07/09/2015 09:55 GMT+7

Không còng tay, chẳng cần vành móng ngựa

ĐINH VĂN QUẾ
ĐINH VĂN QUẾ

TT - Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp do không bị còng tay, bị cáo có những hành động “gây rối trật tự” tại phiên tòa.

Trong phiên tòa này, cả ba bị cáo cùng bị còng tay trước vành móng ngựa
Trong phiên tòa này, cả ba bị cáo cùng bị còng tay trước vành móng ngựa

Có bị cáo đẩy đổ vành móng ngựa, thậm chí bê cả vành móng ngựa ném về phía hội đồng xét xử; có trường hợp còn đập vành móng ngựa lấy song gỗ rượt đuổi hội đồng xét xử... 

Trước tình trạng này nên nhiều nơi chủ tọa phiên tòa không cho mở còng đối với bị cáo.

Có thể nói việc bị cáo ra tòa có được mở còng hay không tùy thuộc vào quyết định của chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử, căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện hoặc căn cứ vào thái độ của bị cáo tại phiên tòa.

Việc có mở còng cho bị cáo tại phiên tòa hay không lại không phụ thuộc vào ý kiến của người bào chữa (luật sư).

Không phải vì bị cáo chưa bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì không bị còng tay, xích chân; còn việc còng tay, xích chân làm bị cáo không được tự do, thoải mái trình bày trước tòa thì không phải; bị cáo nói bằng miệng chứ có bằng chân, tay đâu!

Một người bị khởi tố, bị tạm giam và bị truy tố đúng là chưa bị coi là có tội, nhưng không vì thế mà cho rằng họ được đối xử như một công dân bình thường. 

Nếu vậy tại sao họ lại bị bắt tạm giam, bị hạn chế quyền tự do và phải chấp hành đúng các quy định của Bộ Công an đối với người bị tạm giam? Đó cũng do quy định của pháp luật đấy chứ!

Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh văn hóa pháp đình thì việc còng tay, xích chân bị cáo có cái gì đó chưa văn minh.

Vì vậy có chuyên gia đề nghị Bộ luật tố tụng hình sự phải có một chương quy định về hình thức phiên tòa, trong đó bãi bỏ “vành móng ngựa”, thay vào đó là “ghế bị cáo” như một số nước, trong đó có Trung Quốc.

Tại các nước không còn vành móng ngựa thì ở đó người ta có “ghế bị cáo”. Nhưng cái ghế này được thiết kế rất đặc biệt, bị cáo đã ngồi vào đó thì không cần phải cảnh sát bảo vệ đứng bên cạnh, không cần còng tay hay xích chân mà bị cáo không thể có những hành vi gây rối, chống đối được.

Còn ở ta, vành móng ngựa đâu chỉ dành cho bị cáo đứng vô đó, mà nhiều phiên tòa cả cảnh sát tư pháp cũng phải đứng vô đó để “bảo vệ” bị cáo và đề phòng bị cáo có hành động “quậy phá”!

Hi vọng sắp tới sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự cũng nên học kinh nghiệm các nước để phiên tòa thể hiện văn minh hơn.

ĐINH VĂN QUẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên