15/07/2005 22:20 GMT+7

Kho tàng cha ông để lại còn gì?

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Nhìn bề ngoài thì người ta sẽ tưởng rằng VN vẫn còn đủ thứ, đủ loại, nào là tuồng, chèo, cải lương, quan họ, hát văn, ca trù, ca Huế, hát xẩm, hát xoan...cùng là hò vè các loại, có mất mát gì đâu! Chỉ có bắt tay vào điều tra, nghiên cứu, phân tích thì mới thực sự biết được rằng chúng ta đã mất những gì, sắp mất những gì và chỉ còn những gì ở thì hiện tại!

Op0gRNW3.jpgPhóng to

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - người hát xẩm cuối cùng

Chỉ so với cách đây khoảng nửa thế kỷ thôi, chúng ta đã để thất truyền vô số giá trị cổ nhạc VN. Phần lớn các thể loại đều đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Vốn liếng ngày một cạn kiệt, bởi nhiều tinh hoa cổ truyền VN đã một đi không trở lại theo các nghệ nhân về cõi vĩnh hằng. Tầng lớp khán giả cổ nhạc ngày càng teo tóp đến thảm hại, nhiều khi chỉ thu hẹp trong giới những người làm nghề.

Việc lưu truyền các giá trị truyền thống ở thế hệ tiếp nối được đánh giá là suy giảm cả về chất và lượng.

Ca trù với gần 20 làn điệu đã từng được ghi nhận, hiện nay vét hết vốn liếng, chỉ còn khoảng dăm bảy làn điệu. Kèm theo là sự thất truyền nhiều giá trị tinh túy trong kỹ thuật của nhạc đàn và nhạc hát.

Hát xẩm cũng vậy, chỉ còn bà Hà Thị Cầu là nghệ nhân cuối cùng với vốn liếng không nhiều trong bóng xế tuổi già. Nhiều nghệ sĩ tìm đến học bà cũng chỉ xin vài làn điệu gọi là thêm nếm vào hành trang nghệ thuật “tổng hợp” của họ!

Sự đứt đoạn truyền thống tương tự diễn ra cả trong chèo và tuồng. Đây là điều đáng lưu ý hơn cả bởi hai thể loại này đã được thể chế hóa với sự đầu tư một cách có hệ thống của Nhà nước ngay từ cuối những năm 1950.

Nhiều nghệ sĩ tuồng bây giờ không biết đọc bản cổ nhạc theo hệ thống Hò - Xự - Xang... , họ chỉ biết (và thích) hệ thống Đô - Rê - Mi... Phong cách nghệ thuật tuồng Bắc (vốn được coi là cổ hơn tuồng Nam) đã tan vỡ, chỉ còn lại vài mảnh vụn. Hàng trăm vở tuồng cổ với nhiều dạng thức khác nhau (đặc biệt là những vở Tuồng pho diễn cả tháng trời mới hết) dường như đã tiêu tán. Nhà hát Tuồng suốt mấy chục năm qua cũng không tiếp cận được kho tàng đồ sộ đó.

Nghệ nhân Xuân Vượng- một thầy đàn hàng đầu ngành tuồng cho biết, hiện nay dẫu dốc toàn tâm toàn lực, chúng ta cũng chỉ phục hưng được khoảng 10% vốn liếng cổ truyền - một gia sản nghệ thuật đã từng tồn tại cho đến giữa thế kỷ 20 với lớp nghệ nhân cuối cùng còn để lại danh tiếng như Lê Văn Lập, Hoàng Hiệp Tắc, Vũ Văn An, Nguyễn Ba Tuyên, Đoàn Thị Ngà, Nguyễn Đắc Nhã, v.v…

Chèo cũng thế. Các nghệ sĩ chèo bây giờ phần lớn không thuộc hết hệ thống các làn điệu chèo cổ. Tệ hơn nữa, có nhiều nghệ sĩ trong biên chế đoàn chèo mà hát chèo không ra chèo nhưng vẫn “hữu dụng” vì có nhan sắc và khả năng diễn xuất.

Bên cạnh đó, nhiều chất giọng lạc điệu so với cổ truyền, chẳng hạn kỹ thuật rung giọng thì “như Tây”, kỹ thuật nảy hạt thì qua quít, nhưng dần dà lại được công nhận là “mới”, “là xu thế phát triển tất yếu của thời đại”. Các làn điệu thường được hát nhanh hơn nhiều so với cổ truyền. Họ thường biện hộ rằng “thời đại mới thì phải có tiết tấu mới”. Trên thực tế, hát chậm rất khó bởi khi đó, người hát phải có thực tài với sự thể hiện điêu luyện những kỹ thuật láy, nảy, rung, ngắt, nhả chữ... của cổ truyền.

Dần dà, với sự có mặt thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các “chuẩn mực mới” đó nghiễm nhiên được công nhận vì chẳng có ai phán xét gì. Hoặc có nói thì cũng chẳng ai hay bởi lớp nghệ sĩ đầu đàn với tài năng như những nghệ nhân cổ nhạc thực thụ bây giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Với cơ chế “đến hẹn về hưu”, sự cổ kính mẫu mực của lớp nghệ sĩ “vang bóng một thời” cũng dần bị quên lãng. Dù họ có sẵn lòng truyền dạy cho lớp trẻ song “lực bất tòng tâm”.

Những nghệ sĩ đầu đàn ngành chèo hiện nay như Quý Bôn (Hà Nội) hay Thế Tuyền (Nam Định)... đều than phiền rằng lớp trẻ bây giờ không thể hát được như họ, phần vì ngại khó, phần vì không trọng thị lối hát cổ kính mẫu mực, cái lối mà các cụ vẫn gọi là “thổ tận can tràng”. Không muốn học, lớp trẻ bảo hát như thế vừa khó mà lại chẳng ai nghe (!) Thậm chí có nghệ sĩ đầu đàn của Nhà hát Chèo Hà Nội còn nói, đại ý là thời đại ngày nay mà cứ hát lối í ì i cổ lỗ của các cụ nghe sốt ruột lắm (!) Thế đấy! Sự thiếu tôn trọng cổ truyền ám ảnh và bắt rễ sâu ngay cả trong những người làm nghề.

Như thế, trữ lượng nghệ thuật cổ truyền còn lại vốn không nhiều sẽ tiếp tục bị mai một theo quy luật “đa thắng thiểu” - đó là một thực trạng được công nhận.

Theo các nhà nghiên cứu chèo, vào thời điểm cuối những năm 1950, khi những nghệ nhân chèo nổi tiếng được quy tụ lại thì gia sản của nghệ thuật chèo cổ lúc đó có khoảng 50 vở diễn mẫu mực với khoảng 170 làn điệu. Vậy mà trong nửa thế kỷ qua, công chúng chỉ được biết đến có vài vở chèo cổ hay thậm chí chỉ vài trích đoạn trong đó. Mà tất cả ít nhiều đều đã “được chỉnh lý, cải biên”.

Điều trớ trêu là các tác phẩm bị “cải biên” đó mặc nhiên được công nhận là “cổ truyền đích thực” trong thời hiện tại. Và có lẽ chỉ còn cách chấp nhận thưởng thức, nghiên cứu những “di sản cải tiến” đó, bởi trên thực tế, chúng ta không còn gì cổ hơn thế!

Thậm chí có những trường hợp “cải biên” đến mức khó tin, như trích đoạn Súy Vân giả dại. Trong đó, diễn viên trình diễn theo lối mới, cố gắng vật lộn gào thét điên dại như thật đến mức không bao giờ hát tốt được nữa vì bị hỏng giọng. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, một nghệ sĩ nổi tiếng đã thừa nhận rằng, vì vai Súy Vân mà chị mất giọng Chèo nên luôn phải có người hát hộ!

Ngày nay, mặc dù chúng ta có sơ sơ hai chục đoàn chèo, song các đoàn không còn khả năng phục hồi một phần trong những gì mà thế hệ lớp nghệ nhân sau cùng như Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Lý Mầm, Hề Phẩm, Kép Tích... từng lưu giữ!

Đó cũng là hiện trạng chung của nhiều bộ môn khác trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền VN. Nếu mở một cuộc tổng kiểm kê toàn bộ di sản nghệ thuật cổ nhạc trong thời hiện tại, chắc chắn chúng ta sẽ còn choáng váng hơn nữa trước những sự thật đau lòng!

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên