10/12/2014 09:20 GMT+7

​Hướng dẫn công dân khi ra nước ngoài

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Từ ngày đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài du lịch, công tác, kinh doanh, du học, lao động... ngày càng đông.

Do nhiều nguyên nhân, một bộ phận đang làm xấu đi hình ảnh người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài bằng những thói hư tật xấu của mình.

Ví dụ như: vào nhà hàng buffet thì lấy thức ăn cho no con mắt, để thừa mứa, ăn xong ngậm tăm bước ra đường; đi phố thì sai luật, xả rác, khạc nhổ tùy tiện; vào công viên mà thấy vắng người là giẫm lên cỏ, ngồi lên hoa chụp hình dù có bảng cấm, thậm chí ăn cắp vặt ở xứ người...

Từ những hình ảnh xấu này, một số nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã có bảng cảnh báo tiếng Việt, tất nhiên dành cho người Việt. Chuyện này ban đầu xuất phát từ một số cá nhân khi ra nước ngoài, nhưng nếu không có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn và để lan rộng thì thành chuyện quốc thể, tổn hại đến danh dự quốc gia.

Chúng ta còn nhớ mùa World Cup vừa rồi, cả thế giới đều kính nể người Nhật khi các phương tiện truyền thông phát đi những hình ảnh sau trận đấu, khán giả Nhật ở lại thu lượm rác vào bao nilông.

Hành động đẹp của khán giả Nhật ở nước ngoài là kết quả đương nhiên của việc giáo dục ý thức, phẩm chất công dân và danh dự quốc gia qua nhiều thập kỷ, là hiệu quả của các chương trình nâng cao dân trí thông qua sách báo, điện ảnh, giáo dục ...

Tôi thấy cùng với việc số lượng người Việt đi du lịch, làm ăn, công tác, học hành ngày càng nhiều song các ngành văn hóa - du lịch - thông tin - truyền thông - giáo dục lại chưa có những động thái tích cực giáo dục, hướng dẫn công dân về những việc cần làm, những điều cần tránh để giữ gìn hình ảnh quốc gia, danh dự đất nước khi ra nước ngoài.

Còn các công ty lữ hành thì cũng chỉ chú ý đến những dặn dò để tiện cho khách khi đi tour của họ, cũng thiếu sự hướng dẫn về vấn đề này.

Giáo dục công dân có ý thức giữ gìn uy tín, thể diện quốc gia khi ra nước ngoài phải là một nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, rất cần có nhiều hình thức giáo dục sinh động khác phù hợp.

Chẳng hạn, đối với những người mới được cấp hộ chiếu lần đầu hay đổi, gia hạn hộ chiếu, nên chăng cơ quan chức năng có thể kết hợp giáo dục những điều công dân cần chú ý khi họ đến nhận hộ chiếu.

Hoặc làm nhiều video clip thật sinh động, hấp dẫn, tính thực hành cao, pha chút hài hước về chủ đề này, kể cả video về công dân Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... giữ gìn thể diện quốc gia khi ra nước ngoài như thế nào để chiếu cho hành khách Việt Nam xem tại các phòng chờ ra các chuyến bay quốc tế...

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên