27/06/2017 15:45 GMT+7

​Không nên tự ý bổ sung sắt cho trẻ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Nhiều cha mẹ thấy con xanh xao vàng vọt cứ nghĩ là trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt nên đã tự ý bổ sung sắt cho trẻ mà không tham khảo bác sĩ về cách sử dụng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thể chất của trẻ.

Sắt là một nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho quá trình tạo máu trong cơ thể, nhất là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển. Thiếu sắt sẽ gây ra bệnh lý thiếu máu, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bị thiếu máu thiếu sắt ở nước ta là khoảng 30%. Do đó việc bổ sung sắt cho trẻ là một vấn đề rất quan trọng, giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực tế cho thấy các bậc cha mẹ chưa có nhiều kiến thức về cách chăm sóc trẻ, dẫn đến việc lạm dụng các loại thuốc bổ, các thực phẩm chức năng. Điều này thực sự không tốt cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, khả năng thích nghi của cơ thể đang yếu.

Việc bổ sung sắt nên áp dụng với những trẻ được kiểm tra rõ ràng bị thiếu sắt thể trung bình hoặc nặng, đã có biểu hiện của thiếu máu do thiếu sắt. Không nên tự ý chẩn đoán, tự bổ sung thuốc mà phải đi khám bác sĩ để có lời khuyên đúng.

Khi trẻ có các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, móng tay, móng chân dễ gãy là tình trạng thiếu máu nặng. Trẻ sinh non, nhẹ cân, người mẹ mang thai không được bổ sung viên sắt đầy đủ trong thời kỳ thai nghén cũng dễ bị thiếu máu. Những trường hợp này cha mẹ cần bổ sung cho trẻ chế độ ăn giàu sắt để trẻ hấp thụ qua thức ăn. Khi trẻ bị thiếu máu ở chế độ nặng thì mới sử dụng phương pháp bổ sung sắt nhưng phải có sự tư vấn, chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Về nhu cầu sắt hàng ngày, trẻ từ 1-3 tuổi khoảng 7 mg, trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 10 mg. Chúng ta có thể lựa chọn các sản phẩm bổ sung với liều lượng phù hợp, chú ý là sắt đã được bổ sung trong khẩu phần ăn, tránh lạm dụng việc sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt gây dư thừa trong cơ thể trẻ.

Các sản phẩm bổ sung sắt nên uống lúc đói để cơ thể có thể hấp thu tối đa. Nên uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Tuy nhiên, sắt cho trẻ nhỏ thường sử dụng dưới dạng siro và có hàm lượng đường cao dễ gây cảm giác no, chán ăn nếu cho trẻ uống trước bữa ăn. Do đó, nếu sử dụng dạng siro thì nên cho trẻ uống sau khi ăn sẽ tốt hơn. Lưu ý là không nên dùng buổi tối, trước khi đi ngủ vì đường trong siro có thể làm hỏng men răng, sâu răng. Sắt bám trên răng có thể làm hỏng răng của trẻ.

Để phòng chống thiếu máu và sắt cho trẻ, khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, sử dụng các thực phẩm giàu sắt (thịt, trứng, gan...). Uống bổ sung viên sắt, acid folic để phòng thiếu máu cho mẹ, đồng thời tăng dự trữ sắt cho con. Sau sinh nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu cũng giảm được thiếu máu. Cho trẻ ăn bổ sung đủ chất, đủ các nhóm thực phẩm giàu sắt như thịt lợn, bò, tim, tiết, các loại đỗ, rau xanh, nên cho trẻ ăn thêm hoa quả chín có nhiều vitamin C sẽ giúp tăng hấp thu sắt. Ngoài ra, để phòng thiếu máu cho trẻ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm giun sán, tẩy giun định kỳ cho trẻ em trên 2 tuổi.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên