21/12/2014 08:58 GMT+7

​Hợp tác để sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong

Theo TTXVN
Theo TTXVN

TT - Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5, với sự tham dự của thủ tướng Việt Nam cùng lãnh đạo các nước thành viên, đã thông qua tuyên bố chung.

 Các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS 5) ở Bangkok, Thái Lan ngày 20-12 - Ảnh: TTXVN
Các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS 5) ở Bangkok, Thái Lan ngày 20-12 - Ảnh: TTXVN

 Ngày 20-12 tại Bangkok, Thái Lan, với chủ đề “Đạt tới sự phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực tiểu vùng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên GMS thảo luận các ý kiến để hiện thực hóa tầm nhìn của GMS trong tương lai.

Đòi hỏi cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến thủ tướng Thái Lan

Sáng 20-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhằm trao đổi những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai thủ tướng nhất trí phối hợp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vào tháng 11-2014, trong đó có việc tổ chức họp nội các chung lần 3 và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tất cả lĩnh vực.

Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có hợp tác về gạo và cao su.

Tăng cường kết nối giao thông cả về đường thủy và đường bộ, trong đó có việc mở các tuyến xe buýt vận tải hành khách nối Việt Nam với Thái Lan để tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa và du lịch.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo phía Thái Lan đang triển khai đăng ký cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan và đồng ý xem xét thúc đẩy ký thỏa thuận hợp tác về lao động giữa hai nước.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giáo dục ngư dân và xử lý các vụ việc vi phạm của tàu bè, ngư dân trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, cũng như trên tinh thần nhân đạo. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế khu vực và thế giới cùng với sự xuất hiện của những thách thức phi truyền thống và những bài học rút ra từ quá trình phát triển kinh tế của các nước thành viên thời gian qua đòi hỏi một cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt hơn cho hợp tác GMS.

Thủ tướng nhấn mạnh tiểu vùng Mekong phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hòa sẽ chỉ đạt được nếu chiến lược 3C, bao gồm kết nối - cạnh tranh - cộng đồng, được đặt trong mục tiêu tổng thể “phát triển bền vững và toàn diện” của tiểu vùng Mekong.

Hợp tác GMS cũng cần hỗ trợ một cách hiệu quả cho các nước Mekong trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ cần bảo đảm sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS.

Trong quá trình phát triển, tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Việc nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc những thách thức này sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp.

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới GMS cần thúc đẩy các chương trình/dự án về môi trường và phát triển con người để tương xứng với hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, chú trọng hỗ trợ các nước thành viên chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và khôi phục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong quản lý nước đô thị, nước nông thôn và nước sạch.

Cùng với Ủy hội sông Mekong (MRC), hợp tác GMS có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Trong bối cảnh nhu cầu phát triển ngày càng cao, yêu cầu về nguồn lực và công nghệ ngày càng lớn, Thủ tướng đề xuất các nước tiểu vùng Mekong cần hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi tất cả quốc gia liên quan cùng có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông này, để sông Mekong luôn là kết nối bền chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông.

GMS đang đứng trước những thách thức lớn

Thảo luận tại phiên họp hẹp, trao đổi những giải pháp để phát triển nhanh và bền vững tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ trong quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mekong, Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo cho rằng GMS đang đứng trước những thách thức lớn bao gồm: khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, mức độ hội nhập quốc tế, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Để giải quyết các thách thức này, các nhà lãnh đạo nhất trí thực hiện khung đầu tư (RIF) giai đoạn 2014-2018, gắn kết hợp tác GMS với chiến lược phát triển quốc gia mỗi nước, thực hiện chiến lược và chương trình hành động về các hành lang kinh tế GMS, xây dựng chương trình hoạt động tổng thể về tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại, thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt trong ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ, phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo GMS cũng đã trao đổi về khả năng hợp tác giữa GMS với các sáng kiến tiểu vùng khác và việc huy động nguồn lực cho các dự án trong khung đầu tư khu vực.

Thông qua tuyên bố chung

Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung và công bố các tài liệu về kế hoạch thực hiện khung đầu tư khu vực GMS giai đoạn 2014-2018, tài liệu về thành lập Trung tâm điều phối điện khu vực, tài liệu về thành lập Hiệp hội đường sắt GMS, báo cáo rà soát chiến lược giao thông GMS (2006-2015). Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị GMS lần thứ 6 tại Việt Nam vào năm 2017.

Thảo luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất bốn định hướng cho hợp tác GMS trong thời gian tới bao gồm việc đảm bảo sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS.

Cần sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS, tiến tới hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên