17/07/2014 02:11 GMT+7

Ý chí thay đổi nghịch cảnh

NGÔ THIÊN PHÚC - MỸ TÀI
NGÔ THIÊN PHÚC - MỸ TÀI

TT - Dù hoàn cảnh, ngành nghề khác nhau song những bạn trẻ nhận học bổng “Nhất nghệ tinh” 2014 đều có một điểm chung: không bao giờ gục ngã trước số phận và hoàn cảnh của mình.

xui9zZeY.jpg
Nguyễn Thị Duyên hằng ngày vẫn đến công xưởng, tối về lên lớp theo đuổi ước mơ con chữ - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Trong căn phòng trọ chừng 12m2 xập xệ gần KCN Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) của cô công nhân Nguyễn Thị Duyên (25 tuổi, lớp kế toán Trường trung cấp Kinh tế Đồng Nai), thứ đáng giá nhất là... góc học tập với những quyển giáo trình, tập vở, chiếc máy tính... Nơi đây được Duyên giải thích là “nơi tôi đang thực hiện lời hứa của bản thân từ ngày đi làm” - lời hứa dang dở hơn ba năm trước ở quê nhà.

Ngày làm thợ, tối cầm bút

Mồ côi mẹ, học xong trung học phổ thông, gia đình khó khăn nên Duyên tạm gác lại con đường học vấn của mình, rời Hà Tĩnh vào TP.HCM mưu sinh phụ giúp bố. Ngày bạn bè kéo nhau đi thi đại học, Duyên cầm tờ giấy báo thi lặng lẽ khóc rồi tự hứa sẽ tiếp tục đến trường khi nào có cơ hội.

Sau một năm chạy bàn đám cưới, Duyên về Đồng Nai xin vào làm công nhân tại Công ty Mitsuba (KCN Long Bình). Vào Nam được hai năm thì bố qua đời, anh chị cả đã lập gia đình nên gánh nặng lo cho các em ăn học đều đặt lên vai Duyên.

Cuộc sống công nhân vất vả là thế, song Duyên vẫn quyết định thực hiện lời hứa ngày nào là tiếp tục đi học. Thế là ban ngày Duyên vào công xưởng làm việc, tối lại lọc cọc đạp xe hơn 30 phút đến trường. Với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng, Duyên tiện tặn đủ chi trả cho cuộc sống xa nhà, lo cho các em cùng học phí ở trường. “Sau khi học xong trung cấp mình muốn học liên thông lên cao đẳng và đại học để có thể tìm được một công việc ổn định, có tiền chăm lo các em được đến trường” - Duyên chia sẻ.

KZw5pOZB.jpg
Trần Vĩnh Tiến lắp đèn giùm cho gia đình hàng xóm - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Ước mơ làm chàng thợ điện giỏi nghề

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ ly hôn nên từ nhỏ Trần Vĩnh Tiến (20 tuổi, lớp điện công nghiệp Trường trung cấp nghề Khu công nghiệp Bình Dương) đã phải sống với bà ngoại. Thương cháu ngoan hiền học giỏi nên dù bị khuyết tật nhưng hằng ngày bà vẫn lượm ve chai, buôn bán nhỏ kiếm từng đồng nuôi Tiến ăn học. Học xong lớp 12, gác lại ước mơ đại học giao thông vận tải, Tiến theo người chú làm thợ điện trong xã đi phụ việc quanh xóm. Từ những lần đi theo lắp bóng đèn, kéo dây thắp sáng những khu rẫy xa khiến Tiến càng thích thú nghề điện. Ước muốn nâng cao tay nghề và có kiến thức vững vàng hơn đã thôi thúc Tiến nộp hồ sơ vào học ngành điện công nghiệp.

Ngoài thời gian đến trường, Tiến tự tìm việc làm thêm kiếm sống bất kể công việc có nặng nhọc đến đâu. Hiện Tiến vừa đi học vừa làm việc tại một dự án thầu hệ thống điện ở khu chung cư, thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. “Ước muốn của mình là sớm đi làm để có tiền chữa bệnh cho bà ngoại và trở thành một chàng thợ điện giỏi nghề trong tương lai” - Tiến nói.

0mIeNnCq.jpg
Tô Duy Ngọc phụ rửa xe trong những ngày hè - Ảnh: Mỹ Tài

“Thợ đụng” nuôi ước mơ

Trong bức thư gửi đến ban tổ chức học bổng, cô nữ sinh Tô Duy Ngọc (20 tuổi, lớp lễ tân Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu) viết: “Ba mẹ ly hôn, mình được ông bà nuôi nấng cùng sự giúp đỡ của chòm xóm và các sư cô một ngôi chùa gần nhà. Nhưng rồi kinh tế khó khăn ông bà phải bán nhà, chuyển về ở nhờ nhà dì. Mấy năm nay bà ngoại (81 tuổi) bị gai cột sống không đi đứng được nhiều, ông ngoại (85 tuổi) chỉ có thể ở nhà làm công việc lặt vặt phụ dì nên không thể tiếp tục chu cấp cho em”.

Đó cũng chính là lý do khiến Ngọc phải từ bỏ ước mơ đại học để đi làm “thợ đụng”, mưu sinh với đủ thứ việc từ phụ quán cơm, bưng bê ở tiệm cà phê, dạy thêm đến rửa xe, tạp vụ... nhằm phụ giúp ông bà.

Tình cờ trên đường đi làm, Ngọc thấy Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu tuyển sinh các lớp, trong đó có lễ tân. Và khát vọng được đến trường trỗi dậy trong cô gái. Quyết định đi học, Ngọc đem toàn bộ số tiền dành dụm được trong một năm đi làm để đóng học phí, mua sách vở và đóng tiền ở ký túc xá. “Ban đầu mình chọn ngành này vì học phí rẻ, nhưng càng học càng thấy thích và có động lực để tiếp tục theo đuổi, vì Vũng Tàu có nhiều cơ hội cho những ai học nghề lễ tân” - Ngọc bộc bạch.

Từ đó, Ngọc vừa phải lên lớp, vừa đi làm thêm để có tiền học. Hè năm nay được nghỉ hai tháng, Ngọc xin đi làm thợ rửa xe tại một tiệm rửa xe nhỏ bên bãi biển Vũng Tàu, đồng thời kiêm luôn dạy kèm hai người con của cô chủ và phụ giúp việc nhà với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Ngọc chia sẻ về con đường đi của mình: “Ước mơ không mất khi bạn có niềm tin và lòng quyết tâm nuôi dưỡng, rồi một ngày bạn sẽ làm được”.

“Nhất nghệ tinh” 2014 đến với 200 bạn trẻ

Học bổng “Nhất nghệ tinh” 2014 sẽ được trao cho 200 bạn trẻ là học sinh, học viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề tại bảy tỉnh thành Đông Nam bộ. Mỗi học bổng trị giá 5 triệu đồng, mỗi tỉnh 25 suất, riêng TP.HCM 50 suất. Lễ trao học bổng diễn ra lúc 10g ngày 18-7-2014 tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM).

LÊ VÂN

NGÔ THIÊN PHÚC - MỸ TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên