Jack Ma: Phong Thanh Dương của giới kinh doanh

NGUYÊN HẠNH 26/04/2016 17:04 GMT+7

Giới khởi nghiệp Đông Nam Á xôn xao sau khi Alibaba chi 1 tỉ USD mua Lazada - bản sao của Amazon tại khu vực này. Mục tiêu toàn cầu hóa và phục vụ 2 tỉ người của Alibaba đang trở thành hiện thực.

Jack Ma rất thích võ thuật và thần tượng Phong Thanh Dương trong Tiếu ngạo giang hồ --selectintroductions.com
Jack Ma rất thích võ thuật và thần tượng Phong Thanh Dương trong Tiếu ngạo giang hồ --selectintroductions.com

 

Tại sao là Lazada?

Alibaba là cửa hàng lớn nhất thế giới nhưng không sở hữu một kho hàng nào, còn Lazada là nền tảng website bán lẻ, hoạt động ở Đông Nam Á do Rocket Internet lập năm 2011.

Dù thua lỗ ngày càng nhiều, thị phần của Lazada trong thương mại điện tử ngày càng tăng xét về tổng doanh số giao dịch (GMV): năm 2014 là 384 triệu USD, tăng gần gấp ba so với năm 2013.

Trong khi đó, Alibaba đã phá kỷ lục 476 tỉ USD về GMV cho năm tài khóa 2016 (kết thúc ngày 31-3-2016), gấp ba lần so với năm 2012, tăng trưởng 23% so với năm 2015. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc được xem là phát triển nhất thế giới nhưng với 80% thị phần ở đây, Alibaba đã đạt đến điểm bão hòa và tới lúc họ nhìn sang những miền đất hứa khác.

Lazada là cánh cửa để Alibaba vào thị trường bán lẻ Đông Nam Á 618 triệu người. Hiện ở khu vực này mới có 190 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu (với thu nhập để dành 16-100 USD/ngày). Nhưng dự kiến con số này lên 400 triệu người vào năm 2020, cộng với đó là việc tiếp cận Internet và sử dụng điện thoại di động ngày càng nhiều hơn.

Thương vụ mua Lazada là bước tiến quan trọng trong mục tiêu mang về ít nhất một nửa doanh thu từ bên ngoài Trung Quốc của Alibaba. Nó còn là tin tốt cho môi trường khởi nghiệp ở Đông Nam Á, bởi vụ mua lại là một sự bảo chứng về chất lượng và tiềm năng của thị trường khởi nghiệp ở khu vực này, với hi vọng sẽ có thêm nhiều ông lớn trên thế giới hướng về đây cùng những hầu bao mở rộng.

Năm 2014, Alibaba đã chi hơn 4 tỉ USD để sở hữu cổ phần các dịch vụ bán thuốc trên mạng, truyền thông, siêu thị, cửa hàng thuốc và kho vận. Cuối năm 2015, Alibaba công bố dành khoản ngân sách 15 tỉ USD cho các thương vụ đầu tư và sáp nhập mới.

Qúa lớn không thể mô tả hết

Duncan Clark, nhà tư vấn người Anh với nhiều kinh nghiệm tại Trung Quốc, vừa phát hành cuốn Alibaba and the house that Jack Ma built vào tháng 4-2016.

Ông không chỉ viết về Jack Ma, nỗ lực để vươn lên vị trí đứng đầu trong “chuỗi thức ăn” và sự phát triển kinh ngạc của Alibaba, mà cả những tiềm năng, hạn chế và tính cách của Trung Quốc hiện đại. Ông nói rằng Alibaba “quá lớn không thể mô tả hết”.

Có thể hình dung Alibaba là kết hợp của eBay (Taobao), PayPal (AliPay), Amazon (Tmall, Aliyn), Orbitz (Taobao Travel) và Google Play. Alibaba nằm trong nhóm các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 21.

Người ta dễ dàng gọi nó là Amazon của Trung Quốc và Jack Ma giống Jeff Bezos. Nhưng ngoài việc hai trang web đều có số lượng giao dịch khổng lồ, họ thật ra không có nhiều điểm chung.

Thứ nhất, Alibaba là nền tảng giao dịch cho các thương nhân nhỏ và gần đây mới mở rộng ra các thương hiệu lớn. Alibaba không có nhà kho khổng lồ hay những robot tối tân hỗ trợ quá trình vận chuyển. Bởi vậy, việc quy mô hóa của Alibaba dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều so với Amazon.

17 năm trước, khi thành lập Alibaba sau hai lần khởi nghiệp thất bại, Jack Ma vẫn bám riết lấy mục tiêu mà lúc đó tưởng như hoang đường: “Đưa tất cả công ty và thương nhân Trung Quốc lên Internet, kết nối họ với thế giới”.

Giờ đây, Alibaba là đế chế thương mại điện tử hùng mạnh nhất với tổng giao dịch hàng hóa lớn hơn cả Mỹ và châu Âu. Từ một thầy giáo dạy tiếng Anh lương 12 USD/tháng, giờ ở tuổi 51, Jack Ma, chủ tịch điều hành Alibaba Group, sở hữu khối tài sản 23,3 tỉ USD.

Ông lọt vào danh sách “Những người tạo thay đổi toàn cầu năm 2016”, xếp hạng 33 danh sách tỉ phú thế giới, thứ 2 danh sách tỉ phú Trung Quốc, thứ 22 danh sách những người quyền lực thế giới (2015), đều theo Forbes.

Hơn 100 triệu người ghé thăm trang web mỗi ngày và mua sắm ở đây, tạo ra 14 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp ở Trung Quốc. Từ 18 người trong căn hộ nhà Jack Ma, giờ đây họ có 30.000 nhân viên ở 4 trụ sở lớn. Thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử thế giới: 25 tỉ USD.

Jack Ma không phải là kiểu người lập doanh nghiệp và giữ 90% cổ phần cho mình. Để tập hợp đội ngũ, Jack Ma chia cổ phần cho tất cả bạn học cấp III đồng cam cộng khổ từ thời đầu tiên. Hiện ông sở hữu 9% cổ phần Alibaba.

Phó chủ tịch Alibaba Group, tỉ phú Joseph Tsai (Thái Sùng Tín) nói về Jack Ma: “Tôi gặp Jack Ma năm 1999, nghe anh ấy nói về tầm nhìn vĩ đại. Tôi nghĩ ý tưởng rất xuất sắc nhưng thiếu thực tế khi anh ta muốn đưa hết các công ty lên mạng. Nhưng tôi nhìn thấy nguồn năng lượng đó.

Tôi nghĩ: Đây chính là người sẽ tập hợp đám đông. Anh ta là lãnh đạo tuyệt vời. Chắc chắn anh ta sẽ tạo dựng được cái gì đấy”. Họ kết hợp tốt với nhau vì “Jack Ma không cảm thấy mình là ông chủ. Tức là anh ta sẵn sàng thừa nhận điểm yếu của mình và nói: Tôi chả biết gì về chuyện này cả”.

Jack Ma từng nói: “Não người Trung Quốc cũng tốt như não người phương Tây, và đó là lý do chúng tôi dám cạnh tranh với người Mỹ. Nếu chúng tôi có tinh thần đồng đội, biết mình muốn gì thì một người Trung Quốc có thể thắng mười người Mỹ”.

Đó là một trong những chìa khóa của sự xuất sắc của Jack Ma: không chỉ tầm nhìn hiếm hoi mà cả tinh thần chiến binh thật sự. Theo The Financial Times, khi còn nhỏ Jack Ma đã thích võ thuật và tiểu thuyết võ hiệp. Ông cũng đặt cho nhân viên biệt danh võ hiệp và tự gọi mình là Phong Thanh Dương, một kiếm khách quy ẩn giang hồ phóng khoáng, tự do và tài năng trác việt trong bộ Tiếu ngạo giang hồ lừng lẫy của Kim Dung.

Việc kinh doanh của ông thật sự khá giống triết lý kiếm thuật của Phong Thanh Dương: “vô chiêu thắng hữu chiêu” và luôn cực kỳ khó đoán.

Chẳng hạn, Jack Ma đã “ra chiêu” để loại eBay vĩnh viễn khỏi Trung Quốc bằng cách không lấy phí cả người bán và người mua trên website của mình. Người ta từng nghĩ chỉ điên mới làm thế, nhưng Taobao phát triển thành cỗ máy in tiền khổng lồ nhờ doanh thu quảng cáo.

“Với eBay, Jack Ma trông cứ như thằng vừa ngốc vừa điên - cựu nhân viên Alibaba Porter Erisman nói với The New York Times - Từ góc nhìn nhà đầu tư Wall Street, Jack Ma sẵn sàng chơi hết máu để hạ eBay. Loại người duy nhất mạnh hơn cả đối thủ thông minh chính là thằng điên sẵn sàng chi hết tiền mà không hi vọng kiếm được đồng lời”.

Còn theo Jack Ma: “Tôi luôn ước sao mình sinh ở thời chiến. Chắc chắn tôi đã lên tướng. Tôi luôn nghĩ về những gì mình có thể đạt được trong chiến tranh”.

Vai trò của Bắc Kinh

Tuy nhiên, chỉ riêng tài năng của Jack Ma và sự giàu mạnh lên của Trung Quốc không thể giải thích hết thành công của Alibaba. Bối cảnh và sự can thiệp của chính quyền Bắc Kinh đóng vai trò rất lớn trong sự hùng mạnh của hãng thương mại điện tử này và đó là một mối quan hệ có đi có lại.

Sự vươn lên nhanh chóng của Alibaba có nền tảng quan trọng là những chính sách của chính quyền khiến Trung Quốc trở nên rất thù địch với các công ty công nghệ Mỹ.

Về mạng xã hội chẳng hạn, Alibaba đã xuất phát rất muộn, nhưng năm 2013 trở thành cổ đông lớn ở Sina Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Nếu Twitter và Facebook, vốn bị cấm tại Trung Quốc, được phép hoạt động bình thường, điều đó chắc chắn không thể xảy ra.

Điều tương tự cũng đúng với hạng mục video trực tuyến khi người dùng Internet ở Trung Quốc không thể tiếp cận YouTube hay Google. Jack Ma, vì thế, đã có thể bắt kịp qua những khoản đầu tư vào các công ty nội địa như Huayi Brothers Media, Youku Tudou...

Trong lĩnh vực quan trọng nhất, thương mại điện tử và bán lẻ, trên lý thuyết các công ty Mỹ vẫn được hoạt động ở Trung Quốc, họ gặp rất nhiều khó khăn. Walmart chẳng hạn, liên tục bị kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ Amazon chưa bị làm khó dễ nhiều, nhưng một phần quan trọng là bởi họ không thật sự thành công ở Trung Quốc.

Kể từ khi mua lại Joyo vào năm 2004 và đặt tên lại là Amazon.cn, công ty này mới có được 6% thị phần bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ Alibaba - chính quyền không phải lúc nào cũng tốt đẹp.

Mới đây vào giữa tháng 4, ngay sau khi Jack Ma tuyên bố mua lại tờ báo Hong Kong mạnh miệng South China Morning Post (xem khung), Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã ngay lập tức có một phóng sự điều tra nhiều kỳ về tình trạng mua bán hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng trên Alibaba, vốn đã là chuyện rất cũ từ lâu nay.

Chính quyền chưa bao giờ cho thấy họ can thiệp công khai vào việc làm ăn của Alibaba, dù theo nghĩa tích cực hay tiêu cực, nhưng khá chắc chắn là giới lãnh đạo Trung Quốc hồ hởi được nhìn thấy một tập đoàn công nghệ lớn mạnh “bằng vai phải lứa” với những gã khổng lồ ở Hoa Kỳ như thế.

Đó là chưa kể ở một quốc gia như Trung Quốc, nơi mà mọi doanh nghiệp đều ít nhiều phải có quan hệ tốt với chính quyền, những sự mở rộng của Alibaba ra khắp thế giới còn có thể phục vụ nhiều ý đồ sâu xa khác.

Jack Ma cũng cố gắng cho thấy ông không phải là một doanh nhân hoàn toàn núp dưới bóng những quan chức chính trị, ít ra là trong các tuyên bố. “Tôi tin tinh thần công bằng và minh bạch mà Internet mang tới sẽ khiến cả xã hội Trung Quốc phát triển nhảy vọt cả về thể chế và nền tảng xã hội...

Nước đã ô nhiễm đến mức không uống được, đồ ăn không ăn được, sữa thì độc hại và tệ hơn cả thảy là không khí ở các thành phố quá ô nhiễm đến mức không thấy cả Mặt trời - Jack Ma viết - 20 năm trước, người dân Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế. Giờ đây, điều kiện cuộc sống đã tốt hơn và chúng ta mơ ước lớn hơn cho tương lai. Nhưng những giấc mơ này sẽ chỉ là rỗng tuếch nếu ta không thấy ánh mặt trời”.■

Năm ngoái, Alibaba đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi công bố mua South China Morning Post (SCMP), một trong những tờ báo tiếng Anh lâu đời nhất và có ảnh hưởng nhất ở châu Á với những bài bình luận độc lập chỉ trích chính quyền đại lục, với giá 200 triệu USD, dù Alibaba trước đó không có kinh nghiệm với lĩnh vực truyền thông truyền thống. Đầu tư vào SCMP là phép thử giữa việc Jack Ma có thể làm được gì và có thể tưởng tượng gì. Alibaba tiếp tục phát triển, mở ra những địa hạt mới, trong đó có truyền thông và tài chính, những ngành mà Chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ.

Nhưng với việc duy trì sự độc lập nội dung của SCMP như Alibaba công bố, đến một lúc nào đó Jack Ma sẽ “khó ăn khó nói” với chính quyền trung ương. Sự đối đầu giữa hai bên sẽ là phép thử về ảnh hưởng thật sự của Alibaba với việc tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội Trung Quốc. Đầu tháng 4, không lâu sau khi Alibaba mua lại tờ báo, SCMP, trước đó vốn là một tờ báo phải đăng ký trả tiền mới đọc được trên mạng, công bố giờ độc giả của họ sẽ được miễn phí hoàn toàn, một cú sốc lớn với nhiều tờ báo tiếng Anh ở khu vực vẫn đang thu tiền qua đăng ký thuê bao trên mạng. Điều đó cũng đồng nghĩa Alibaba sẵn sàng để SCMP lỗ dài hạn. Ngoài việc tạo ra ảnh hưởng, có lẽ dữ liệu lớn là điều mà Jack Ma hướng tới với quyết định này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận