22/10/2013 03:40 GMT+7

O bế doanh nghiệp, bỏ quên người dùng

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Xung quanh việc tăng gói cước 3G của ba nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone được lãnh đạo Cục Viễn thông giải thích lại gây bức xúc trong dư luận.

Bởi cơ quan này đã ra sức bảo vệ doanh nghiệp bằng lập luận quản lý giá cước theo kiểu không cho bán dưới giá thành, tức quyền lợi của doanh nghiệp được đảm bảo, nhưng lại thả nổi chất lượng cho doanh nghiệp tự quyết, tức bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng.

Chất lượng phập phù là nhận xét của đa số người dùng về dịch vụ 3G của các nhà mạng. Họ đã kêu ca từ rất lâu nhưng không được cải thiện. Trong khi đó, lãnh đạo Cục Viễn thông lại cho biết chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng cho dịch vụ 3G. Vì thế vẫn chỉ quản lý, kiểm tra theo cam kết của doanh nghiệp.

Dịch vụ 3G được đưa ra thị trường từ năm 2009. Như vậy, suốt bốn năm qua cơ quan quản lý đã thả nổi chất lượng. Theo một chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp không dại gì đăng ký chất lượng cao vì họ đăng ký đến đâu thì quản lý đến đó. Trong khi đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, lẽ ra ngay từ khi bắt đầu phát triển dịch vụ 3G, thậm chí trước khi nhà mạng chính thức kinh doanh, cơ quan quản lý chuyên ngành đã phải xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng để giám sát chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp. Đơn vị nào không đạt tiêu chuẩn phải công khai thông tin cho người dùng, thậm chí xử phạt, yêu cầu nâng cấp dịch vụ.

Cơ quan quản lý ngành được lập ra nhằm mục đích xây dựng cơ chế, chiến lược phát triển thị trường, đảm bảo việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cái đích của thúc đẩy sự phát triển thị trường cuối cùng phải là để người tiêu dùng được sử dụng những dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý, doanh nghiệp vẫn có nguồn lực để kinh doanh. Nhưng, một thị trường mà chỉ có bốn doanh nghiệp tham gia, trong đó ba “ông lớn” nắm vị trí thống lĩnh, lợi nhuận của những doanh nghiệp này lên đến hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm không cần cơ quan quản lý phải kề vai sát cánh. Ngược lại, người tiêu dùng yếu thế, không có sự lựa chọn mới là đối tượng cần được bảo vệ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng quản lý giá cả phải gắn với chất lượng. “Không thể tiếp tục làm theo cam kết của doanh nghiệp, ngay lập tức Bộ Khoa học và công nghệ phải cùng với Vụ Công nghệ của Bộ Thông tin - truyền thông hoàn thành việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho dịch vụ 3G với những tiêu chí rõ ràng và có cơ quan giám sát”.

Ông Long cho rằng song song đó các cơ quan nhà nước phải quản lý phải tôn trọng quy định của pháp luật. Luật cạnh tranh cho tăng đến đâu thì chỉ được tăng đến ngưỡng đó. Làm sai thì tất cả đều phải bị chế tài. Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương cũng không thể ngồi yên chờ doanh nghiệp báo cáo mà phải tự điều tra, dù rất khó nhưng vẫn phải làm. Hơn thế nữa, Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính cần vào cuộc. Có thể áp dụng Luật giá để siết lại việc tăng quá đà. Một thị trường mà các nhà mạng không cạnh tranh giá và chất lượng thì Nhà nước nếu cần cũng nên ấn định giá bán, dựa trên những yếu tố cấu thành giá hợp lý và phải có dữ liệu độc lập chứ không phải chỉ dựa trên đăng ký của doanh nghiệp.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MobiFone và Viettel tăng 40% cước 3GKhông nuốt trôi với giá cước 3GTăng giá cước 3G: bất thườngTăng cước 3G: Mắc nghẹn với chất lượng chưa tăngGiá cước 3G tăng, nhiều khách hàng muốn hủy đăng kýCước 3G: chưa quản chặt, dân còn thiệt

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên