18/12/2016 15:20 GMT+7

Jo tóc xù mê cải lương!

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Giữa các sinh viên VN là một cô gái cao gầy, tóc xù, mắt xanh lơ trong áo dài nhung đen nền nã, in hình hoa sen trong kỳ thi hết môn ca hệ trung cấp cải lương Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Tp.HCM.

Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là kỳ thi hết môn ca của học kỳ I (năm thứ hai) khóa K33 hệ trung cấp cải lương của khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Tp.HCM vào chiều 16-12. 

Cô nàng hát một hơi bốn bài thi gồm hò, xướng âm và hát các bài Lý con sáo, Lý cái mơn, Liễu thuận nương.

Tiếng Việt còn chưa rành nên cô được đặc cách cầm giấy hát bài thi, tuy nhiên điều đó không ngăn cản cô gái tóc xù luyến láy hết sức ngọt ngào, “phiêu” say sưa theo từng giai điệu. Là sinh viên thi cuối cùng nhưng “cô gái lạ” lại nhận được nhiều tràng pháo tay nhất!

Còn thầy Nguyên Đạt, trưởng khoa, thích thú tuyên bố: “Tôi sẽ cho em điểm 10 môn thi này. Em có giọng nữ cao, dày, âm vực rộng. Làn hơi vẫn còn ảnh hưởng kiểu của thanh nhạc nhưng có bản lĩnh để giữ được không khí ngũ cung. Giọng em hò rất đẹp, những chữ dấu huyền còn chưa tới lắm nhưng dấu sắc lên rất ngọt!”.

Đó là sự tán thưởng dành cho Josefina Fuentes Florin (tên gọi trìu mến là Jo), cô gái 29 tuổi đến từ đất nước Chile. Cô là sinh viên người nước ngoài duy nhất trong khóa K33 của khoa kịch hát dân tộc.

Một mình đến đất nước xa lạ

Giờ học ca cải lương, trong khi các bạn cùng lớp học cố gắng một thì Jo phải nỗ lực gấp 3, 4 lần. Cô nàng vừa căng tai nghe cô giáo xướng âm, vừa nhìn vội vào tập bài hát. Kè kè bên mình lúc nào cũng là máy ghi âm thu lại lời ca của cô giáo.

Bạn học, giáo viên đa số không rành tiếng Anh nên Jo trò chuyện chủ yếu... bằng tay! Có bữa bài hát khó quá, cô nàng cứ ngồi... ngẩn tò te. Vậy mà chỉ mấy bữa sau, Jo đàng hoàng trả bài cho cô giáo không sót chữ nào, lại còn hát ngân nga luyến láy ngọt như mía lùi!

Thấm thoát cũng đã một năm Jo đến Việt Nam. Không một chữ tiếng Việt lận lưng, lại chỉ biết đến Việt Nam qua các trang mạng, vậy mà cô cả gan dám xin vào học khoa kịch hát dân tộc của Trường Sân khấu - điện ảnh Tp.HCM.

Tốt nghiệp khoa nghệ thuật (hệ năm năm) của Trường Universidad de Chile (một trong những trường đại học lớn và lâu đời nhất Chile), Jo đã tham gia các chương trình truyền hình, lồng tiếng phim, đóng kịch trên sân khấu. Jo còn làm trợ giảng cho bộ môn kỹ thuật biểu diễn ở trường xưa.

Thầy của Jo là cô Sussan đang nghiên cứu phương pháp Alba Emoting, theo Jo lý giải là phương pháp đánh thức cảm xúc, nghiên cứu xem hơi thở, ngôn ngữ cơ thể thay đổi như thế nào theo cảm xúc.

Cùng thầy tìm hiểu phương pháp này, Jo nghĩ đến việc tìm đến một quốc gia có nền văn hóa khác biệt với Chile để nghiên cứu thêm một bộ môn biểu diễn khác. Ban đầu cô định đến Ấn Độ, nhưng thầy cô gợi ý hãy đến Việt Nam.

Trong rất nhiều thông tin về văn hóa Việt Nam, Jo đặc biệt chú ý đến cải lương, thấy nó khác lạ và quá đặc biệt. Jo bị thu hút và không lâu sau đó quyết định xách balô đến vùng đất xa lạ.

Bữa đầu đi học, cô nàng có... một trận tranh cãi với thầy. Thầy bảo hát sai rồi, cô vẫn cương quyết nói đúng. Thế là thầy bắt thu âm lại, mở ra nghe cô nàng mới thấy đúng là mình sai bét nhè.

“Hát cải lương thật là khó, luyến láy, rồi dấu sắc, huyền... Tôi chẳng phân biệt được!”. “Chào sân” hết sức bướng bỉnh, thế mà thầy Xuân Hiểu (thầy dạy ca cải lương và vũ đạo cho lớp Jo năm ngoái) chẳng để bụng vì thương cách học hết sức tập trung và say sưa của cô học trò mắt xanh.

“Mình người Việt học hát cải lương đã khó, huống chi là người nước ngoài. Không biết tiếng, không ai phiên dịch nên phải chịu khó đi tìm tài liệu để tự học thêm. Cải lương hay lắm, từng giai điệu đã truyền được cảm xúc rồi, không biết tiếng nhưng Jo rất nhạy cảm, thẩm âm tốt, em nắm bắt được ý ngầm bên trong của từng giai điệu. Làm cái gì cũng hết sức cẩn thận, đến nơi đến chốn. Nói thật, tôi chỉ mong trong lớp có được nhiều em có tinh thần học tốt như Jo!”.

Yêu nét buồn lãng mạn của cải lương

Gần chục năm về trước, Jo bị mắc một căn bệnh khiến cô cứ muốn ăn mãi và khi không kịp ăn thì chân tay run lẩy bẩy. Jo phải sử dụng thuốc tây nhưng không hết hẳn và liều dùng ngày càng tăng.

Rồi có người quen chỉ cô đến gặp một phụ nữ Ấn Độ, bà cho Jo uống loại thuốc cổ truyền của Ấn. Sử dụng thuốc này phải kiêng thịt nhưng Jo thấy hiệu nghiệm.

Sáu năm trở lại đây, Jo không còn phải uống thuốc nữa và từ đó cô cũng ăn chay luôn. Khi có thời gian Jo tự nấu ăn, còn không cô cứ tạt vào quán chay. Lẩu, phở, cơm chay của Việt Nam Jo rành hết và ăn ngon lành.

Sau giờ học, Jo tất tả kiếm sống, hết làm quản lý bán thời gian ở một nhà hàng Tây đến dạy tiếng Pháp tại Idecaf. Mấy tháng nay, Jo mua sách tiếng Việt về học, tuần vài buổi học với giáo viên Việt Nam, còn rảnh giờ nào cô đều lôi sách ra làm bài tập cho quen tiếng Việt.

Bài bản cải lương trong giáo trình thầy giao hiện Jo đọc được hết, nhưng hiểu hay không thì... hên xui! Cô nàng nhăn mặt: “Từ tiếng Việt khó quá, một từ mà có khi nhiều nghĩa. Dịch sát từng từ không được, cuối cùng tôi chọn hiểu làm sao đúng tinh thần của bài hát là được!”.

Vẻ ngoài bụi bặm, đến với cải lương ban đầu vì sự tò mò, nhưng dần dần Jo thấy mình bị chinh phục.

“Tôi mê nét buồn lãng mạn của cải lương. Từng lời ca, tiếng hát mộc mạc lắm nhưng giàu cảm xúc. Bao nhiêu tâm tư, tình cảm của con người, của nhân vật, cải lương chuyên chở được hết. Tôi nghĩ mình không sai lầm khi chọn đến Việt Nam để học cải lương.

Cách lấy hơi trong hát cải lương cũng đặc biệt lắm. Người nghệ sĩ không phải lấy hơi theo cách thông thường mà phải lấy từ miệng đưa xuống bụng, từ bụng điều khiển hơi lên cổ họng, mũi, hốc mắt...

Khi biểu diễn trên sân khấu, lời ca và những động tác trong trình thức biểu diễn của sân khấu cải lương khiến những khán giả ngồi xa sân khấu vẫn có thể cảm nhận được những gì người nghệ sĩ muốn truyền tải”.

Jo sành sỏi bình phẩm rồi quả quyết: “Những kiến thức này rất bổ ích để tôi vận dụng khi quay về giảng dạy ở Chile”.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên