07/06/2017 16:00 GMT+7

​Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi không đem lại bất kỳ hiệu quả nào, ngược lại còn có thể khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề về rối loạn tiêu hóa.

Trẻ ăn bổ sung quá sớm có thể ít bú sữa mẹ, không được cung cấp đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển. Trẻ ăn dặm sớm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh vì thiếu các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ.

Ở giai đoạn sơ sinh, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, chưa có đủ men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít, đặc biệt là chưa có men amylase để tiêu hóa tinh bột. Vì vậy, nếu ăn dặm sớm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện đầy bụng, đi ngoài phân lổn nhổn, mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện, đã tiêu hóa được các loại thực phẩm mềm nên việc hấp thu các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ sẽ dễ dàng hơn. Trong trường hợp mẹ phải đi làm trước khi con được 6 tháng tuổi thì có thể tận dụng nguồn sữa mẹ bằng cách cho trẻ bú trước khi đi làm, buổi trưa tranh thủ về cho bú, tăng cường bú ban đêm hoặc vắt sẵn sữa để ở nhà cho bé. Trong trường hợp sữa mẹ không đủ thì mới cho bé ăn sữa công thức.

Hiện nay, nhiều người quan niệm cho ăn bổ sung sớm trẻ sẽ cứng cáp hơn và không bị đói. Vì vậy, nhiều bé đã được cho ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5, thậm chí từ tháng tuổi thứ 3. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho trẻ như:

Tăng nguy cơ béo phì 

Khi mới ăn dặm, trẻ chưa quen nên sẽ có các biểu hiện chán ăn, nôn ói nhưng khi đã thích nghi, các mẹ thường có xu hướng tẩm bổ cho con và việc này về lâu dài sẽ dẫn đến việc trẻ bị thừa cân, béo phì. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng việc cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì ở tuổi lên 3 cao hơn so với những trẻ cho ăn dặm đúng chuẩn.

Trẻ bỏ bú sớm

Đây là việc tất nhiên sẽ xảy ra khi mẹ cho bé ăn dặm sớm. Và việc bỏ bú sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ bởi trên thực tế, các món ăn dặm vẫn không thể cung cấp đầy đủ hết các nhóm chất cần thiết cho trẻ trong độ tuổi này. Trẻ vẫn cần có sữa mẹ để bảo đảm cho sự phát triển. Nếu cho trẻ ăn dặm sớm thì trẻ sẽ bú ít dần, rồi từ từ sẽ không còn "thiết tha" với việc bú sữa mẹ nữa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần.

Dạ dày bé dễ bị tổn thương

Dạ dày trẻ sơ sinh còn rất non yếu, lớp niêm mạc và dịch nhầy bảo vệ còn rất mỏng manh. Nếu mẹ cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi thì thức ăn có thể gây cọ xát làm tổn thương, trẻ cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề về dạ dày sau này.

Rối loạn tiêu hóa

Khi dạ dày bị tổn thương sẽ khiến cho nhu động ruột hoạt động kém, hệ tiêu hóa lúc này vẫn chưa đủ men để xử lý những loại thức ăn nạp vào cơ thể, do đó trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đi ngoài phân sống, tiêu chảy...

Trẻ dễ bị nghẹn thức ăn

Do đang quen với việc bú sữa mẹ mà đột ngột chuyển sang hấp thụ các loại thực phẩm rắn nên sự hoạt động của các cơ hàm, lưỡi, hầu họng chưa có sự phối hợp tốt khiến bé dễ bị nghẹn thức ăn, có thể dẫn đến ngạt đường thở rất nguy hiểm.

Tăng nguy cơ mắc bệnh

Việc ăn dặm quá sớm không chỉ khiến cho dạ dày bị tổn thương mà còn làm ảnh hưởng đến những cơ quan khác, trong đó có thận. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể dung nạp một lượng lớn thức ăn nên khiến thận cũng trở nên "quá tải", lâu dần bị lắng cặn, ảnh hưởng đến chức năng của thận sau này. Bên cạnh đó, trẻ ăn dặm sớm còn có nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,...

Sức khỏe của trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng, do đó bố mẹ đừng để những phút nóng lòng muốn con mau ăn chóng lớn mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên