05/05/2016 11:37 GMT+7

Hủy bom cùng đại sứ Mỹ

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TTO - Nhiều năm trước, ít ai nghĩ rằng người Mỹ sẽ quay lại và tháo gỡ, tiêu hủy chính bom mìn mà họ rải xuống gây tang tóc trên đất Việt.

Đại sứ Mỹ tại VN David Shear (thắt cà vạt) chứng kiến buổi hủy bom, mìn sau chiến tranh ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) năm 2012  - Ảnh: T.Vũ
Đại sứ Mỹ tại VN David Shear (thắt cà vạt) chứng kiến buổi hủy bom, mìn sau chiến tranh ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) năm 2012 - Ảnh: T.Vũ

 

Vậy mà nay họ quay lại để xử lý những quả bom chưa nổ, làm sạch đất đai, môi trường... trên "chiến trường xưa".

Hồi sinh trên cát nóng

Ngày 24-4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ấn nút khởi công dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985,6ha, thuộc hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Dự án này xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, giải trí - vui chơi cao cấp tiêu chuẩn 5 sao. Đây cũng là dự án nghỉ dưỡng có quy mô vốn đầu tư đến 4 tỉ USD, thuộc hàng lớn nhất tại miền Trung tính đến thời điểm này.

Để phục vụ dự án này, một cung đường đẹp thuộc hàng bậc nhất khu vực miền Trung từ TP Tam Kỳ chạy thẳng đến cầu Cửa Đại kết nối với Hội An đã được hoàn thành.

Chỉ mấy năm trước đây thôi, người dân vùng biển cát này chẳng ai dám mơ màng đến con đường đó, thì nay mọi thứ đã thành hiện thực. Và cũng chính nơi này, chúng tôi đã cùng đại sứ Mỹ tại Việt Nam lúc ấy là David Shear chứng kiến một cảnh nổ phá bom giữa một ngày nắng cháy.

Đó là một ngày tháng 10-2012 trên bãi biển Bình Minh (huyện Thăng Bình). Đoàn xe bóng lộn dừng lại bên mé biển. Những cảnh vệ cao lớn đi bên đại sứ David Shear bước nhanh về phía những hàng dương.

Người đàn ông mái tóc bạc trắng, áo sơmi, cà vạt lịch lãm bước vội vã về phía một lô cốt nhỏ được đắp bằng bao cát. Mọi người phải đứng ở lô cốt này để tránh mảnh bom trong quá trình tiêu hủy bom.

Hôm ấy, Nhóm cố vấn bom mìn (MAG), một tổ chức phi chính phủ nhân đạo của Anh, đối tác của Chính phủ Hoa Kỳ, tổ chức tiêu hủy bom và khởi động dự án di dời bom mìn, vật liệu chưa nổ ở Quảng Nam.

Trước khi tiêu hủy bom, đoàn người được tham quan hàng loạt vật liệu nổ, bom, mìn, đạn pháo của Tổ chức MAG thu gom được gồm các loại đạn pháo 155mm, 90mm, 120mm, bom bi 42B, bom bi LBU 3B, mìn M18, mìn M16...

Bà Portia Stratton, giám đốc quốc gia MAG Việt Nam, cho biết đây là số vật liệu nổ tìm được và dự án sẽ khoanh vùng xử lý bom mìn ở nhiều nơi trong huyện Thăng Bình.

Nhóm liên lạc cộng đồng của nhóm đến từng nhà người dân để hỏi về khu vực nguy hiểm, vẽ lại bản đồ, xác định vật liệu nổ và đánh dấu vị trí để đội ngũ kỹ thuật rà phá bom mìn tiến hành tìm kiếm, tháo dỡ đưa về khu vực tập kết trước khi đi tiêu hủy tại xã Bình Minh.

Quy trình hủy nổ được tính toán kỹ lưỡng về mức độ sát thương để khoanh vùng, cách ly người dân, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối.

Đúng 11g trưa, kim đồng hồ bắt đầu đếm ngược. Những chuyên gia hủy bom sẵn sàng kích nổ bằng những sợi dây điện giăng sẵn cách vị trí quả bom hơn 700m. Ba, hai, một... đùng! đùng!

Những tiếng nổ đanh tai dội vào lồng ngực, vang rền cả một vùng biển vắng. Những cột khói đen cuộn tròn bốc cao hàng chục mét. Những đứa trẻ trong làng Bình Minh nháo nhác chạy khi nghe thấy tiếng nổ lớn.

Quẹt những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, nheo mắt nhìn làn khói đen cuộn tròn phía biển, đại sứ David Shear không giấu được nỗi vui mừng vì đã góp một phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ông nói: “Không giải quyết tốt hậu quả chiến tranh để lại như bom mìn chưa nổ hay tác nhân của da cam thì quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ không thể tốt như bây giờ.

Mỹ mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập. Chúng tôi cũng mong muốn có những hợp tác kinh tế để cải thiện những khu đất hoang đang rà phá bom mìn này”.

Buổi hủy vật liệu nổ sau chiến tranh ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) - Ảnh: T.Vũ
Buổi hủy vật liệu nổ sau chiến tranh ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) - Ảnh: T.Vũ

Di sản chiến tranh

Chia sẻ với ông David Shear tại khu vực tiêu hủy bom, ông Đinh Văn Thu, (khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), cho rằng việc cả hai nước ném bom, bắn pháo ác liệt tại khu vực đèo chiến lược ở thung lũng Quế Sơn cách đây nửa thế kỷ đã để lại hậu quả là nhiều quả bom, mìn, lựu đạn chưa nổ nằm sâu trong lòng đất.

Quảng Nam là một trong những tỉnh còn sót lại lượng bom đạn lớn nhất Việt Nam với hàng ngàn tấn bom chưa nổ nằm rải rác nhiều khu vực với độ sâu khác nhau. Việc có được một dự án giúp đảm bảo an toàn cho người dân là điều đáng mừng.

Chia sẻ chân tình với ông Thu, đại sứ Mỹ David Shear cho rằng tình cảm của ông dành cho Việt Nam là một thứ tình cảm đặc biệt không gì diễn tả được. Mỗi một quả đạn pháo hay quả bom được tháo gỡ là giúp người dân được sống an lành và đó cũng chính là hạnh phúc mà người dân hai nước đều muốn nhìn thấy.

“Mỹ cam kết phối hợp với Chính phủ Việt Nam để dọn sạch các vật liệu chưa nổ. Đây là một phần trong nỗ lực toàn diện nhằm vượt qua di sản chiến tranh, xây dựng niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia khi cùng nhau đối mặt với thách thức. Kể từ năm 1989, tổng kinh phí hỗ trợ giải quyết hậu quả bom mìn mà Mỹ thực hiện tại Việt Nam là 65 triệu USD” - ngài đại sứ nói.

Trước khi ra về, ông vui vẻ chào hỏi nhiều người dân địa phương và hứa rằng người Mỹ sẽ làm hết sức để vùng đất này trở lại bình an.

Gia đình ông Trương Văn Bảy, sống ở Bình Minh nhiều đời, bảo rằng những năm sau giải phóng bom đạn ở đây nhiều đếm không xuể. Người dân tự thu gom bán phế liệu. Những quả đạn lớn được một số người cưa ra lấy thuốc nổ khiến không ít cái chết thương tâm xảy ra.

Ông Bảy cho rằng việc ngài đại sứ Mỹ đích thân đến hiện trường chứng kiến cảnh hủy bom làm cho ông xúc động. “Dù sao thì họ cũng quay lại với thiện chí giúp bà con mình. Ông ấy đứng dưới nắng gắt, thăm hỏi bà con, bắt tay từng người làm lòng mình phần nào an ủi” - ông Bảy nói.

10 tỉ USD và 100 năm làm sạch bom, mìn

Theo số liệu Bộ LĐ-TB&XH công bố ngày 31-3-2016, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày với người dân, là vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ.

Số bom mìn, vật nổ từ năm 1945-1975 do quân đội đối phương sử dụng tại Việt Nam lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp bốn lần Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ước tính số bom đạn còn sót lại khoảng 800.000 tấn, trên 20% diện tích đất đai toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn, hơn 100.000 nạn nhân bom mìn.

Để làm sạch hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, ước tính cần kinh phí trên 10 tỉ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỉ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên