28/02/2011 05:18 GMT+7

Kênh Ba Bò - dự án nghẹt thở

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Nghẹt thở theo đúng cả nghĩa đen là người dân ngày ngày vẫn phải hít thở mùi nước thải hôi thối, và nghĩa bóng là dự án này đang ì ạch vì vướng giải phóng mặt bằng...

MsOGpIIa.jpgPhóng to

Dòng chính kênh Ba Bò đoạn từ tỉnh lộ 43 đến đường Ngô Chí Quốc bị thắt cổ chai do chưa được bàn giao mặt bằng - Ảnh: Nguyễn Triều

Xem video clip: Kênh Ba Bò oằn mình chịu ô nhiễm - Nguồn: TVO.

Ngày 24-2, UBND TP.HCM đã triệu tập một cuộc họp để nghe báo cáo tiến độ và giải quyết vướng mắc của các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn, trong đó có dự án cải tạo kênh Ba Bò, quận Thủ Đức. Có thể nói hiếm con kênh nào, dự án nào chỉ dài hơn 1km lại tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của như kênh Ba Bò...

Chậm và “nở nồi”

Người dân cũng góp phần

Việc xả thải vô tội vạ của các nhà máy là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của kênh Ba Bò. Tuy nhiên, thói quen của một bộ phận dân cư ở đây cũng góp một phần nhỏ vào việc bức tử kênh Ba Bò, đó là vứt rác bừa bãi. Đi vào khu dân cư nằm dọc hai bên bờ kênh, có thể nhận thấy ngoài sắt thép ngổn ngang của công trình đang thi công là... rác mà người dân đổ trực tiếp xuống lòng kênh.

Cần nhắc lại dự án cải tạo kênh Ba Bò được UBND TP.HCM thống nhất chủ trương đầu tư từ tháng 10-2003. Khi ấy, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở Giao thông công chính (hiện nay là Sở Giao thông vận tải) được giao lập dự án. Theo tính toán lúc bấy giờ, để cải tạo con kênh dài 1,7km này cần khoảng 140 tỉ đồng.

Mất gần bốn năm trời bàn thảo, mãi đến ngày 9-7-2007 dự án này mới có quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM. Theo đó tổng kinh phí để mở rộng tuyến kênh chính dài 1,7km và kênh nhánh dài 865m với khoảng 250 hộ bị giải tỏa là 307,071 tỉ đồng, trong đó phía TP.HCM đóng góp khoảng 202 tỉ đồng, phần còn lại phía tỉnh Bình Dương đóng góp.

Đến tháng 6-2008, dự án được Khu quản lý giao thông đô thị số 2 chuyển giao lại cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm chống ngập, một đơn vị mới thành lập trực thuộc UBND TP) làm chủ đầu tư. Bốn tháng sau, ngày 17-10-2008, hạng mục đầu tiên là nạo vét hồ điều tiết được Trung tâm chống ngập phát lệnh khởi công.

Dự án sau khi triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề nên giữa năm 2009 Trung tâm chống ngập đã có văn bản kiến nghị UBND TP điều chỉnh, bổ sung dự án. Đến lúc này dự án đã “nở nồi” với tổng mức đầu tư lên hơn 744 tỉ đồng, tăng hơn 437 tỉ so với tổng mức được duyệt trước đó hai năm (307,071 tỉ đồng).

Nỗi lo mùa mưa tới

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM ngày 5-8-2009, lãnh đạo Trung tâm chống ngập báo cáo rằng tiến độ bồi thường giải tỏa của dự án quá chậm.

Nguyên nhân việc chậm trễ ở khâu bồi thường giải tỏa là do UBND quận Thủ Đức bị cơ quan chức năng “bắt giò” vì áp giá bồi thường không đúng diện tích, nguồn gốc đất của một số hộ dân và bị buộc phải thu hồi hàng tỉ đồng đã chi trả không đúng. Nhưng ông Trương Văn Thống - chủ tịch UBND quận Thủ Đức - cho rằng trước đây quận gửi văn bản xin ý kiến TP về việc giải quyết chi trả bồi thường cho người dân thuộc dự án nhưng đợi gần nửa năm vẫn không được trả lời. “Không ai trả lời nên chúng tôi ký chi trả cho dân, rồi sau đó bị kết luận là chi sai, phải thu hồi và cơ quan điều tra cũng vào cuộc. Nói thật là bây giờ tôi không dám ký chi trả tiền cho người dân nữa” - ông Thống nói.

Sự cố nói trên khiến lãnh đạo UBND quận chùn tay, “đóng băng” việc bồi thường mặc chủ đầu tư và UBND TP thúc giục. Trong báo cáo mới nhất gửi UBND TP cách đây vài ngày, ông Nguyễn Ngọc Công - phó giám đốc thường trực Trung tâm chống ngập - cho biết chỉ còn tổng cộng 12 hộ có đất trong phạm vi dự án chưa giải tỏa nhưng tiến độ công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Công, việc chậm trễ này sẽ dẫn đến việc không phát huy được hiệu quả điều tiết nước trong mùa mưa 2011 tới, do tuyến kênh dẫn dòng thực hiện gần hoàn tất thì vướng hai hộ ở cuối tuyến chưa bàn giao mặt bằng. Một cán bộ quản lý dự án cho biết do đoạn kênh phía thượng nguồn đã mở rộng đủ khẩu độ, nếu điểm thắt cổ chai này không được khai thông, mùa mưa tới nước mưa, nước thải từ phía Bình Dương đổ về thì toàn bộ khu vực hạ nguồn sẽ lãnh đủ.

RZ20yLOf.jpgPhóng to
Bọt sủi trắng xóa do chất thải hóa chất - Ảnh: Nguyễn Triều.

Ông Võ Thanh Huy, phó giám đốc dự án cải tạo kênh Ba Bò thuộc Trung tâm chống ngập TP.HCM: “Mục đích chính của dự án này là giải quyết vấn đề thoát nước cho TP.HCM và Bình Dương. Vấn đề xử lý ô nhiễm lòng kênh chúng tôi chưa thể thực hiện vì còn chờ Bình Dương can thiệp. Trong dự án cũng đã đặt vấn đề xây dựng hồ sinh học cạnh hồ điều tiết để xử lý nước thải ô nhiễm, nhưng do Bình Dương chưa bắt đầu nên dự án vẫn chưa thể thực hiện. Theo kế hoạch, dự án cải tạo kênh Ba Bò dự định hoàn tất trong năm 2012”.

Vừa qua tết, nhiều cư dân khu vực kênh Ba Bò (Thủ Đức, TP.HCM) gọi điện cầu cứu: “Mặc dù công trình cải tạo đang thi công, nhưng tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò ngày càng nặng nề hơn. Nước thải đen ngòm, đặc sánh như dầu nhớt, hôi thối...”.

Chỉ bộ lư đồng trên bàn thờ đen kịt, anh Nguyễn Văn Tèo (khu phố 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) không khỏi ngao ngán: “Hôm 29 tết tôi mới đánh bóng sáng loáng, nhưng đến mồng 5 tết là đen kịt như thế này đây. Đồ vật mà vậy, con người chịu sao thấu”.

Ba Bò - dòng kênh chết

Những ngày cuối tháng 2-2011, chúng tôi trở lại con kênh Ba Bò thuộc P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức và một phần thị xã Dĩ An, Bình Dương. Sáng sớm bọt trắng từ đầu nguồn kênh trôi từng dòng như băng tuyết xuống lòng kênh. Ngay ở những bậc đá dốc tự nhiên, “núi bọt” cao vài mét, chỉ một cơn gió nhẹ có thể thổi bọt bay tứ tung hai bên miệng kênh.

Tưởng có thể hi vọng vào con kênh đang được cải tạo, nhưng ông Đằng, cư dân nằm sát bờ kênh, phủ nhận: “Không đỡ chút nào đâu. Cứ 4-5g chiều là bắt đầu có mùi. Nửa đêm mùi nồng nặc hơn, không đóng kín cửa có khi xộc vào mũi đến ngạt thở. Sáng ra là thấy nó sủi bọt trắng xóa rồi...”.

Hầu hết cả khu phố 2, P.Bình Chiểu đều có dấu tích sự ô nhiễm của con kênh này ngay trong nhà. Cửa sắt, tủ lạnh, tivi, đầu máy... đều bị han gỉ, chập mạch. “Đi sửa là biết các mạch điện tử đều bị chập do gỉ sét”, anh Tèo bộc bạch.

Kể từ năm 2000 trở lại đây, kênh Ba Bò đã trở thành một điểm nóng ô nhiễm. Dù Nhà nước đã bắt tay cải tạo con kênh này nhưng sự chậm chạp, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm quá nặng nề, nên người dân ở đây đã xem Ba Bò như cái tên của một dòng kênh chết.

“Ông BaBo canal”

“BaBo canal” (kênh Ba Bò - http://my.opera.com/babocanal/blog - PV) là tên một blog tự tạo của anh Lê Thanh Tiển, người đã sinh ra, lớn lên sát cạnh con kênh tai tiếng này. Câu chuyện một người dân tự lập trang web để sưu tầm các bài báo, video clip về kênh Ba Bò này hẳn không phải là một chuyện vui đùa. “Khi làm trang blog này tôi chỉ mong ước là chúng ta có một môi trường sống an toàn, mọi người có ý thức bảo vệ môi trường, đừng hủy hoại những cái mà chúng ta có thể không bao giờ lấy lại được, đừng làm những điều mà hậu thế sẽ mai mỉa, nguyền rủa chúng ta! Nói như vậy không biết có mạo phạm ai không! Nếu có xin lượng thứ và bỏ qua!” (trích blog babocanal).

Anh Tiển kể: “Tôi muốn không chỉ cơ quan chức năng hiểu được nỗi bất an của người dân khi hằng ngày phải sống chung với dòng kênh chết này, mà bản thân người dân cũng ý thức được hiểm họa môi trường đang gần kề. Từ hậu quả trước mắt về bệnh tật do ô nhiễm không khí cho tới nguy cơ tiềm ẩn về mạch nước ngầm, chưa ai tới đây để thử cảm giác phập phồng của người dân khi phải ăn uống, sinh hoạt bằng mạch nước ngầm cạnh một con kênh thải đầy hóa chất”.

Anh ngậm ngùi: “Khi tôi còn nhỏ con kênh này rất đẹp, nước trong vắt chảy qua khu dân cư. Có khi trẻ con ra chơi đùa, người già người trẻ ra ngồi hóng mát... Nó quá thân thuộc với thế hệ của cha mẹ tôi. Thế mà từ khi người ta xả thải vô tư, con kênh từ đen ngòm tới đặc sánh, sủi đầy bọt hóa chất, ai cũng chỉ muốn bán tống bán tháo nhà cửa để bỏ của chạy lấy người”. Hơn ai hết, anh Tiển là người hiểu được nỗi khắc khoải của người dân nơi đây với con kênh này.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên