07/08/2016 15:15 GMT+7

Kịch bản nào cho Thái Lan?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bất chấp những lời giải thích của chính quyền, bản dự thảo Hiến pháp được đưa ra trưng cầu dân ý hôm nay 7-8 vẫn bị chỉ trích là một bước thụt lùi dân chủ. Các lựa chọn cho Thái Lan không mấy sáng sủa.

Các binh sĩ Thái Lan xếp hàng đi bỏ phiếu trưng cầu ở Bangkok ngày 7-8 - Ảnh: Reuters
Các binh sĩ Thái Lan xếp hàng đi bỏ phiếu ở Bangkok ngày 7-8 - Ảnh: Reuters

Trước hết cần nhìn vào những thay đổi của bản dự thảo Hiến pháp thứ 20 này. Với lập luận rằng tham nhũng chính trị chính là nguyên nhân khiến đất nước bất ổn và chia rẽ trong một thập kỷ qua, bản dự thảo Hiến pháp, công bố hồi tháng 3-2016 để được góp ý, ngăn cản bất cứ đảng phái nào muốn nắm đa số trong chính phủ.

Nhiều tranh cãi

Một trong những điều tranh cãi nhất là nó cho phép chính quyền quân sự Thái Lan bổ nhiệm toàn bộ 250 ghế Thượng viện. Trước cuộc đảo chính, chỉ một nửa thành viên Thượng Viện được chỉ định trực tiếp và số còn lại được bầu.

Trong khi đó đối với 500 thành viên Hạ Viện, số ghế bầu theo tỉ lệ đại diện (tức các đảng giành số ghế theo tỉ lệ phiếu bầu) tăng lên và số ghế bầu từ các cuộc bỏ phiếu cấp quận giảm xuống. Số ghế tỉ lệ giành cho mỗi đảng cũng bị giới hạn. Những quy định này nhằm giảm sức mạnh của đảng Pheu Thai, đồng minh của phe “áo đỏ”, vốn giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001.

Điều đáng lưu ý tiếp theo là Thượng viện cũng được phép tham gia cùng Hạ viện bầu chọn thủ tướng, mở ra khả năng một tướng lĩnh quân đội có thể lên nắm quyền ở Thái Lan. Theo giới quan sát, đã có một kịch bản tương tự xảy ra sau cuộc đảo chính năm 1991 khi tướng Suchinda Kraprayoon nuốt lời hứa "sẽ không làm thủ tướng" sau cuộc tổng tuyển cử. Hậu quả là làn sóng biểu tình bùng nổ và bị trấn áp tàn khốc trong "Tháng năm đen tối" năm 1992.

Trấn áp mạnh

Quá trình soạn thảo bản văn kiện này hoàn toàn khép kín. Bất cứ ai lên tiếng chỉ trích đều bị trừng phạt hoặc bỏ tù, theo Luật trưng cầu dân ý 2016, chẳng hạn đóng cửa kênh Peace TV của phe đối lập hôm 22-7 hay buộc tội “cản trở tiến trình trưng cầu” với một nhóm bé gái 8 tuổi vì... xé danh sách cử tri dán trên tường.

Ít nhất 120 người đã bị “hỏi tội” vì phản bác bản dự thảo (điều này phần nào lý giải vì sao dân tình Thái Lan không mấy hào hứng với cuộc trưng cầu). “Dù bản Hiến pháp có được thông qua thì quá trình soạn thảo và việc chính phủ ngăn cấm thảo luận công khai cũng sẽ làm hoen ố bản Hiến pháp” - nhà phân tích Matthew Wheeler của International Crisis Group bình luận.

Kiểu nào cũng khó

Nhưng nếu văn kiện được thông qua và tổng tuyển cử được tiến hành, xung đột vẫn sẽ có thể còn kéo dài. “Điều Thái Lan thực sự cần là sự tái hòa giải những chia rẽ sâu sắc trong xã hội về tư tưởng, kinh tế, sắc tộc khởi nguồn từ xung đột chính trị. Bản Hiến pháp này không giúp đạt được điều đó mà tệ hơn còn cho phép quân đội tiếp tục nắm quyền” - tờ Washington Post của Mỹ bình luận.

Với khả năng có nhiều đảng phái nhỏ tham gia Quốc hội và một thủ tướng được chọn ra vào năm sau sẽ không thể có sức mạnh như những người tiền nhiệm, Thượng viện có vai trò lớn hơn trong việc đưa ra các quyết sách... Thái Lan sẽ khó giải quyết được các vấn đề quan trọng như kinh tế, giáo dục mà có thể còn thổi bùng cơn giận của các nông dân vốn ủng hộ đảng Pheu Thai.

Còn nếu bản văn kiện bị bác bỏ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người dẫn đầu cuộc đảo chính năm 2014, cũng đã khẳng định ông sẽ không từ chức mà sẽ soạn thảo một bản hiến pháp mới khác!

 “Cứ việc bác bỏ dự thảo nếu không muốn đất nước này hòa bình. Nếu phải chịu trách nhiệm (trong trường hợp dự thảo bị bác), tôi có thể phá hủy mọi thứ. Tôi có quyền làm vậy nếu tôi muốn” 
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha

Trước đó, ông Prayuth cũng đã khẳng định cuộc tổng tuyển cử vào năm sau vẫn sẽ tiến hành bất chấp kết quả trưng cầu. Một số nhà phân tích lo ngại tình hình đó có thể giúp bên quân đội nắm quyền vô thời hạn ở Thái Lan. “Có lẽ chỉ khi nhà vua băng hà, bên quân đội mới cho phép soạn thảo Hiến pháp mới và tiến tới bầu cử” - nhà phân tích Joshua Kurlantzick đưa ra kịch bản tệ nhất.

Dù kết quả thế nào thì quân đội Thái Lan cũng thắng, ông Sabina Shah - một cựu lãnh đạo “áo đỏ” thuộc thành phố Khon Kaen - nhận xét. “Một số người đã ngán ngẩm với việc rằng dù cuộc bỏ phiếu có thông qua (hiến pháp) hay không thì chính quyền quân sự vẫn ở lại” - báo Guardian dẫn lời ông Shah.

Nhưng kịch bản nào cũng có thể dẫn đến sự hỗn loạn cho Thái Lan.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên