18/08/2013 07:47 GMT+7

Không để bệnh viện thiếu thuốc

LÊ THANH HÀ - NGỌC NGA
LÊ THANH HÀ - NGỌC NGA

TT - Ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ liên quan đến vụ “bệnh viện lo thiếu thuốc”.

Chậm đấu thầu thuốc gây khó cho bệnh việnBệnh viện lo thiếu thuốc

cp8KujZy.jpgPhóng to
Bệnh viện quận Gò Vấp thông báo không còn ba loại thuốc (thứ tự 1, 2, 3 theo đơn thuốc) nên ông Thịnh phải ra tiệm thuốc tư nhân mua - Ảnh: M.Mẫn

Ông Thuận cũng cho biết các bệnh viện trên địa bàn TP không thiếu thuốc vì lượng thuốc còn lại đủ dùng đến cuối năm.

“Lợi ích nhóm”

"Các bệnh viện muốn lấy kết quả thầu cũ để có lợi cho “lợi ích nhóm”, có lợi cho các hãng dược mà bất lợi cho người bệnh"

Ông Hứa Ngọc Thuận

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, nếu Sở Y tế TP không đấu thầu tập trung kịp thì theo quy định có thể vẫn sử dụng kết quả đấu thầu thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy để mua chỉ định đủ số lượng cần dùng. Ông Thuận nhận định các giám đốc bệnh viện không muốn thực hiện đấu thầu tập trung theo chủ trương của UBND TP.

Về việc các bệnh viện có công văn báo cáo Sở Y tế là thiếu thuốc và mong muốn được UBND TP cho phép áp kết quả đấu thầu thuốc năm 2012 cho những tháng cuối năm, ông Thuận nói không được áp kết quả thầu năm 2012 vì quy định không cho phép mà chỉ được áp kết quả đấu thầu năm 2013 của bệnh viện trên cùng một địa bàn.

Theo ông Thuận, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có kết quả đấu thầu năm 2013 nhưng các bệnh viện muốn lấy kết quả thầu cũ để có lợi cho “lợi ích nhóm”, có lợi cho các hãng dược mà bất lợi cho người bệnh. Vì vậy báo chí cần phải đấu tranh với lợi ích nhóm, kiên quyết chống tiêu cực trong lĩnh vực này để bảo đảm giá thuốc hợp lý, bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân. UBND TP bảo đảm không để người bệnh thiếu thuốc.

Thêm nhiều bệnh viện thiếu thuốc

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 6-8 Sở Y tế TP.HCM có công văn khẩn gửi các bệnh viện yêu cầu báo cáo tình hình dự trù và cung ứng thuốc năm 2013. Kết quả, có khoảng 20 bệnh viện cho biết họ đã và đang đối diện với nguy cơ thiếu thuốc.

Cụ thể, báo cáo tình hình sử dụng thuốc của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy có 10% số mặt hàng thuốc đã hết từ ngày 9-8; đến cuối tháng 8-2013, 50% số lượng mặt hàng thuốc sẽ hết hàng. Trong đó có nhiều thuốc cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện như Pulmicort (xông), Morihepamin, Lipofundin, Adenosine...

Ngoài ra, còn có những mặt hàng một số công ty không thể cung ứng cho bệnh viện do hết thuốc như Salbutamol 1g (viên đặt), Methotrexat, Vancomycin, Natri bicarbonate 4,2%, Connec. Một số công ty đã ký kết phụ lục hợp đồng với bệnh viện nhưng hiện nay cũng không đủ thuốc giao (tổng cộng có bảy loại thuốc).

Tương tự, tính đến ngày 31-7, Bệnh viện Nguyễn Trãi đã hết 35 loại thuốc; 18 loại khác chỉ đủ sử dụng đến hết tháng 8. Còn tại Bệnh viện Từ Dũ, tuy đã chủ động lập kế hoạch mua thuốc dự phòng để sử dụng cho đến nay nhưng do nhu cầu sử dụng một số thuốc cấp cứu, đặc trị tăng nên nhiều loại thuốc đã hết số lượng tồn kho. Số thuốc còn lại chỉ đủ sử dụng đến tháng 9.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã hết và sắp hết 22 loại thuốc. Trong số này có nhiều loại là thuốc cấp cứu và thuốc dùng trong phẫu thuật. Số thuốc hết vào tháng 8 có 31 loại. Nếu chưa có giải pháp, trong tháng 9 có thêm 41 loại thuốc sẽ hết. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có nhiều loại thuốc hết số lượng sử dụng. Số lượng thuốc tồn kho còn lại đủ dùng đến hết tháng 8.

Bệnh viện Ung bướu TP do chỉ dự trù thuốc đến giữa tháng 8-2013 nên nhiều loại thuốc đặc trị, giảm đau, kháng sinh... đã hết. Số lượng thuốc tồn kho còn lại tại bệnh viện này chỉ đủ dùng đến ngày 20-8.

Mua thuốc không dễ

Theo các bệnh viện, do kết quả đấu thầu thuốc chậm trễ kéo dài nên việc dự trù bổ sung số lượng thuốc gặp nhiều khó khăn. Việc mua thuốc và thanh toán cũng gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử, Bệnh viện Nguyễn Trãi khi thanh toán bổ sung số lượng thuốc đã được Sở Y tế duyệt với hình thức ký phụ lục hợp đồng theo kết quả thầu năm 2012 nhưng Kho bạc Q.5 không giải quyết vì lý do áp thầu quá sáu tháng.

Đối với những thuốc áp thầu của các bệnh viện khác trên địa bàn TP, Kho bạc Q.5 yêu cầu bệnh viện phải cung cấp quyết định trúng thầu của nơi mà bệnh viện áp thầu và trang có phần thuốc của nhà thầu trúng thầu (có đóng dấu treo của đơn vị) và hợp đồng mua bán giữa bệnh viện đó với nhà thầu (có đóng dấu sao y của chính quyền). Bệnh viện Từ Dũ cũng không thể thực hiện được việc mua sắm đột xuất với số lượng lớn các thuốc đã hết số lượng sử dụng vì không phù hợp các quy định hiện hành.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 báo cáo do tất cả bệnh viện đều mua thuốc dự trữ trong khi chờ đấu thầu nên công ty dược không đủ thuốc cung ứng. Và sau tháng 6-2013 bệnh viện không thể mua thuốc được vì các hóa đơn không chuyển khoản được do thời hạn gia hạn hợp đồng trúng thầu năm 2012 đã hết.

Báo cáo của nhiều bệnh viện cũng cho thấy đa số công ty dược phẩm đồng ý cung ứng thuốc cho bệnh viện đến hết năm 2013 theo kết quả thầu 2012 với điều kiện bệnh viện đặt mua thuốc từng tháng, không mua dồn dự trữ số lượng quá nhiều. Với những thuốc đặc trị, các công ty dược sẵn sàng cung ứng nếu bệnh viện thông báo tối thiểu ba tháng trước đó. Tuy nhiên, cũng có những loại thuốc một số công ty không đồng ý cung ứng với lý do bệnh viện mua ít hoặc do không biết cụ thể kế hoạch đấu thầu năm 2013 nên công ty không thể đặt hàng để cung ứng.

Bệnh nhân kêu thiếu thuốc

Ông Vũ Văn Thịnh (Q.Gò Vấp) cho biết ông và cha đều có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Q.Gò Vấp nhưng thời gian gần đây rất khổ sở vì không có thuốc để lãnh. Cách đây một tuần, ông đưa cha đi khám bệnh (tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch chân) thường lấy thuốc định kỳ tại bệnh viện nhưng lần này bác sĩ kêu phải nhập viện mới có thuốc uống. Vì vậy, cha ông phải làm thủ tục nhập viện để lãnh thuốc rồi về chứ không nằm viện.

Ngày 16-8, ông Thịnh đến Bệnh viện Q.Gò Vấp khám bệnh vì bị suy giãn tĩnh mạch và đau bao tử. Bác sĩ ở đây cũng yêu cầu ông phải nhập viện mới có thuốc uống. Ông Thịnh không đồng ý vì thấy bệnh tình không đến mức phải nhập viện thì bác sĩ nói sẽ viết giấy chuyển viện lên Bệnh viện Nhân dân Gia Định mới có thuốc chứ ở Bệnh viện Q.Gò Vấp đang thiếu thuốc. Thấy quá phức tạp, ông Thịnh đành tự bỏ tiền mua thuốc.

Tuy nhiên ông Phạm Hữu Quốc - giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp - khẳng định bệnh viện đã dự trù thuốc dùng đến tháng 12-2013, không có chuyện thiếu thuốc. “Kho thuốc của bệnh viện đã chật cứng còn phải mang đi gửi, bệnh viện cũng đã quán triệt các bác sĩ nên không có chuyện không có thuốc cấp cho bệnh nhân” - bác sĩ Quốc khẳng định.

Hơn 190 mặt hàng thuốc giảm giá

PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết kết quả gói thầu cung ứng thuốc vào bệnh viện năm 2013 có 1.584 mặt hàng thuốc trúng thầu, trong đó có 863 mặt hàng trúng thầu mới hoàn toàn, 721 mặt hàng trúng thầu năm 2012 và năm 2013 trúng thầu lại. Có 359 mặt hàng giữ nguyên giá, 171 mặt hàng tăng giá (tương đương khoảng 9 tỉ đồng so với năm 2012), và 191 mặt hàng giảm giá (tương đương khoảng 26 tỉ đồng so với năm 2012).

L.TH.H.

LÊ THANH HÀ - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên