16/03/2023 12:03 GMT+7

Khi sinh viên mê học qua workshop, talkshow

Từ ngày bước vào trường, Mỹ Khên - sinh viên năm 3, khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - ngay lập tức bị hút vào hình thức học tập mới thông qua workshop, talkshow.

Một buổi học qua talkshow tại Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh: N.Q.

Một buổi học qua talkshow tại Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh: N.Q.

Hễ có thời gian rảnh, Khên thường đến lắng nghe những buổi chia sẻ do các câu lạc bộ trong trường tổ chức về nhiều chủ đề chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông từ các diễn giả đang làm việc trực tiếp tại các công ty sự kiện, truyền thông, quảng cáo.

Không còn đi workshop chỉ vì... điểm rèn luyện

Khên cũng rất thích những workshop rèn luyện kỹ năng mềm, phá vỡ giới hạn bản thân. Khên chia sẻ ở mỗi sự kiện, bạn có thêm nhiều góc nhìn khác nhau, được mở rộng tư duy. Khên nhớ hoài buổi workshop cùng một diễn giả đang làm việc cho một công ty quảng cáo từ hồi năm nhất.

Tại đây, diễn giả đã nói về câu chuyện khẳng định thương hiệu bản thân. Những khán giả như Khên nhận biết được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh cho mình từ khi còn là sinh viên, và biết cách lên chiến lược xây dựng "thương hiệu cá nhân" từ sớm.

Học qua các workshop, talkshow đang là xu hướng ngày càng phổ biến ở các trường đại học Việt Nam. Trước đây, hoạt động này tương đối hạn chế, đồng thời được đánh giá nặng tính hình thức.

Sinh viên tham gia chủ yếu để có... điểm rèn luyện. Nhưng giờ đây, rất nhiều bạn xem những sự kiện này là công cụ hỗ trợ phát triển bản thân.

Điển hình, Nhật Quang - sinh viên năm cuối, ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Hoa Sen - đã đi hàng chục workshop, talkshow từ khi vào trường.

Quang cho biết rất thích những buổi workshop thiên về kiến thức, ở đó bạn được tiếp cận với các diễn giả có chuyên môn, đặc biệt về hai mảng bạn rất quan tâm là marketing và nhân sự.

"Nếu như trên lớp, bạn được tiếp nhận kiến thức từ một giảng viên trong một môn học, thì ở các workshop, bạn có được nhiều cách nhìn trong cùng một vấn đề.

Ví dụ, trong workshop về kỹ năng lãnh đạo được Đoàn trường tổ chức, hai diễn giả là hai lãnh đạo của hai công ty: một thuộc thế hệ gen Z, một người đứng tuổi.

Qua sự kiện, mình đã hình dung được phong cách lãnh đạo của hai thế hệ, một bên rất cởi mở, một bên rất truyền thống. Mỗi bên đều có mặt mạnh, mặt hạn chế riêng, từ đó mình rút ra được rất nhiều bài học cho công việc sau này" - Quang nói.

Người học cần đưa ra được một lộ trình phát triển bản thân và chọn lựa các workshop, talkshow cho phù hợp. Nếu sự kiện nào cũng tham gia, bạn vừa mất thời gian, vừa mất công sức, nhưng đôi khi lại bị hoang mang trong định hướng của mình.
ThS Tiêu Minh Sơn

Có hẳn môn học bằng workshop

TS Phùng Thái Minh Trang - trưởng khoa tài chính ngân hàng, Trường ĐH Hoa Sen - chia sẻ để cho ra một buổi workshop hay talkshow giá trị, việc đầu tiên mà khoa phải làm là khảo sát nhu cầu của sinh viên.

Thông qua các phiếu khảo sát, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên, hoặc qua các câu lạc bộ, các thầy cô sẽ biết được đâu là những chủ đề mà các bạn quan tâm, cần muốn mở rộng thêm tư duy.

Chẳng hạn trong bối cảnh "đi xuống" của chứng khoán, không ít sinh viên của khoa có nhu cầu nghe thêm những phân tích từ các chuyên gia về chiến lược đầu tư chứng khoán hiệu quả.

Từ đó, giảng viên trong khoa sẽ liên hệ với các chuyên gia chứng khoán đến tham dự một buổi đối thoại với sinh viên. "Dù đã ở các chức vụ quản lý, hầu hết các chuyên gia khi được mời làm diễn giả đều rất sẵn lòng khi có dịp nói chuyện với sinh viên" - cô Trang nói.

Cô Trang cho biết không chỉ có những buổi workshop mở - nghĩa là sinh viên có thể tham gia tùy theo ý thích - khoa còn tổ chức một số môn học bằng workshop "đúng nghĩa đen".

Ví dụ với môn tài chính tiền tệ, thay vì sinh viên cứ đến lớp và được một giảng viên truyền đạt kiến thức, giờ đây mỗi buổi học, sinh viên sẽ được nghe một chuyên gia trong lĩnh vực chia sẻ về từng góc nhìn, mảng kiến thức khác nhau.

"Sinh viên sau khi tham gia hết tất cả những buổi workshop sẽ làm báo cáo, sau đó phải thuyết trình những gì đã học được. Như vậy, các bạn không chỉ nghe workshop rồi thôi, mà còn học được các kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình" - cô Trang nói.

ThS Tiêu Minh Sơn - giảng viên môn kỹ năng công dân toàn cầu, Trường ĐH Văn Lang - cho rằng sự phát triển của hình thức này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố.

Thứ nhất là khoa, trường đại học có đang mong muốn chuyển những kiến thức sinh viên có được từ "lý thuyết một chiều" sang "thực tế đa chiều" hay không.

Thứ hai là nhu cầu của chính các sinh viên, liệu các bạn thật sự có khao khát mở mang góc nhìn của mình trong nhiều mảng kiến thức. Khi đã hội đủ hai yếu tố, xu hướng học thông qua các workshop, talkshow sẽ rất phát triển ở đơn vị ấy.

Anh Nguyễn Huỳnh Minh Phúc - phó bí thư Đoàn trường, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết phương thức tổ chức đa dạng, cách truyền tải nội dung mới mẻ, có tính tương tác cao cũng rất quan trọng.

Chẳng hạn, trong ngày hội Tóc xanh - Vạt áo của Đoàn trường, ban tổ chức xây dựng các talkshow, workshop về cổ phục và các giá trị ứng dụng của cổ phục trong đời sống hiện nay.

Khán giả được gặp các chuyên gia, các bậc cao niên, các hội nhóm uy tín về phục dựng cổ phục... chia sẻ các trải nghiệm cá nhân, kiến thức sâu về từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, chương trình kết hợp nghệ thuật biểu diễn, trình diễn trang phục, tái hiện nghi lễ và trải nghiệm mặc thử cổ phục... Sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, quy tụ được đông đảo sự tham gia của mọi lứa tuổi và ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ thu hút với sinh viên.

Những giá trị tăng thêm

Mỹ Khên cho biết tham gia những sự kiện, ngoài các kiến thức được truyền tải chính trong sự kiện ấy, bạn còn học được những thứ bên lề.

Chẳng hạn, bạn học được cách tổ chức sự kiện, cách điều phối một chương trình, cách triển khai câu hỏi diễn giả sao cho hợp lý nhất để sau này có thể tự mình tổ chức những sự kiện tương tự.

Trong khi đó, Nhật Quang chia sẻ những buổi tư vấn là những kết nối. Mới đây, trong một workshop chia sẻ về tuyển dụng của một doanh nghiệp đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam, Quang kết nối được với chị làm trong lĩnh vực nhân sự của công ty này.

Chị khuyến khích Quang có thể gửi lý lịch bản thân và tham gia quá trình tuyển dụng của công ty. "Đó là những kết nối vô cùng giá trị mình có được từ những buổi workshop" - Quang nói.

Thư giãn với workshop tự làm nến thơmThư giãn với workshop tự làm nến thơm

TTO - Với các nguyên liệu được cung cấp sẵn như sáp nến, các loại tinh dầu đủ mùi và dụng cụ trang trí, nhiều bạn trẻ đã trải nghiệm workshop làm nến thơm để tự tay tạo ra loại nến với mùi hương yêu thích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên