15/06/2017 09:48 GMT+7

Khó đổi nghề cho người buôn bán ở vỉa hè

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Vỉa hè bị lấn chiếm, được giải tỏa, rồi lại bị tái chiếm cũng bởi sinh kế của không ít người gắn chặt với nền kinh tế lề đường này và khó có thể chuyển nghề được.

*** Error ***
Một đoạn vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1 (TP.HCM) bị chiếm dụng để làm bãi giữ xe - Ảnh: Hữu Thuận

Bà Lưu Lê Bích Phượng, chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP.HCM), đã nêu ra thực tế này tại hội nghị sơ kết công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn quận 1 năm tháng đầu năm 2017, tổ chức ngày 14-6.

Tại hội nghị, ông Trần Thế Thuận, chủ tịch UBND quận 1, cho biết sau thời gian triển khai dọn dẹp lòng lề đường (từ ngày 16-1 đến 14-4), đến nay trật tự đô thị trên địa bàn quận có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, hàng loạt tuyến đường có hiện tượng bị tái lấn chiếm như: Hoàng Sa, Bà Lê Chân, Nguyễn Đình Chiểu, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đề Thám, Cô Giang, Bùi Viện...

Ông Thuận cũng cho biết tới đây quận 1 sẽ thành lập hai tổ kiểm tra do lãnh đạo quận chủ trì để trực tiếp kiểm tra, giám sát việc xử lý trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại 10 phường trên địa bàn quận.

Thu nhập 15 triệu đồng/tháng nên không muốn chuyển nghề

Khi nói về việc khó chuyển đổi ngành nghề cho những người mua bán trên vỉa hè, bà Lưu Lê Bích Phượng cho biết nhiều trường hợp mua bán gánh xôi, xe nước mía hoặc tủ bánh mì... cũng kiếm được ít nhất 200.000-300.000 đồng chỉ trong vài giờ buổi sáng.

Còn nếu ai bán cả buổi sáng thì có thể kiếm được 500.000 đồng. “Với thu nhập lên đến 15 triệu đồng/tháng mà chỉ làm vài giờ trong ngày nên việc vận động, chuyển đổi ngành nghề cho các trường hợp mua bán ở vỉa hè rất khó khăn”,  bà Phượng nói.

Ngoài ra, bà Phượng cũng nêu hàng loạt trở ngại khiến công tác chuyển đổi ngành nghề cho các trường hợp mua bán lấn chiếm vỉa hè hiện nay chưa đạt kết quả cao. Cụ thể là những công việc để người dân chuyển đổi quanh đi quẩn lại chỉ là trang điểm, thêu thùa, may vá...

Và địa phương chưa trả lời được câu hỏi sau khi học nghề xong, người dân làm ở đâu, thu nhập thế nào? Đó là chưa kể trong thời gian học nghề từ 3-6 tháng, người dân mất đi nguồn thu nhập nhưng không có chính sách hỗ trợ.

“Có trường hợp sau khi được giới thiệu việc làm thì không lâu sau đó nghỉ làm vì việc làm mới không phù hợp, thu nhập thấp” - bà Phượng kể.

Để giải quyết những trở ngại nói trên, bà Phượng đề nghị thành phố yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có chính sách sử dụng lao động đối với những người mua bán hàng rong thật sự chuyển đổi ngành nghề. Đồng thời thành phố nên có chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian học nghề...

Sẽ giải tỏa các chợ tạm, tìm chỗ buôn bán khác

Ông Thuận cho hay ngoài việc kiểm tra, xử lý trật tự lòng lề đường, UBND quận 1 cũng có chủ trương tổ chức sắp xếp lại chỗ buôn bán, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động chuyển đổi nghề nghiệp... cho nhiều trường hợp mua bán hàng rong là người nghèo, khó khăn trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, đến nay phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm và tại công viên Bách Tùng Diệp, hai địa điểm dự định mở ra để bố trí chỗ buôn bán cho người bán hàng rong, vẫn chưa được hình thành.

Liên quan đến việc này, UBND các phường cũng đề xuất thêm một số tuyến đường khác để bố trí chỗ buôn bán cho các hộ nghèo, cận nghèo, như đường Nguyễn Thái Học, Hoàng Sa, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Trãi...

Dù vậy, đến nay tiến độ thực hiện việc này đến đâu không được đề cập.

Trao đổi bên lề hội nghị, ông Thuận cho biết hiện kế hoạch làm phố ẩm thực tại công viên Bách Tùng Diệp và đường Nguyễn Văn Chiêm đã có nhưng theo quy trình phải được Mặt trận Tổ quốc phản biện trước khi triển khai.

“Có thể trong tháng 7 sẽ có phố ẩm thực tại hai địa điểm trên. Còn các điểm khác đang khảo sát” - ông Thuận cho hay.

Theo kế hoạch trước đây của quận 1, hai khu phố ẩm thực tại công viên Bách Tùng Diệp và đường Nguyễn Văn Chiêm chỉ đáp ứng chỗ buôn bán cho vài chục hộ. Trong khi đó, số lượng hộ nghèo, khó khăn buôn bán tại vỉa hè trên địa bàn quận được thông tin trước đây lên đến vài trăm hộ.

Trong khi chưa sắp xếp được chỗ buôn bán cho người dân, lãnh đạo UBND Q.1 cho biết kế hoạch xử lý trật tự đô thị trong thời gian tới là quận sẽ giải tỏa các chợ tạm trên các đường Tôn Thất Đạm, Nguyễn Văn Tráng và Cô Giang. Còn lại các chợ tạm khác trên địa bàn quận cũng sẽ được rà soát để có kế hoạch xử lý.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết ông tiếp thu các ý kiến, đề xuất xác đáng “vì không ai gần dân hơn là cơ sở”. Đặc biệt, ông đánh giá cao việc người dân tự nguyện tháo dỡ các vật dụng, công trình vi phạm.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý trong quá trình dọn dẹp lòng lề đường, đôi lúc cán bộ nôn nóng dẫn đến lúng túng trong giải pháp. Người đứng đầu thành phố cũng nhắc nhở lãnh đạo Q.1 rút kinh nghiệm trong việc xử lý vỉa hè liên quan đến cơ quan ngoại giao, cơ quan mang tính biểu tượng của thành phố.

Ông Phong cho biết thành phố đã chỉ đạo các quận huyện phải xử lý cơ bản trật tự lòng lề đường, nhưng "có trọng tâm, trọng điểm" chứ không dàn trải vì đây là công việc lâu dài nên cần sự tập trung, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị.

Ông Phong cũng yêu cầu UBND Q.1 khẩn trương bố trí người bán hàng rong vào buôn bán tại địa điểm được quy hoạch, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị.

Hạn chế tối đa việc thu phí vỉa hè

Chiều 14-6, trả lời cử tri Q.4 về chủ trương lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết thành phố sẽ sửa quyết định 74/2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Quyết định này cho phép sử dụng vỉa hè ở 172 tuyến đường để giữ xe, để vật liệu xây dựng...

Ông Tuyến cho biết vừa qua Sở Gia thông - Vận tải thành phố đã có đề xuất mức thu phí đối với người sử dụng vỉa hè vì mức thu theo quyết định 74 nói trên đã lạc hậu.

“Tuy nhiên quan điểm của thành phố là không bao giờ lấy chuyện thu phí vỉa hè làm mục tiêu thu đạt ngân sách, vỉa hè phải dành cho mục đích giao thông”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Tuyến cho rằng trước đây do chưa có điều kiện nên thành phố cho phép Q.1 để xe ở lòng đường, vỉa hè, nhưng nay bãi xe đã có rồi "nên phải xem lại vì nếu cứ cho đậu xe ở lòng đường, vỉa hè thì không ai làm bãi xe nữa.

“Sở GTVT đề xuất phương án thu phí sử dụng tạm vỉa hè để từ đó thành phố quyết định. Nhưng quan điểm của thành phố là hạn chế tối đa việc thu phí vỉa hè”, ông Tuyến khẳng định.

MAI HOA - LA MY

“Điểm đáng ghi nhận là người dân tự tháo dỡ các vật dụng lấn chiếm lòng lề đường (3.400 vật dụng), nhiều hơn số vật dụng bị các lực lượng của quận kiểm tra, xử lý (812 vật dụng). Điều này chứng tỏ sự đồng thuận của người dân

Ông Trần Thế Thuận (chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM)
QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên