20/04/2020 08:06 GMT+7

Hơn một tháng 'đi trên dây' của y bác sĩ tuyến đầu

L.ANH
L.ANH

TTO - Cách đây hơn 1 tháng, từ 15-3, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đón 2 bệnh nhân COVID-19 nặng đầu tiên, gồm 1 bệnh nhân người Anh và bệnh nhân số 19 (bác ruột của bệnh nhân 17) người Việt Nam.

Hơn một tháng đi trên dây của y bác sĩ tuyến đầu - Ảnh 1.

Bệnh nhân vỗ tay cảm ơn các bác sĩ sau khi được điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: BVCC

Chỉ vài ngày sau khi vào khoa hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân 19 tiếp tục chuyển biến xấu, đến ngày 19-3 phải sử dụng thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO), bên cạnh máy thở và lọc máu liên tục. Nhưng số bệnh nhân nặng lại tiếp tục gia tăng, vài ngày sau thêm 1 người Anh và 1 người Việt Nam, rồi lại thêm 1 người Việt Nam nữa. Tất cả đều suy hô hấp, cần hỗ trợ thở máy, người nào cũng có từ 1-3 bệnh nền.

Ca làm việc kéo dài 12 giờ đồng hồ mỗi ca, ở vòng trong nhất có 1 bác sĩ, 4-5 điều dưỡng, vòng thứ 2 lại 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, chưa kể vòng thứ 3. Họ theo dõi bệnh nhân từng phút, ghi chép lại để trao đổi với tổ hội chẩn chuyên môn mỗi ngày, trong mỗi tình huống khó khăn. 

"Bệnh nhân nào vào hồi sức tích cực cũng rất nặng, rất khó, cần điều chỉnh từng chút về tốc độ hỗ trợ thở, về thuốc để phù hợp với tình trạng bệnh. Giờ nghĩ lại thì đúng là ít có đêm nào ngủ được 3-4 giờ. Trời nóng, chỉ mặc bộ đồ bảo hộ 5 phút thôi là thấy bất tiện, ra mồ hôi, ngứa không được gãi... 

Nhưng chúng tôi cũng cố sắp xếp để sau mỗi nửa ca, tức là sau mỗi 6 giờ mọi người lại được sang khu vực đệm bên cạnh để nghỉ ngơi một chút, được bỏ bộ quần áo như bộ áo mưa phải mặc ở trong nhà" - bác sĩ Đồng Phú Khiêm, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chia sẻ.

Mỗi bệnh nhân nặng lại có những phức tạp riêng, như bệnh nhân nam C.A.S. (50 tuổi) không phải thuộc nhóm nguy cơ nhất, nhưng bệnh biến chuyển rất nhanh, vào viện vài hôm đã phải thở máy. 

Bệnh nhân 19 sau bao nhiêu nỗ lực của các bác sĩ và điều dưỡng, đúng đêm bệnh nhân cai được thiết bị ECMO thì ngay trong đêm có đến 3 lần ngừng tuần hoàn. Thời điểm ngừng tuần hoàn lại vào lúc 1h sáng. Nhưng với 3 vòng theo dõi bệnh nhân, các bác sĩ đã phát hiện ngay tình trạng bệnh nhân và cấp cứu rất kịp thời.

Phải là những người làm trong khu vực hồi sức mới hiểu được ý nghĩa của cấp cứu ngừng tuần hoàn, vì chỉ chậm 1-2 phút thôi có thể vẫn cứu được bệnh nhân, nhưng bệnh nhân sẽ gặp những biến cố lớn sau này, trong đó có thể có cả việc phải sống thực vật. 

"Bệnh nhân 19 đã có tri giác trở lại sau vài ngày được cai ECMO, giờ bệnh nhân đã nhận biết, có thể làm theo những yêu cầu của bác sĩ và điều dưỡng" - ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nói về nỗ lực của các đồng nghiệp trẻ.

Hơn 1 tháng qua, những đồng nghiệp trẻ của ông đã cố gắng từng phút, làm việc với hơn 100% sức lực của mình. Họ làm việc cả với áp lực và kỳ vọng của người dân, của đồng nghiệp, là làm sao cứu được những người bệnh COVID-19.

Mỗi phút qua đi mà người bệnh an toàn hơn một chút, họ lại thêm một phút bớt đi những lo lắng cho bệnh nhân. "Nơi chúng tôi làm việc là khoa hồi sức tích cực, ở đây sự sống và cái chết mong manh lắm. Có người bảo có khi bác sĩ sẽ bị 'chai lì', không cảm thấy gì quá đau đớn với mỗi ca bệnh nặng. Nhưng thật ra không phải, chúng tôi vẫn lo đến thắt ruột mỗi khi bệnh nhân chuyển biến xấu, và vui sướng đến mức khó ngủ mỗi khi bệnh nhân tốt lên. 

Chọn nghề này là duyên, chẳng dám nghĩ mình làm điều gì quá to tát, mà nghĩ nếu hỏa hoạn, lính cứu hỏa vất vả, nếu có dịch bệnh thì y tế sẽ cố gắng. Chúng tôi đang dốc sức làm tròn vai trò của mình" - bác sĩ Khiêm nói.

Tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương giờ còn 2 bệnh nhân, một người 88 tuổi, trước khi bị COVID-19 đã liệt nửa người và có tiền sử xuất huyết não, người còn lại là bệnh nhân 19. Cả hai đều chưa cai được máy thở, chỉ khi nào họ rời được khoa hồi sức tích cực, lúc ấy mới là thành công thật sự.

Hơn một tháng đi trên dây của y bác sĩ tuyến đầu - Ảnh 2.

Nguồn: TƯỜNG NGUYỄN theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Đồ họa: N.KH

Dịch COVID-19 sáng 20-4: Việt Nam 4 ngày liền không ca mới, toàn cầu hơn 2,4 triệu ca Dịch COVID-19 sáng 20-4: Việt Nam 4 ngày liền không ca mới, toàn cầu hơn 2,4 triệu ca

TTO - Đến 6h sáng nay 20-4, Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới. Trên toàn cầu đã có hơn 2,4 triệu người được ghi nhận mắc bệnh, trong đó hơn 164.000 trường hợp tử vong và 624.000 ca bình phục.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên