17/07/2017 16:54 GMT+7

Hơn 330.000 người đã chết, Syria vẫn chưa yên ổn

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cuộc nội chiến ở Syria kéo dài đã 6 năm với số người chết tăng dần theo thời gian. Các nỗ lực đàm phán hoà bình trong khi đó tiếp tục bế tắc.

 

Trẻ em Syria chơi đùa trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Douma, gần thủ đô Damascus - Ảnh: Reuters
Trẻ em Syria chơi đùa trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Douma, gần thủ đô Damascus - Ảnh: Reuters

Hãng tin AFP ngày 16-7 dẫn số liệu của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở ở Anh) cho biết kể từ ngày 15-3-2011 tới 15-7-2017, số người thiệt mạng trên toàn Syria liên quan đến cuộc nội chiến là 331.765 người.

Ai cũng chết!

Về lý thuyết cuộc khủng hoảng Syria là mâu thuẫn giữa chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad với các phe phái nổi dậy. Nhưng cuộc chiến đã khiến 99.617 thường dân vô tội thiệt mạng, tức gần 1/3 tổng số người thiệt mạng trong cuộc chiến. Trong số thường dân đã chết có 18.243 trẻ em và 11.427 phụ nữ.

Tổ chức SOHR cho biết 116.774 thành viên thuộc lực lượng chính phủ Syria đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra, bao gồm 61.808 binh sĩ, 1.408 thành viên phong trào Hezbollah của người Hồi giáo Shiite do Iran hỗ trợ.

Tình hình ở Syria bắt nguồn từ các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, nhưng nhanh chóng lan rộng thành một cuộc chiến đẫm máu, phức tạp với rất nhiều phe phái trong và ngoài nước đánh nhau.

Cuộc chiến đã phá hủy rất nhiều cơ sở hạ tầng ở Syria và khiến hàng triệu người mất chỗ ở.

Hoà đàm chưa lối thoát

Hôm nay (17-7), Ngoại trưởng Anh Boris Johnson kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt lên các quan chức quân đội cấp cao Syria cũng như các nhà nghiên cứu ở Syria, với cáo buộc dính dáng đến việc sử dụng vũ khí hoá học, theo báo Irish Times.

Phía chính quyền Syria do Nga hậu thuẫn đến nay vẫn bác bỏ việc sử dụng chất độc thần kinh sarin, cũng như bất cứ loại chất nào cấm trong danh sách của Liên Hiệp Quốc. Chính vì vậy, động thái từ Anh và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ tiếp tục đào sâu khác biệt cho các bên ở Syria.

Các diễn biến gần đây cho thấy có ít nhất bốn vấn đề chính tại Syria vẫn tồn đọng.

Thứ nhất, bế tắc trong các cuộc đàm phán hoà bình cho Syria chủ yếu xuất phát từ số phận của tổng thống Bashar al-Assad. Trước đây Mỹ, châu Âu và các phe nổi dậy Syria khẳng định ông al-Assad phải rời ghế tổng thống thì nơi này mới thôi xung đột. Trong khi đó Nga kiên quyết bảo vệ ông al-Assad.

Thứ hai, dù tất cả đang có chung một kẻ thù là khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), bên đồng minh cũng có xung đột riêng dựa theo lợi ích. Chẳng hạn, Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd để đánh IS nhưng Thổ Nhĩ Kỳ - dù đồng ý với Mỹ trong nhiều vấn đề, lại xem người Kurd là khủng bố.

Thứ ba, các nỗ lực tìm giải pháp của Liên Hiệp Quốc chưa cho thấy tiến triển. Kết thúc vòng đàm phán hoà bình thứ 7 cho Syria tuần trước, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura khẳng định ưu tiên trước hết vẫn là chống khủng bố. Trong khi đó, cơ hội hòa bình cho Syria thì hoàn toàn không có bước đột phá nào, theo hãng tin Reuters.

Thứ tư, kể cả khi đã xong xuôi các điểm trên, câu hỏi đặt ra là Syria sẽ trông như thế nào sau khi hoà bình, ai được, ai mất, các nước xung quanh sẽ chịu ảnh hưởng gì...

Gần đây, hai thế lực có ảnh hưởng nhiều nhất là Mỹ và Nga đã đạt được thoả thuận ngưng bắn ở một khu vực và hợp tác ngăn xảy ra xung đột không mong muốn. Tuy nhiên ví dụ đơn cử là nhìn từ phía Israel, thì mọi thứ không tốt đẹp như vậy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16-7 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16-7 - Ảnh: Reuters

Hôm 16-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến Pháp trong chuyến thăm và làm việc cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông khẳng định phản đối lệnh ngưng bắn của Nga và Mỹ nêu trên.

Báo Haaretz của Israel dẫn lời một quan chức tiết lộ rằng Israel không đồng ý việc Iran và phong trào Hezbollah không tham gia thoả thuận. Chính quyền Tel Aviv lo ngại thoả thuận trên vì thế sẽ duy trì sự hiện diện của Iran trong khu vực.

Còn về phía các phe nổi dậy chống chính quyền Syria, ai cũng sợ mất phần (sau hoà đàm), và lo ngại Syria sẽ bị chia tách dưới ba thế lực ảnh hưởng chính gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên