03/02/2017 10:01 GMT+7

Khi cái máy biết tự học...

TRẦN VŨ NGUYÊN (Tổng giám đốc vườn ươm, doanh nghiệp Đà Nẵng DNES)
TRẦN VŨ NGUYÊN (Tổng giám đốc vườn ươm, doanh nghiệp Đà Nẵng DNES)

TTO - Cả thế giới đang vừa hào hứng, vừa lo sợ trước viễn cảnh những cỗ máy thông minh vượt trội có thể làm được mọi việc trên đời.

“Tôi của tương lai” mà tác giả Nguyễn Phi Vân đề cập trên Tuổi Trẻ số ra ngày 2-2 vừa qua thực sự đứng trước một lựa chọn đáng sợ: mình sẽ giỏi hơn cái máy, hay là nó sẽ từ từ giỏi hơn mình?

Đồng loạt tất cả các nhận định, dự báo, thống kê... về xu hướng phát triển của kinh tế thế giới 2017 đều có một hạng mục quan trọng: trí tuệ nhân tạo.

Nghe thì hơi xa xôi, nhưng ai xài điện thoại thông minh thì đã tiếp cận một dạng của trí tuệ nhân tạo rồi.

Đó là một thuật toán máy tính được giả lập theo phương thức hoạt động của não bộ con người, mô phỏng hoạt động của các nơron thần kinh. Tiếp nhận thông tin, xử lý, phân tích, đưa ra đáp án hoặc giải pháp.

Đáng sợ hơn, là chức năng “máy học” - machine learning cho phép cái máy này tự tích lũy thông tin, kiến thức và phương thức ứng xử với thông tin đầu vào thông qua số lần giao tiếp, thực hiện các lệnh. Tức là cái máy có khả năng tự học, và càng ngày càng thông minh hơn.

Cả thế giới đang vừa hào hứng, vừa lo sợ trước viễn cảnh những cỗ máy thông minh vượt trội có thể làm được mọi việc trên đời. Và kinh phí của các chính phủ lẫn tập đoàn tư nhân đổ vào nghiên cứu lĩnh vực này còn nhiều hơn chạy đua vũ trang thuở trước.

Vừa rồi, các nhà khoa học Mỹ công bố kết quả nghiên cứu bộ não của vua cờ thế giới Kasparov, tìm hiểu lý do vì sao một con người chỉ suy nghĩ ra vài ba nước cờ trong một giây có thể chiến thắng cỗ máy tính Deep Blue được lập trình để tính toán 300.000 nước cờ mỗi giây.

Câu trả lời cũng đơn giản: con người sở hữu một năng lực đặc biệt: trực giác. Cái trực giác này tạo ra linh hồn của ván đấu, và người chiến thắng mọi cuộc thi cờ vua thế giới này có khả năng cảm nhận được sức sống riêng của từng quân cờ, và dùng nó là đòn bẩy để chiến thắng cỗ máy khổng lồ kia.

Nhưng vua cờ Kasparov cuối cùng cũng phải thúc thủ trước một cỗ máy mạnh hơn, thế hệ mới hơn.

Điều này cũng giống như những trung tâm thu thập dữ liệu lớn (big data) sẽ hiểu một đứa trẻ hơn cả cha mẹ nó, hiểu nhu cầu của một người hơn cả gia đình của họ và hiểu bản thân tôi hơn cả chính mình.

Người bạn thông minh và làm ăn giỏi giang nhất của tôi thì vừa phá sản khi dành hẳn 4 năm vừa rồi cùng toàn bộ tài sản của mình để chuẩn bị mọi thứ khi hiệp định TPP có hiệu lực thì sẽ “hốt đậm”, vậy mà tự dưng ông Trump xuất hiện, giành chức tổng thống và lật ngược hết mọi giả định của thế giới.

Chẳng có ai đủ dữ liệu để đưa ra thêm dự báo gì cho tương lai nữa, kể cả những người từng cổ xúy cho việc “tư duy lại tương lai”.

Chúng ta chỉ có thể dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bước ra khỏi những sợ sệt, lười biếng của bản thân mình để giải cứu một thế giới đang ngày càng đáng sợ. Chúng ta có một vũ khí lợi hại hơn nhiều, thứ mà không máy tính nào lập trình ra được: sự may mắn.

Máy không lập trình được may mắn, nhưng chúng ta thì có thể tạo ra may mắn. Công thức đơn giản lắm: khi mà mọi người hoàn tất công việc ở mức 99% yêu cầu, chúng ta hãy làm nó ở mức 101% yêu cầu.

Thử đem hai con số này nhân với lũy thừa là số ngày trong năm, ta sẽ có: 0,99365 = 0,03, 1365 = 1 và rất bất ngờ: 1,01365 = 37,8.

Tức là trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, chỉ cần tự cố gắng “thêm chút nữa”, nghiên cứu, học hỏi làm sao đó để mỗi ngày, trong suốt một năm, đều đạt được sự tiến bộ 1% nhỏ xíu này thôi thì kết quả luôn rất bất ngờ.

Khi đó, mọi ưu đãi, khen thưởng, ưu tiên, tức là mọi may mắn trên đời này đều là của chúng ta. Người, hay máy, cũng không chạy theo kịp.

TRẦN VŨ NGUYÊN (Tổng giám đốc vườn ươm, doanh nghiệp Đà Nẵng DNES)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên