21/01/2017 00:59 GMT+7

Kỳ 2: Dạy cả cách đi đứng, nói năng

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Thay vì chỉ chú trọng các môn khoa học cơ bản, nặng tính hàn lâm, nhiều trường sư phạm đã điều chỉnh mạnh mẽ chương trình đào tạo, trong đó có nhiều cái trước đây chưa từng được tính đến thì giờ đã được xem như nội dung học tập bắt buộc.

Sinh viên khoa sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 tổ chức giờ sinh hoạt lớp tại trường phổ thông - Ảnh: V.H.
Sinh viên khoa sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 tổ chức giờ sinh hoạt lớp tại trường phổ thông - Ảnh: V.H.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết từ năm 2013 trường đã tiến hành xây dựng lại chương trình đào tạo. “Đây là lần thay đổi tổng thể nhất từ trước đến nay. Từ chỗ chỉ có 17-18% thời lượng dành cho dạy nghiệp vụ, chúng tôi nâng lên 25% với 34 tín chỉ” - GS Minh cho biết.

Thú vị 25% thời lượng

Chương trình được đưa vào giảng dạy năm 2014 và hiện được nhiều trường sư phạm như ĐH Sư phạm TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, khoa sư phạm Trường ĐH Vinh sử dụng theo tỉ lệ 70% là chương trình của ĐH Sư phạm Hà Nội và 30% là phần các trường linh hoạt bổ sung.

Điều thú vị mà GS Minh cho biết chính là những thay đổi nằm trong 25% dạy nghiệp vụ. Sinh viên không phải chỉ được hướng dẫn soạn giáo án theo chuyên môn được học, dạy thử mà được học và rèn luyện những việc rất nhỏ chưa từng được các trường sư phạm tính đến trước đây.

“Sinh viên sẽ được dạy cách đi đứng, nói năng, sửa ngọng, cách đọc, trình bày, giao tiếp với phụ huynh, với học sinh, cách sử dụng thiết bị dạy học. Thậm chí cả cách viết bảng và ghi nhận xét cho học sinh như thế nào cũng phải học” - GS Minh cho biết.

Tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, trường thực hành của ĐH Sư phạm Hà Nội I trong đợt thực tập mới đây nhất, nhiều sinh viên cho biết các em được dạy cả cách xưng hô như thế nào với học sinh, cách sinh viên nói chuyện với nhau trước mặt học sinh.

Cô Thu Anh, hiệu trưởng trường này, kể: “Giáo sinh về trường tôi đều lơ ngơ. Nói chính xác các bạn ấy chỉ “lớn hơn” học sinh chúng tôi một chút. Thế nên để rèn cho các bạn ấy phải rất kỹ, không chỉ chuyên môn và mọi mặt tạo nên “hình ảnh người thầy”.

Ví dụ khi tiếp xúc với phụ huynh, vì còn trẻ nên các bạn ấy lúng túng, xưng hô thế nào với cha mẹ học sinh cũng không biết. Hoặc khi nói chuyện với học sinh trong lớp thì vẫn quen dùng ngôn ngữ tuổi teen. Tất cả những cái đó tôi đều phải nhắc giáo viên phụ trách hướng dẫn kỹ”.

TS Đỗ Hồng Cường, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô, chia sẻ trong những năm gần đây khi xây dựng nội dung rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên, trường đã chú trọng đến những kỹ năng rất thông thường nhưng lại cần thiết cho giáo viên như khả năng nói trước đám đông, khả năng thuyết trình, khả năng bao quát các đối tượng học sinh, thậm chí cả khả năng “dẹp trật tự” trong lớp, làm sao để học sinh nghe theo mệnh lệnh của giáo viên...

Điểm mới trong môn học cũ

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I, trường này thành lập hẳn một trung tâm nghiên cứu phát triển nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn sinh viên “trở thành một giáo viên”. Nhưng theo GS Minh, đó chỉ là một khâu, việc rèn nghiệp vụ còn đưa vào quá trình dạy các môn khoa học cơ bản.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả giảng viên dạy các môn khoa học cơ bản đều phải soi kiến thức mình dạy vào chương trình phổ thông hiện nay để tránh dạy xa rời thực tiễn dạy học ở phổ thông. Giáo viên dạy môn khoa học cơ bản cũng phải rèn nghiệp vụ cho sinh viên qua chính các bài giảng môn toán, văn, lý, hóa...

TS Đỗ Hồng Cường - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô - cho biết khác với trình tự trước đây sinh viên học các môn đại cương trước rồi mới học các môn khoa học cơ bản, hiện nay trường này đang áp dụng quy trình ngược lại. Sinh viên năm nhất sẽ học ngay các môn khoa học cơ bản theo chuyên ngành đăng ký. Một số môn học như tâm lý học, giáo dục học trước đây xếp vào năm thứ nhất giờ chuyển sang năm cuối.

“Sinh viên năm nhất khó tiếp cận với những kiến thức tâm lý học, giáo dục học. Nhất là chương trình của môn học này trước đây quá hàn lâm. Vì vậy cùng với việc điều chỉnh nội dung kiến thức, chúng tôi thay đổi trình tự cho hợp lý” - ông Cường giải thích.

PGS.TS Lê Kim Long - hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết chương trình đào tạo của trường ông có thêm những “món mới”. Ví dụ như môn học đo lường và đánh giá trong giáo dục với quy định là ba tín chỉ. Đây là nội dung trước đây đã có trong chương trình đào tạo sư phạm nhưng chưa đặt thành môn học độc lập có tính bắt buộc.

PGS.TS Lê Kim Long cho biết ông còn muốn đưa vào nhiều nội dung thiết thực trong đào tạo giáo viên như giáo dục thẩm mỹ, giáo dục dinh dưỡng, giáo dục giá trị sống, những nội dung nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công tác giáo dục học sinh ở trường phổ thông.

Đào tạo nối tiếp...

Thực tế ở Việt Nam đang phổ biến hai mô hình đào tạo sư phạm: đào tạo song song theo truyền thống và đào tạo nối tiếp hiện đại.

Trong đó, mô hình đào tạo song song đang được triển khai ở hầu khắp các trường, khoa sư phạm theo cách thức sinh viên vừa được đào tạo khoa học cơ bản và khoa học chuyên ngành, vừa được đào tạo sư phạm.

Ở mô hình này, giáo viên bậc mầm non và tiểu học thường được đào tạo dạy toàn diện, giáo viên THCS được đào tạo dạy hai môn và giáo viên THPT được đào tạo dạy một môn.

Còn lại, mô hình đào tạo nối tiếp được chia thành hai giai đoạn: đào tạo khoa học cơ bản và khoa học chuyên ngành trước, sau đó đào tạo nghề sư phạm.

PGS.TS Lê Kim Long cho hay mô hình đào tạo nối tiếp đang được trường triển khai, nhằm đào tạo cử nhân hệ chính quy cho sinh viên có định hướng theo học ngành sư phạm ngay từ đầu.

Theo đó hệ đào tạo này được thực hiện theo mô hình 3+1. Ba năm đầu đào tạo kiến thức khoa học cơ bản tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, năm thứ tư đào tạo khối kiến thức chuyên ngành, khoa học sư phạm - giáo dục tại Trường ĐH Giáo dục.

“Hiện nay các nhà trường gán cho giáo viên chủ nhiệm quá nhiều nhiệm vụ không phải chuyên môn được học. Giáo viên chủ nhiệm phải có hiểu biết xã hội, nắm tâm lý lứa tuổi, có kỹ năng trong ứng xử giáo tiếp xã hội... Trong khi ở trường sư phạm họ không được học đầy đủ."

PGS.TS LÊ KIM LONG

 

------

Kỳ cuối: Phải gắn kết thành một chuỗi

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên