03/03/2017 12:42 GMT+7

Không bỏ phụ nữ lại phía sau

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại VN, nhấn mạnh tại tọa đàm về bình đẳng giới sáng 3-3.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại tọa đàm về bình đẳng giới sáng 3-3 - Ảnh: Tống Giáp

Phát biểu tại tọa đàm "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng những biến đổi trong lĩnh vực việc làm đã và đang có những tác động tiêu cực đến cơ hội việc làm, tính bền vững và ổn định trong việc làm của lao động nữ.

Đó là những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong các ngành công nghiệp sản xuất, gia công cũng như nông nghiệp đã làm giảm đáng kể số lượng việc làm của lao động giản đơn.

Bên cạnh đó, các chính sách tài chính và hiệp định thương mại mới được ký kết đang tạo ra luật lệ và sân chơi mới với nhiều tiêu chuẩn trong các lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực lao động, việc làm.

Theo ông Dung, nguyên nhân của thực trạng trên là do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ, cùng với đó là những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực…

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong việc giảm mức độ bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực.

Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia xếp hạng, thứ 7 tại khu vực châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai chính sách luật pháp về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm.

Cả nước hiện có trên 53 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ có việc làm chiếm gần 49% và năm 2016 đã giải quyết việc làm cho trên 1,6 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%.

“Việt Nam đạt đã chỉ tiêu đề ra trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới” - bà Dung nói. 

Bộ trưởng Dung cũng thừa nhận, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao.

Lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao, như: dịch vụ, dệt may, da giày (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này).

Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, với trên 62% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41% lao động nữ làm những công việc giản đơn; gần 44% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam (đạt 5,2 triệu đồng).

Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số 1.117.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% trong hơn 592.000 quyết định trợ cấp.

Tại tọa đàm, bà Dung, ông Kamal Malhotra và các đại biểu đều cho rằng phải trao quyền kinh tế cho phụ nữ và phải đảm bảo quyền phụ nữ tại nơi làm việc, phải xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, kể cả ở trong các văn bản pháp luật nhằm “xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái”.

 

 

 

 

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên