17/05/2016 18:02 GMT+7

Không nên chèn ép phim Việt

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TTO - Diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân (Công ty VAA) nói: "Tôi cũng mong các công ty nước ngoài kinh doanh rạp Việt bắt buộc phải hỗ trợ và lấy phần trăm phát hành luôn ở mức ổn định, chứ không nên chèn ép phim Việt".

12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy bị từ chối chiếu trong hệ thống CGV - Ảnh: Skyline.


Mâu thuẫn âm ỉ đã lâu

Năm 2009 đánh dấu một sự kiện... ầm ĩ của thị trường điện ảnh Việt khi Bẫy rồng (đạo diễn Lê Thanh Sơn) đụng độ với bom tấn Avatar. Có lẽ do áp lực doanh thu “hứa hẹn” với nhà phát hành nên Megastar đã gần như phủ sóng Avatar ở hệ thống rạp của mình để Bẫy rồng chỉ có ở mỗi cụm rạp một suất chiếu.

Chưa hết, thậm chí có nhiều thông tin cho rằng một số nhân viên bán vé của hệ thống Megastar còn tư vấn nhiệt tình cho khán giả mua vé xem Avatar khi họ đang hỏi vé phim Bẫy rồng.

Vụ lùm xùm này không có hồi kết vì nhà sản xuất phim thì không chính thức lên tiếng, đại diện Megastar cũng không thừa nhận...

Khi CGV chính thức công bố sở hữu mới và đổi tên Megastar, thì việc có hay không phim Việt bị chèn ép trên sân nhà vẫn tiếp tục là câu hỏi ngỏ.

Phim Việt được sản xuất ngày càng nhiều, phim dở thì đã đành nhưng khi có phim tốt mà CGV từ chối chiếu thì trong giới làm phim và khán giả bắt đầu xôn xao.

Có thể kể đến 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy - một phim của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng được giới phê bình phim đánh giá cao nhưng lại bị từ chối chiếu trong hệ thống CGV.

Mâu thuẫn nội bộ từ người cũ của CGV có vẻ như là nguyên nhân chính để phim mà công ty của những người này phát hành hoặc sản xuất sẽ nằm trong danh sách đen không được chào đón. Xét cho cùng, CGV cũng không phạm luật.

Quay trở lại vụ việc khiếu nại của tám doanh nghiệp, cho thấy một thực tế việc áp đặt tỉ lệ ăn chia giữa CGV và các đơn vị khác đang “có vấn đề”.

Theo thông tin PV Tuổi Trẻ tìm hiểu được thì việc này không chỉ diễn ra với phim Việt mà ngay cả với phim nước ngoài. Một nhà phát hành lớn ở nước ngoài đã không ít lần lên tiếng rằng họ muốn thấy một thị trường mà các doanh nghiệp có tỉ lệ ăn chia giá vé công bằng.

Theo nhà phát hành này, không nên lấy lý do đầu tư nhiều cho quảng bá, xây dựng rạp để nâng tỉ lệ ăn chia bởi các rạp đắt khách thì cũng đồng thời bán được nhiều các sản phẩm ăn theo như nước ngọt, bắp rang... Và doanh thu từ các sản phẩm ăn theo này bằng và thậm chí còn lớn hơn doanh thu từ giá vé...

Có vẻ như bên nào cũng có lý do chính đáng để bảo vệ quan điểm kinh doanh của mình. 

Ngô Thanh Vân và các diễn viên trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể - một trong những phim Việt ra rạp hè 2016 - Ảnh tư liệu.

Tỉ lệ ăn chia không công bằng

Diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân (Công ty VAA) nói: "Tôi nghĩ việc khiếu nại này là cần thiết cho các đơn vị sản xuất phim ở VN. Tôi mong chờ Luật điện ảnh hỗ trợ tối đa phim Việt.

Tôi cũng mong các công ty nước ngoài kinh doanh rạp Việt bắt buộc phải hỗ trợ và lấy phần trăm phát hành luôn ở mức ổn định, chứ không nên chèn ép phim Việt. Nếu không được sự hỗ trợ từ các cơ quan có trách nhiệm, cũng như từ những nhà phát hành, kinh doanh rạp thì phim Việt được đến với khán giả rất khó". 

Bà Ngô Thị Bích Hiền (Công ty BHD) chia sẻ: "Là nhà sản xuất, chúng tôi phải cố gắng sản xuất những phim tốt, lo quảng bá phim suốt quá trình sản xuất. Nhưng đó mới chỉ là 50% công việc, 50% còn lại là việc phát hành và khó khăn lớn mà hiện nay chúng tôi gặp phải là tỉ lệ ăn chia trên doanh thu của phim với hệ thống rạp CGV.

Một việc rất không hợp lý xảy ra là: các phim Việt do chúng tôi sản xuất và phát hành luôn nhận được tỉ lệ thấp, trong khi các phim Việt do CGV phát hành lại yêu cầu tỉ lệ ăn chia cao hơn tỉ lệ mà CGV phát hành các phim Việt do chúng tôi sản xuất - phát hành khoảng 5, 10 thậm chí có phim tới 15%.

Đây là tỉ lệ rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn thu của phim, đặc biệt trong thời điểm này, khi thời gian trụ rạp của phim Việt đang ngày càng ngắn hơn, có phim chỉ một tới hai tuần. Chúng tôi rất nhiều lần trao đổi bằng email, gặp mặt trực tiếp để chia sẻ khó khăn và đề nghị CGV xem xét lại về tỉ lệ này nhưng CGV vẫn không thay đổi.

Hiện nay, chúng tôi vẫn bắt buộc phải ký hợp đồng phát hành với CGV vì nếu CGV không nhận chiếu phim thì sẽ là tổn thất lớn về doanh thu phim khi CGV giữ hơn 40% thị phần rạp". 

Trong khi đó, bà Vũ Thị Bích Liên (tổng giám đốc Sóng Vàng - Golden Screen Production) cho biết ý kiến: "Tôi ký vào tâm thư gửi Hội Điện ảnh về việc tỉ lệ ăn chia chưa công bằng của CGV, bởi vì tôi nghĩ phim Việt ở thời điểm hiện tại cần sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các hệ thống rạp.

CGV là hệ thống rạp lớn nhất VN, vì vậy CGV nên hỗ trợ các nhà sản xuất phim nội địa (bằng việc xếp xuất chiếu, tỉ lệ ăn chia...), để khuyến khích các nhà sản xuất phim nội địa làm nhiều phim tốt, từ đó mới có thể tái đầu tư.

Tôi nghĩ Nhà nước cần hỗ trợ trong giai đoạn ngắn này về mặt thời điểm phát hành cho phim Việt, ví dụ ưu tiên phim Việt trong các dịp lễ tết vốn là thời điểm vàng để phát hành phim...".

CGV: Chúng tôi đầu tư nhiều cho thị trường phim Việt

Bà Lưu Hạnh  (phụ trách truyền thông Công ty CJ CGV Việt Nam) cho biết: "Do đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng (rạp, trang thiết bị, công nghệ, con người...) nên giá vé của CGV hiện nay đang cao hơn một số rạp khác, điều này dẫn đến việc tỉ lệ cho thuê phim của CGV áp dụng cho các nhà phát hành khác thấp hơn 5-10%, nhưng số tiền trên một vé bán ra mà các nhà phát hành thu được sẽ cao hơn so với các rạp khác.

Mục tiêu của CGV ở VN là trở thành hình mẫu điển hình đóng góp cho sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp điện ảnh Việt nên chúng tôi đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên cả nước nhiều hơn gấp 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường VN với hiện tại là 210 phòng chiếu.

Chúng tôi nỗ lực với phim Việt thông qua việc CGV & CJ E&M đồng hành với các nhà làm phim Việt Nam cho ra đời những bộ phim Việt được yêu thích. Bên cạnh đó, CGV VN cũng luôn ưu tiên sắp xếp nhiều phòng chiếu, suất chiếu cho phim Việt.

Năm 2014 chúng tôi phát hành 4 phim Việt và chiếu thêm 16 phim Việt khác, năm 2015 chúng tôi phát hành 7 phim Việt và chiếu thêm 23 phim Việt khác.

Sắp tới đây, từ 20 đến 31-5 chúng tôi tổ chức Tuần lễ chiếu phim VN trên toàn quốc. Với những nỗ lực đó không thể nói chúng tôi không hỗ trợ, không ủng hộ phim Việt được".

*Kỳ 1: Phim Việt đấu với rạp Hàn tranh "miếng bánh" trên 100 triệu USD/năm

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên