Jack Ma và tham vọng 
bóng đá của Alibaba

THẢO TRẦN 20/05/2016 02:05 GMT+7

TTCT_ Người Trung Quốc không nói chơi với kế hoạch thống trị làng bóng đá thế giới. Nhưng để thành công, họ cần những thủ lĩnh dám thực hiện cuộc cách mạng táo bạo đó, như Jack Ma và Tập đoàn Alibaba của ông.

Jack Ma và ngôi sao của CLB Barcelona - Luis Suarez-goal.com
Jack Ma và ngôi sao của CLB Barcelona - Luis Suarez-goal.com


Năm 2015, Tân Hoa xã dẫn một tuyên bố từ Văn phòng Quốc vụ viện (tức văn phòng chính phủ) Trung Quốc khẳng định cả một đề cương để đưa nước này trở thành “siêu cường bóng đá thế giới” vào năm 2050 đã được triển khai.

Thực hiện đề cương đó, tới nay rất nhiều dự án được triển khai khắp Trung Quốc và cả ở nước ngoài, từ xây dựng các lò đào tạo bóng đá, chiêu mộ những tên tuổi lớn đắt giá, tới mua lại các CLB châu Âu để củng cố quan hệ đối tác với bóng đá Trung Quốc.

Mảnh đất màu mỡ

Trước đó nữa, năm 2012 chứng kiến cột mốc đáng nhớ với làng bóng đá Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đầu tư trọng điểm vào bộ môn này. Giống như mọi lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội Trung Quốc, tuyên bố của ông Tập giống như một mệnh lệnh với cả nước. Gần như ngay lập tức, nhiều tập đoàn kinh tế, cả tư nhân lẫn nhà nước, vốn trước đó chẳng mặn mà gì với bóng đá, nhảy vào cuộc.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, tiềm năng thị trường tài chính của bóng đá Trung Quốc quả thật còn rất lớn, ít ra là theo nhận định của tờ báo Mỹ chuyên về kinh doanh The Wall Street Journal.

Điều đó thể hiện qua thương vụ bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia Trung Quốc gần nhất: CCTV (truyền hình nhà nước Trung Quốc) mua tiền phát sóng với giá 8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD), so với chỉ 50 triệu nhân dân tệ vào các năm trước đó.

Hiện phân nửa chương trình thể thao trên truyền hình dành cho bóng đá và ở một thị trường 1,3 tỉ dân, đó sẽ là “miếng bánh cực kỳ béo bở”, theo The Wall Street Journal. Đó là chưa kể những lợi ích khác cho giới đầu tư như quảng bá thương hiệu và lấy lòng chính quyền. Các tỉ phú và tập đoàn Trung Quốc tất nhiên không thiếu tiền.

Năm ngoái, China Media Capital (CMC), tập đoàn đầu tư phần vốn góp của nhà nước, mua lại 13% cổ phần (với giá 387 triệu USD) của công ty mẹ City Football Group (CFG) đang sở hữu CLB Manchester City. Còn mới tuần trước, châu Âu lại xôn xao với tin đồn tỉ phú sáng lập Hãng Alibaba, Jack Ma, dự định mua 70% cổ phần của CLB Ý AC Milan, trị giá 700 triệu euro (801 triệu USD).

Dù Jack Ma sau đó nói ông “chưa biết gì” về tin này, những đồn đại không hề vô căn cứ. Alibaba đang nhanh chóng mở rộng ra thành một đế chế toàn cầu, vươn tay tới gần như mọi lĩnh vực, và họ đã nhảy vào bóng đá từ lâu.

Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 25 tỉ USD. Ông bỏ ra 1,2 tỉ nhân dân tệ (192 triệu USD) để mua lại 50% CLB đang đá tại giải vô địch Trung Quốc Guangzhou Evergrande vào năm 2014, theo Bloomberg (từ đó, tên của đội bóng đã được thêm chữ Taobao đằng sau - Taobao là trang bán hàng trên mạng vào loại lớn nhất của Alibaba).

Nhờ dòng tiền mới, Evergrande đã liên tục đưa về các ngôi sao lớn, mà mới nhất là Jackson Martinez - tiền đạo người Colombia, giá 42 triệu euro (48 triệu USD). Đội bóng cũng đã giành chức vô địch Trung Quốc lẫn Champions League châu Á năm 2015.

Tham vọng của Jack Ma

Cho tới giờ, bóng đá có vẻ vẫn chỉ là một cuộc chơi với Jack Ma (Bloomberg nói ông đã mua lại Evergrande trong một buổi bù khú với bạn bè, khi đang say khướt và ra quyết định chỉ trong 15 phút), nhưng nếu nhà tỉ phú này nhắm tới Milan thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Không chỉ số tiền ông bỏ ra sẽ lớn hơn nhiều, khoản đầu tư tiếp theo đó cũng phải lớn hơn và canh bạc sẽ ở quy mô cũng như tính chất hoàn toàn khác. Milan, hiện thuộc sở hữu của nhà tài phiệt và là cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, là một trong những đội giàu thành tích và truyền thống nhất ở châu Âu, với 18 chức vô địch Ý và 7 Champions League.

Milan rõ ràng ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với Evergrande, với số lượng CĐV không dưới 100 triệu người trên toàn thế giới, theo ước tính của Forbes.

Về phần Jack Ma, đó cũng sẽ là một bước đi hợp lý, khi Milan hiện đang sa sút thảm thương so với quá khứ huy hoàng của họ, và vực dậy một đội bóng hào hùng như thế luôn là câu chuyện ưa thích của các CĐV.

Thêm vào đó, Premier League (Giải ngoại hạng Anh) giờ đã trở nên quá đông đúc và đắt đỏ ngay cả với những tỉ phú tầm cỡ nhất từ châu Á. Như triết lý kinh doanh “vô chiêu thắng hữu chiêu” của ông, phải chăng lần này Jack Ma lại tìm kiếm một đột phá bất ngờ nữa từ thương vụ AC Milan?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận