hình thành từ năm 1962, nhưng đến năm 2014 chương trình không gian của Ấn Độ mới ghi dấu ấn trong ngành nghiên cứu không gian quốc tế với tàu Mangalyaan, tàu thăm dò sao Hỏa thành công đầu tiên của châu Á.

Con tàu này nổi tiếng vì được phóng lên sao Hỏa chỉ với chi phí 74 triệu USD, ít hơn cả kinh phí 100 triệu USD làm phim Gravity - bộ phim giả tưởng về không gian của Hollywood.

Theo bà Rajeswari Pillai Rajagopalan - người đứng đầu chương trình chính sách không gian và hạt nhân của Quỹ Nghiên cứu quan sát viên Ấn Độ, con tàu này đã thiết lập được uy tín của Ấn Độ như là một cường quốc trong ngành không gian, và có tiềm năng về lợi ích kinh tế trong lĩnh vực phóng vệ tinh ở quy mô lớn.

Ông Uday Bhaskar - giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu chính sách - khẳng định Ấn Độ có thể đưa một vệ tinh vào không gian với mức giá thấp hơn các nước khác 60-70%, phần lớn nguyên nhân là do chi phí lao động rẻ hơn.

Ví dụ, mức lương của các kỹ sư hàng không vũ trụ có tay nghề cao ở Ấn Độ chỉ khoảng 1.000 USD mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp ở châu Âu hoặc Mỹ.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên