28/05/2017 10:26 GMT+7

Không làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do đường đáp ứng đến 2030

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ Giao thông vận tải cho rằng đoạn đường dài 150km này hiện đã có quốc lộ và đường song song đủ đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030.

Một đoạn đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: VEC
Một đoạn đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: VEC

​Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, dài 2.095km.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Bắc - Nam của Bộ Giao thông vận tải không đưa ra phương án làm đường cao tốc từ Cần Thơ tới Cà Mau. 

Đường xá đáp ứng đến năm 2030 

Bộ Giao thông vận tải giải thích rằng đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 150km hiện nay đã có tuyến quốc lộ 1 và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp song song nên cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030.

Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang có tuyến đường Hồ Chí Minh được triển khai đầu tư, bao gồm các dự án cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với quy mô 4 làn xe tương đương cao tốc để kết nối từ TP.HCM đến Rạch Giá, Kiên Giang.

Sơ đồ tuyến đường Mỹ An - Rạch Sỏi tương lai sẽ là đường cao tốc  -
Sơ đồ tuyến đường Mỹ An - Rạch Sỏi theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 - Đồ họa: Vĩ Cường

Theo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định.

Trong quá trình thẩm định, đã tiếp tục lấy ý kiến 16 địa phương và 11 bộ ngành.

Các ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; một số ý kiến tập trung vào góp ý cơ chế chính sách để thực hiện dự án.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước và lấy ý kiến 27 thành viên Chính phủ.

Cao tốc Bắc - Nam liệu đã cần thiết?

Với đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Tính riêng đoạn Hà Nội – TP.HCM dài 1.622km, đã đưa vào khai thác 123km, đang triển khai thi công 127km, còn lại khoảng 1.372km cần tiếp tục đầu tư với quy mô theo quy hoạch được duyệt từ 4 - 6 làn xe.

Hiện quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ dài khoảng 1.948km, đi qua 20 tỉnh, thành phố cũng đã hoàn thành mở rộng thành 4 làn xe với 1.475km, trừ các đoạn đã mở rộng qua các thành phố, thị xã và các đoạn đang triển khai xây dựng đường cao tốc song song.

Vì vậy, có những ý kiến đặt ra: Làm đường cao tốc Bắc - Nam song song với quốc lộ 1 trong thời gian tới liệu đã cần thiết?

Hành lang vận tải Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I - II và 67% các khu kinh tế của cả nước, kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, hành lang vận tải Bắc - Nam từ Hà Nội – TP.HCM có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, có tính lan tỏa nhất, phải ưu tiên đầu tư.

Hiện trên hành lang này, quốc lộ 1 đang đảm nhận cơ bản khối lượng vận tải. Mặc dù đã được mở rộng nhưng ngay từ bước trình chủ trương đầu tư đã xác định việc mở rộng quốc lộ 1 chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải giai đoạn đến năm 2020.

Đến nay, một số đoạn lưu lượng giao thông lớn đã quá tải, thường xảy ra ùn tắc và tai nạn, đặc biệt trong các dịp cao điểm. Ngoài ra, do tuyến quốc lộ 1 đi qua nhiều khu đông dân cư nên không thể đóng vai trò tuyến vận tải có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn.

Ngoài ra, quốc lộ 1 còn có các hạn chế: qua nhiều khu vực đông dân cư, chiều dài qua khu vực đông dân cư khoảng 842 km trong số 1.705 km, chiếm khoảng 48,7 %, tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt khoảng 40 đến  60 km/h; thành phần giao thông hỗn hợp, tỷ lệ xe máy cao ; các giao cắt chủ yếu là giao cắt cùng mức.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước, dự báo đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của các phương thức vận tải hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tuy nhiên, nguồn vốn cần để thông tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM là khoảng 50 tỉ USD. Còn nhu cầu vốn để thông tuyến hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM là khoảng hơn 10 tỉ USD.

Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai ngay giai đoạn từ nay đến 2025, việc đầu tư ngay tuyến đường bộ cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận tải là không thể trì hoãn.

Việc hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội tới TP.HCM, Cần Thơ sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt quốc lộ 1, không thể khắc phục. Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc này cũng là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên