Khi con yêu sớm

KIM DUY 18/08/2014 01:08 GMT+7

TTCT - LTS: Sự hoảng hốt của các bậc cha mẹ như ghi nhận trong bài đầu tiên của loạt “Rung động đầu đời của con tôi” không hiếm. Họ đã “đối phó” ra sao?

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

​TTCT giới thiệu một số kinh nghiệm và mời bạn cùng chia sẻ.

1. Sau kỳ thi cuối cấp năm lớp 9, hai tháng liền hóa đơn điện thoại của gia đình tôi tăng vọt một cách bất thường. Tháng đầu tiên chỉ 800.000 đồng nhưng tháng sau lên đến 1,5 triệu đồng. Tìm hiểu, vợ chồng tôi mới biết đó là do cậu con trai gọi điện cho bạn gái.

Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản do cháu vừa thi xong, sang năm chuyển trường nên muốn tâm sự với bạn bè.

Một hôm tôi mở máy tính, Yahoo! Messenger tự động online và tôi tá hỏa khi đọc những dòng chat của con trai với bạn gái (cháu tắt máy mà quên chưa sign out), không phải bởi ngôn ngữ chat và cách viết rất khó đọc mà còn là lời lẽ yêu đương.

Mắt tôi tối sầm khi đọc được câu: khj hon em anh co thjk k?

Tôi ngồi thừ ra suy nghĩ. Bạn gái học cùng lớp con tôi là một học sinh giỏi, cô bé thi đậu vào trường chuyên (con tôi không đậu). Cô bé này không chỉ học giỏi mà còn có nhiều năng khiếu như bơi giỏi, hát hay...

Nghĩ đến cha mẹ cô bé cũng đang có nhiều kỳ vọng vào con cái như mình, không thể để chúng “sa lầy” vào mối tình trẻ con, tôi quyết định tìm số điện thoại của mẹ cô bé và kể hết những gì tôi phát hiện được. Đầu dây bên kia người mẹ cũng tá hỏa.

Hai bà mẹ chúng tôi quyết tâm “chia lìa đôi trẻ” nhưng bằng cách phải hết sức thận trọng và tế nhị. Tôi khuyên nhủ con trai rằng đó chưa phải là tình yêu, cần phải tập trung việc học và nhất là phải thi đậu đại học, qua tuổi 18 rồi con sẽ có cái nhìn chững chạc hơn.

Tôi không biết bên kia mẹ cô bé tác động như thế nào nhưng “mối tình” ấy đã sớm chấm dứt. 

2. Chưa thi tốt nghiệp THPT mà cháu gái tôi đã vẽ ra cho mình một tương lai khá “lý tưởng”. Thi đại học sẽ chọn trường dân lập để dễ đậu, học xong bốn năm sẽ lập gia đình! Mới nghe qua mẹ cháu thấy hoảng.

Mục tiêu của chị là sẽ cho cháu đi học nước ngoài vì theo ý chị, một phụ nữ tiến bộ trong thời đại ngày nay là phải có học vấn cao, cháu cần học cao hơn (bởi cháu học giỏi). Câu tuyên bố “an phận” này của con khiến chị bị sốc!

Tìm hiểu, chị tôi mới hay cháu có bạn trai đã đi làm. Hai đứa quen nhau cả năm trời rồi.

Phải làm sao nói cho con hiểu rằng cuộc đời con còn quá dài, bao nhiêu thứ ở phía trước, yêu đương sớm có nghĩa sẽ già sớm, một mối tình ở tuổi 17, 18 làm sao bền vững được khi cuộc đời có quá nhiều sóng gió và tâm lý con người luôn thay đổi phụ thuộc vào môi trường và hoàn cảnh sống...

Chị không muốn! Thế nhưng “Chao ôi, yêu có ông trời cứu!”. Chị tôi nhớ lại ngày xưa mối tình đầu của chị cũng ở năm học lớp 12 (cũng tự cho là thắm thiết) và gặp không ít sự cản ngăn từ cha mẹ bởi ông bà cho rằng phải tập trung việc học trước đã. Thế nhưng chị đâu có nghe.

May mắn là chị đã thoát khỏi mối tình đầu đó bởi “người yêu” theo cha mẹ dọn nhà đi xa. Nghĩ đến những nỗi buồn khổ ngày ấy chị thấy sao mà trẻ con! Và nghĩ đến việc học hành dang dở vì yêu đương của con, nỗi lo trong chị tăng gấp bội phần!

3. Khi con “yêu” sớm quả là một sự lo lắng tột bậc cho các bậc phụ huynh. Ở độ tuổi chưa biết lo này, tâm lý yêu đương rất mong manh, chuyện ghen tuông và lệ thuộc tình cảm là không tránh khỏi, kéo theo những sinh hoạt khác cũng trở nên bất bình thường, đôi khi không suy nghĩ thấu đáo dẫn đến những hành động dại dột.

Hiện tượng này không thể gọi là tình yêu mà chỉ là những cảm xúc nhẹ nhàng hay cũng có thể là cảm giác mạnh. Người còn quá trẻ không thể có bản lĩnh đối phó mà đành phải để buông xuôi là... cứ yêu! 

Như vậy, nếu lỡ có con “yêu” sớm, cha mẹ phải làm sao? Dưới đây là vài kinh nghiệm của các bậc phụ huynh bạn tôi trong cảnh ngộ này, họ đã thành công khi lái con thuyền cảm xúc của con trẻ vượt qua ghềnh thác tình yêu cheo leo, mong manh và khó khăn này.

- Cần bày tỏ thái độ rằng không cấm con “yêu” sớm, nhưng cần phải giảng giải cho chúng biết đường đời còn dài, còn nhiều cơ hội lựa chọn hạnh phúc và việc tự lập trong tương lai mới là quan trọng.

- Tình yêu chân thật là gì? Ghen tuông khi tình yêu còn quá non nớt là hiện tượng thường xảy ra. Hãy chỉ cho con biết rằng tình yêu chân thật là sự quý trọng lẫn nhau, cách đối xử chân tình với nhau. Tình yêu chân thật không bao giờ có sự đau khổ, ghen tuông và “tra tấn” nhau.

- Lấy kinh nghiệm yêu đương của chính mình làm ví dụ: những mối tình đẹp và kể cả những mối tình đã gây cho bạn đau khổ cũng nên giãi bày tâm sự với con cái như là một bài học thực tế sinh động nhất.

Những hành động nào hồi ấy khiến cha mẹ giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy xấu hổ hay đã được người khác khen ngợi ra sao... Đó là kinh nghiệm sẽ giúp con cái “tỉnh” ra một chút.

- Cương quyết là quan trọng: có lúc cha mẹ cần phải áp dụng kỷ luật thép đối với con cái khi việc yêu đương ảnh hưởng nghiêm trọng đến học hành và nhân cách chúng bị ảnh hưởng bởi bạn trai (hay gái).

Ví dụ như nhiễm thói xấu đua đòi ăn chơi hay bị bạn trai áp đặt phải làm thế này thế khác, ăn mặc thế này thế kia, kể cả những quan điểm về nhận định đối với tập thể, cộng đồng... Điều tế nhị là cha mẹ phải chứng tỏ được với con cái là không phải bạn chống lại con trẻ mà yêu thương con và muốn bảo vệ con.

- Điện thoại di động chính là “con chim xanh tình ái”: dễ dàng nhận thấy ở người đang yêu là suốt ngày họ “ôm” điện thoại, kể cả khi lên giường ngủ. Kiểm soát và giới hạn tài khoản trong điện thoại.

Nếu trường hợp quá “lậm” ảnh hưởng đến việc học tập, cương quyết cắt điện thoại, không khoan nhượng dù con có đưa ra đến hàng trăm ngàn lý lẽ (điều này rất khó).

- Trường hợp chẳng đặng đừng và quá quắt đến nỗi cha mẹ cảm thấy “bó tay”, nếu cần thiết cũng nên thương lượng với gia đình “phía bên kia” một cách thật tế nhị và khôn khéo. “Tôi thấy chúng còn quá nhỏ và có biểu hiện tình cảm quyến luyến nhau, xin anh chị giúp tôi giảm bớt tốc độ của chúng lại để chúng chuyên chú vào học tập”.

Tất nhiên, nếu gặp người biết điều và tế nhị, họ sẽ thông cảm cùng góp tay thắng cỗ xe tình cảm của con cái, nhưng cũng nên coi chừng những câu kiểu như: “Con mấy người mấy người dạy dỗ, chắc gì con tôi đã yêu...”.

Thật không có gì khổ tâm bằng khi con cái vướng vào tình yêu ở tuổi dậy thì, bồng bột. Nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra do cha mẹ cấm đoán chúng thành cạn nghĩ, làm liều...

Phải hiểu được tâm lý khi yêu họ không biết gì hết ngoài người yêu và việc yêu, đã yêu là rất khó dứt ra... Phải thật khôn ngoan, dịu dàng nhưng cương quyết, nhu - cương kết hợp.

Một ngày nào đó chắc chắn con cái sẽ biết ơn cha mẹ vì những gì thật tế nhị cha mẹ đã làm cho chúng.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận