22/08/2017 09:57 GMT+7

Không thể để học sinh bơ vơ

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Bài viết “Phân luồng đột ngột, học sinh bơ vơ” cho biết nhiều học sinh ở Quảng Nam đã tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện vào học lớp 10 nhưng có nguy cơ bỏ học do phương án tuyển sinh của tỉnh chỉ lấy 90% học sinh lớp 9.

*** Error ***
Phân luồng là tạo nhiều hướng đi cho học sinh lựa chọn. Trong ảnh: học sinh vào Trung tâm dạy nghề huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để vừa học nghề, vừa học bổ túc THPT. Sau khi học nghề tại đây, các em ra trường đều có việc làm - Ảnh: Hà Đồng
Môi trường sư phạm, những người thầy tâm huyết, yêu thương học sinh hãy làm tất cả một cách công khai, minh bạch để “học sinh bơ vơ” có nơi học hành tử tế.

Là cán bộ quản lý giáo dục, tôi biết chuyện này còn xảy ra ở các địa phương khác trong cả nước. Nhân đây xin có mấy ý kiến.

Phân luồng: đúng nhưng chưa trúng

Phân luồng là phương hướng đúng nhưng cách làm hiện nay phần lớn chưa trúng. Công tác hướng nghiệp ở cấp THCS có triển khai nhưng hình thức, đối phó; chưa tạo sự thay đổi trong nhận thức của chính thầy cô về phân luồng THCS. Còn với phụ huynh, học sinh, khái niệm phân luồng dường như là một sự ép uổng cho những học sinh lớp 9 mà học lực, gia cảnh có vấn đề.

Không đủ điều kiện vào trường công, học sinh - phụ huynh có vài lựa chọn: theo học trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề, bỏ học ở nhà, chờ năm sau thi tiếp. Không phải địa phương nào cũng có đủ các loại hình như thế để học sinh lựa chọn. Phân luồng THCS vì thế chưa hợp lý.

Có địa phương tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 quy định một học sinh được ghi hai nguyện vọng vào trường công. Phụ huynh vùng nông thôn, miền núi lo việc đồng áng, nương rẫy nào để ý đâu. Học sinh lớp 9 thì còn non dại, vụng về khi ghi nguyện vọng. Giáo viên chủ nhiệm lớp 9 thiếu thận trọng lúc hướng dẫn... Những điều ấy dẫn đến không ít chuyện bất hợp lý khi kết quả tuyển sinh được các trường THPT thông báo.

Chẳng hạn, một học sinh có điểm tuyển sinh là 35 điểm, trường THPT A (nơi học sinh này ghi nguyện vọng 1) lấy 39,5 điểm, còn trường THPT B (nơi học sinh này ghi nguyện vọng 2) lấy 35 điểm. Học sinh này trượt vào trường A nhưng cũng không đậu vào trường B. Vì theo quy định, nguyện vọng 2 của trường B phải cao hơn nguyện vọng 1 từ 1-2 điểm.

Tùy tình hình thực tế từng trường, địa phương

Điều đáng nói là còn nhiều trường THPT công lập trên cùng địa bàn có điểm chuẩn vào lớp 10 thấp hơn nhiều nhưng cánh cửa trường công đã khép lại với em (dù các trường THPT ấy có thể chưa tuyển đủ theo chỉ tiêu được giao).

Học sinh khá “bị” phân luồng trong khi học sinh có học lực yếu, trung bình thì thẳng tiến vào THPT. Và cứ thế trường THPT, sở GD-ĐT theo hướng dẫn công tác tuyển sinh - đúng nhưng chưa tròn trách nhiệm, chưa thấu hiểu hết học sinh.

Chỉ tiêu phân luồng như cơ sở để nhà quản lý viện dẫn, còn học sinh - những mất mát, bất cập không được giải quyết.

Từ thực tế đó, sở GD-ĐT các địa phương cần căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh giao cho các trường THPT, xét tình hình thực tế từng trường, từng địa phương mà điều chỉnh lại; tạo điều kiện cho các em theo học lớp 10 công lập (ở những vùng đặc thù).

Tại trung tâm giáo dục thường xuyên, việc dạy văn hóa chỉ là một hoạt động. Ở đây nên phát triển các hoạt động khác như: hướng nghiệp, bồi dưỡng giáo viên, liên kết đào tạo... Với trường tư, cần nâng cao chất lượng dạy học, quy định học phí phù hợp, chú ý con em thuộc gia đình nghèo, gia đình chính sách... Có như vậy trường tư mới đạt chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển kết hợp xét tuyển vào lớp 10 thì cái hậu của nó là đừng để học sinh bơ vơ. Môi trường sư phạm, những người thầy tâm huyết, yêu thương học sinh hãy làm tất cả một cách công khai, minh bạch để “học sinh bơ vơ” có nơi học hành tử tế. Mong lắm thay!

Vòng luẩn quẩn nhiều năm

Học sinh bỏ học, ở nhà do không được theo học lớp 10 và cả học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không đi học, số ấy làm gì? Phụ giúp gia đình - có nhưng ít ỏi. Số đông mải vui bạn bè ở quán net, cà phê và cả quán... nhậu, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho gia đình, địa phương. Chưa nói đến sau này chúng ta lại tốn công sức, tiền bạc để mời gọi các em ấy - sau một thời gian rong chơi - đi phổ cập THPT. Cái vòng luẩn quẩn ấy tồn tại nhiều năm nay.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên